Dịch bệnh thuyên giảm, doanh nghiệp vật liệu vẫn "đuối sức"

00:00 12/10/2020

Từ đầu năm tới nay, do tác động của dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp lớn trong ngành vật liệu xây dựng đều báo lỗ, doanh thu sụt giảm. Tuy nhiên, khi dịch bệnh đã dần được kiểm soát, những khó khăn vẫn chưa kết thúc.

Lợi nhuận giảm sâu

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước quý I/2020 có mức tăng trưởng âm lần lượt là 6% và 12,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Về nhập khẩu, do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng, các thị trường trên thế giới đều nằm trong tình trạng kiểm soát bệnh dịch, khiến nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của ngành thép bị gián đoạn, đặc biệt là các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngoại trừ một số “ông lớn” trong ngành như Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát, Thép Nam Kim vẫn liên tục báo lãi, đa số doanh nghiệp khác ghi nhận tình hình kinh doanh ảm đạm trong quý đầu năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Nhiều người dân hoãn lại kế hoạch xây, mua nhà mới trong bối cảnh dịch bệnh khiến thị trường vật liệu xây dựng gặp khó

 Nhiều người dân hoãn lại kế hoạch xây, mua nhà mới trong bối cảnh dịch bệnh khiến thị trường vật liệu xây dựng gặp khó

Chẳng hạn, kết thúc quý I/2020, Công ty cổ phần Thép Biên Hòa (VCA - UPCoM) ghi nhận mức doanh thu thuần khoảng 470,5 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các loại chi phí tăng cao, khiến lãi ròng của VCA chỉ đạt gần 7,9 tỷ đồng, giảm 18,6% so với cùng kỳ 2019.

Thậm chí, Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS - sàn HOSE) cũng ghi nhận mức lỗ 41 tỷ đồng trong quý I/2020, tăng so với khoản lỗ 33,6 tỷ đồng của cùng kỳ, nâng tổng lỗ lũy kế lên 586 tỷ đồng. Trong khi doanh thu thuần đạt khoảng 756 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn xấp xỉ bằng doanh thu, nên Thép Việt Ý hầu như không ghi nhận lãi gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Thép Pomina (POM - sàn HOSE) cũng chẳng khá hơn với doanh thu thuần đạt hơn 2.519 tỷ đồng, giảm 19,3%, trong khi chi phí lãi vay trong quý là hơn 102 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Kết quả, POM lỗ ròng hơn 55,7 tỷ đồng trong quý I/2020.

Giải trình về kết quả này, đại diện POM cho biết, tình hình tiêu thụ chung của ngành thép quý  đầu năm giảm, nên dẫn tới lượng thép và doanh thu quý I của Công ty cũng giảm theo. Bên cạnh đó, Công ty đang triển khai dự án lò cao, quý II/2020 mới bắt đầu đi vào hoạt động, nên chi phí lãi vay cao.

Ngành thép có mức tăng trưởng âm trong quý I/2020

 Ngành thép có mức tăng trưởng âm trong quý I/2020

Đối với ngành xi măng, kết quả kinh doanh của nhiều “ông lớn” trong ngành đã thể hiện mức giảm mạnh. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1 - sàn HOSE) đạt doanh thu thuần trong quý I/2020 khoảng 1.732 tỷ đồng, giảm 13,3% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính cũng giảm mạnh từ 16,7 tỷ đồng, xuống còn 6,6 tỷ đồng, chỉ trong vòng 3 tháng. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt khoảng 104,6 tỷ đồng, giảm 0,9%.

Tương tự, lãi trước thuế trong quý I/2020 của Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (BCC - sàn HNX) là hơn 25 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ở mức hơn 20 tỷ đồng, giảm 15,8%.

Theo báo cáo tài chính của Công ty, doanh thu thuần kỳ này đạt gần 1.051 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do tốc độ tăng giá vốn lớn hơn doanh thu, nên lợi nhuận gộp chỉ tăng nhẹ 5%, đạt 129 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và quản lý tăng mạnh hơn lần lượt là 29% và 23,5%. Hay tại ngành đá, doanh thu trong quý I/2020 của Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB - sàn HOSE) đạt khoảng 296,2 tỷ đồng, gần như đi ngang với cùng kỳ năm ngoái, còn lợi nhuận sau thuế đạt 50,9 tỷ đồng, giảm 9,57% so với cùng kỳ.

Tương tự, trong quý đầu năm 2020, Công ty cổ phần Ðá Núi Nhỏ (NNC - sàn HOSE) đạt doanh thu 98,3 tỷ đồng, lợi nhuận 21,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,18% và 19,36% so với cùng kỳ năm ngoái; Công ty cổ phần Hoá An (DHA - sàn HOSE) đạt doanh thu 71,5 tỷ đồng, lợi nhuận 16,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 2,74% và 1,48%...

Khó khăn vẫn bủa vây

Theo các chuyên gia trong ngành, không phải đến khi xuất hiện dịch bệnh, ngành vật liệu xây dựng mới đối mặt với khó khăn. Ngay từ năm 2019, thị trường bất động sản và xây dựng chững lại đã khiến cho thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.

Đến năm 2020, sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến người dân có xu hướng tích trữ các nhu yếu phẩm và hàng tiêu dùng nhanh, thay vì chi tiêu vào bất động sản. Đặc biệt, ngành xi măng tiếp tục phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung, dẫn đến sự bất ổn của toàn bộ doanh nghiệp xi măng trong ngành.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam chia sẻ, tình trạng nhiều dự án đầu tư bị ách tắc do khó khăn trong hoạt động giải ngân, dự án giao thông lớn chậm tiến độ. Đồng thời, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc… là những rào cản lớn đối với ngành xi măng.

Lý giải về kết quả kinh doanh của công ty trong quý I/2020, đại diện Công ty Xi măng Hà Tiên cho biết, dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu, hạn hán gay gắt và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Đồng bằng Sông Cửu Long là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Do vậy, năm 2020 được dự báo là sẽ có nhiều cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen.

Ông Baptiste Legeret, Giám đốc Thương mại của Xi măng INSEE cho rằng, hiện có nhiều thương hiệu xi măng miền Bắc đang có xu hướng chuyển thêm xi măng vào miền Nam để tìm cách tiêu thụ. Điều này sẽ làm tăng sự cạnh tranh ở thị trường nội địa ngày càng khốc liệt. Bên cạnh đó, sản lượng xi măng xuất khẩu của Trung Quốc và Thái Lan có thể tăng cao, khiến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh gay gắt hơn.

Đối với ngành thép, Ban giám đốc Công ty Thép Việt Ý cũng đặt kế hoạch kinh doanh giảm sút với sản lượng sản xuất thép 322.300 tấn, giảm 4% so với năm 2019, sản lượng thép tiêu thụ dự kiến ở mức 322.300 tấn. Bởi theo lãnh đạo công ty này, thị trường bất động sản dự kiến sẽ còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bộ Xây dựng cũng nhận định, khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong quý I/2020 chỉ là bước đầu, diễn biến có thể phức tạp hơn trong quý II và có thể kéo dài. Theo đó, Bộ Xây dựng đã tập hợp ý kiến của nhiều doanh nghiệp, hội, hiệp hội nghề nghiệp và đề nghị một số hình thức hỗ trợ.

Cụ thể, đề xuất đầu tiên là được giảm thuế VAT xuống còn 5%, giảm lãi suất vay ngân hàng; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoãn, lùi thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu,tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội…

Ngoài ra, các địa phương cũng cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục có chương trình phù hợp nhằm kích cầu, tăng tiêu dùng nội địa. Bản thân các doanh nghiệp giai đoạn này cần chủ động tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới để mở rộng hoặc thay thế thị trường cũ.

Việt Dũng