Didi huy động 4 tỷ đô la trong đợt IPO ở Mỹ nhưng vẫn không theo kịp được với định giá của đối thủ Uber

10:19 30/06/2021

Gã khổng lồ gọi xe Didi Chuxing đã hạ cánh ở New York trong bối cảnh lo ngại về thua lỗ và các quy định hạn chế tại Trung Quốc.

Tòa nhà trụ sở chính của Didi Chuxing tại Bắc Kinh: Công ty sẽ được niêm yết tại Mỹ vào thứ Tư. © Reuters

Tòa nhà trụ sở chính của Didi Chuxing tại Bắc Kinh: Công ty sẽ được niêm yết tại Mỹ vào hôm nay (30/6). Ảnh: Reuters.

Gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing sẽ niêm yết cổ phiếu mang tính bước ngoặt tại Mỹ hôm nay (30/6), hy vọng sẽ khôi phục được lòng tin của các nhà đầu tư. 

Các đại diện của công ty, được hỗ trợ bởi Quỹ Tầm nhìn của Tập đoàn Softbank và Tencent Holdings, đã gặp một cú sốc trong chiến dịch tiếp thị trước kéo dài hai tuần của họ, khi họ hy vọng sẽ đạt được mức định giá 100 tỷ USD tương tự như đối thủ toàn cầu là Uber Technologies.

Họ đã gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ đến mức Didi phải điều chỉnh lại mục tiêu gây quỹ thành 4 tỷ đô la, thấp hơn một nửa mục tiêu ban đầu, theo ba người quen thuộc với giao dịch này cho biết.

Một người quen thuộc với thương vụ này cũng cho biết, công ty sẽ định giá đợt IPO là 14 USD/cổ phiếu và có thể bán được nhiều cổ phiếu hơn mức chào bán ban đầu. Một nguồn tin thân cận với công ty cho biết họ đã không tiếp cận nhà đầu tư với kỳ vọng định giá được xác định trước. Một đại diện của Didi tại Hồng Kông từ chối bình luận về việc định giá.

Việc định giá tỉnh táo hơn sẽ giúp tạo ra một làn gió thuận lợi cho Didi. Nền tảng bán tạp hóa trực tuyến Dingdong đã kiếm được một khoản lãi nhỏ trong lần đầu ra mắt vào thứ Ba (29/6) sau khi cắt giảm quy mô phát hành lần đầu ra công chúng trên Sở giao dịch chứng khoán New York xuống gần một phần tư so với mục tiêu trước đó và định giá cổ phiếu ở mức thấp hơn của phạm vi thị trường. Đối thủ Missfresh cũng đã mất một phần ba giá trị kể từ khi bán cổ phần. 

Nhưng Didi vẫn cần chứng tỏ nó có thể vượt qua nhiều mối quan tâm chiến lược dài hạn.

Trong khi các nhà quản lý quỹ thừa nhận tiềm năng của Didi, họ lo ngại rằng công ty - chiếm 90% thị phần gọi xe của Trung Quốc - vẫn không tạo ra lợi nhuận ở mức ròng trong kinh doanh.

Sự cạnh tranh giữa Uber và Lyft trên toàn cầu và Meituan tại địa phương có nghĩa là triển vọng thu lợi nhuận trong các hoạt động kinh doanh quốc tế và các lĩnh vực kinh doanh khác của họ, chẳng hạn như giao đồ ăn, chia sẻ xe đạp và lái xe tự hành, vẫn chưa chắc chắn.

Didi có kế hoạch sử dụng phần lớn số tiền thu được từ đợt IPO của mình để hỗ trợ các doanh nghiệp hái ra tiền của mình. Gần một phần ba số tiền thu được được dành để nâng cao công nghệ trong các lĩnh vực như xe điện và công nghệ lái xe tự động và một phần ba khác để tăng cường sự hiện diện quốc tế của nó.

“Những yếu tố đó đã trở thành điểm mấu chốt trong các cuộc thảo luận,” một người tham gia các cuộc họp nhà đầu tư cho biết. "Các nhà đầu tư không bị thuyết phục với lý thuyết của chúng tôi rằng các doanh nghiệp mới là mỏ vàng trong tương lai cho Didi. Các doanh nghiệp khác ở Trung Quốc và các hoạt động quốc tế vẫn tạo ra lỗ lớn nhưng là cốt lõi để xây dựng hệ sinh thái."

Công ty cho biết chi phí sẽ "tăng lên trong tương lai khi chúng tôi phát triển và tung ra các dịch vụ và công nghệ mới và mở rộng ở các thị trường hiện tại và thị trường mới. Những nỗ lực này có thể tốn kém hơn chúng tôi mong đợi. Bất kỳ sự thất bại nào trong việc tăng doanh thu đủ để theo kịp các khoản đầu tư của chúng tôi và các chi phí khác có thể khiến chúng tôi không đạt được hoặc duy trì lợi nhuận."

Công ty đã chào bán 288 triệu cổ phiếu lưu ký của Mỹ với giá từ 13 đến 14 đô la một cổ phiếu, theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ vào tuần trước.

Điều đó sẽ khiến nó được định giá thị trường từ 62 tỷ đến 67 tỷ USD so với 95,7 tỷ USD đối với Uber và 20 tỷ USD đối với Lyft. Uber đã thua trong cuộc chiến giá gay gắt ở Trung Quốc trước Didi và vào năm 2016, buộc họ phải bán lại mảng kinh doanh cho đối thủ để đổi lấy 12,8% cổ phần của công ty Trung Quốc.

Mức vốn hóa thị trường như vậy sẽ tương đương với mức định giá khoảng 9 lần doanh số bán nền tảng, có thể so sánh với mức định giá thị trường cho hai đối thủ toàn cầu của nó. Tuy nhiên, doanh thu tại Uber, công ty cũng đang thua lỗ, được các nhà phân tích cho rằng có được nhờ sự phát triển vượt bậc trong mảng kinh doanh giao đồ ăn của Uber - Uber Eats.

Didi, được thành lập vào năm 2012 bởi Cheng Wei và Jean Liu, hoạt động tại 15 quốc gia và phục vụ hơn 493 triệu người dùng hoạt động hàng năm trên nền tảng toàn cầu của mình. Năm ngoái, công ty đã báo cáo khoản lỗ ròng 1,6 tỷ đô la.

Trong ba tháng đầu năm nay, Didi ghi nhận khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh trị giá 1 tỷ đô la, mặc dù lợi nhuận đầu tư đã giúp công ty đạt thu nhập ròng 837 triệu đô la.

Trung Quốc vẫn là động lực doanh thu chính của công ty và hoạt động kinh doanh đặt xe tại Trung Quốc của Didi đã trở lại lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao kể từ năm 2019.

Trong quý đầu tiên, lợi nhuận hoạt động của công ty tại Trung Quốc đã tăng gấp 6 lần lên 3,6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 557 triệu USD). Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh quốc tế và các hoạt động khác của Didi đã lỗ lần lượt 1 tỷ nhân dân tệ và 8,1 tỷ nhân dân tệ trong ba tháng đầu năm. Thị trường nước ngoài chỉ chiếm 1,9% tổng doanh thu trong quý đầu tiên.

Trong khi đó, Didi cũng bị dính vào một cuộc đàn áp theo quy định đối với các công ty công nghệ ở Trung Quốc, nơi đã áp dụng khoản tiền phạt kỷ lục 18,2 tỷ nhân dân tệ đối với Alibaba. Vào tháng 3, Didi đã bị phạt 1,5 triệu nhân dân tệ vì "hành vi định giá không đúng".

Reuters trong tháng này đã đưa tin rằng cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc đang thăm dò xem Didi có sử dụng các hành vi chống cạnh tranh để loại bỏ các đối thủ nhỏ hơn hay không và liệu cơ chế định giá của họ có đủ minh bạch hay không.

Trong đơn đăng ký IPO, Didi cho biết họ nằm trong số hơn 30 công ty internet Trung Quốc đã gặp gỡ các nhà quản lý vào tháng 4 và yêu cầu tiến hành kiểm tra nội bộ và gửi báo cáo tuân thủ.

Richard Windsor, một nhà phân tích công nghệ thông tin và người sáng lập tại Radio cho biết: “Cần nhớ rằng luôn có rủi ro chính trị quá lớn ở Trung Quốc, vì Chính phủ Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với bất kỳ công ty nào, như thảm họa xảy ra với Ant Group đã chứng minh rõ ràng điều qua", ông cũng đề cập đến việc đình chỉ vào phút cuối của đợt IPO gần 40 tỷ USD của Ant Group vào tháng 11 là một điều đáng lo ngại cho các công ty khác trong tương lai.

Bảo Bảo (Theo Nikkei Asia)