Dịch bệnh kéo dài “phép thử” lên nông sản xuất khẩu

00:00 12/10/2020

Dịch bệnh Covid-19 đang tác động nặng nề tới các mặt hàng nông sản - một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dự báo tình hình ít nhất kéo dài đến hết năm 2020, là một phép thử cho các doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của nông sản.

Chiếm tới 22-24% tỷ trọng nhập khẩu các mặt hàng nông sản, lâu nay Trung Quốc là một trong những thị trường chính của nông sản Việt Nam. Dịch bệnh Covid-19 làm đứt mạch giao thương và nguồn cầu chậm lại khiến việc xuất khẩu sang thị trường này giảm đáng kể từ thời điểm bùng phát dịch cho tới nay.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng nông sản của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dịch bệnh kéo dài “phép thử” lên nông sản xuất khẩu - ảnh 1

Trong hai tháng đầu năm, 3 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao nhất đều ghi nhận giảm xấp xỉ 20%

 

Báo cáo chỉ ra, 4 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm cả về sản lượng lẫn giá trị trong hai tháng đầu năm. Cụ thể, xuất khẩu rau quả giảm 17,4%, hạt điều giảm 6% về số lượng nhưng giảm tới gần 20% tổng giá trị. Những mặt hàng như cà phê, cao su, sắn hay tiêu cũng đều giảm từ 10-20%.

 "Ước tính các mặt hàng trái cây xuất khẩu năm 2020 có thể giảm khoảng 20% tổng sản lượng, thanh long và dưa hấu là hai mặt hàng chịu thiệt hại nặng vì trước giờ chủ yếu xuất sang Trung Quốc hoặc vài quốc gia châu Á khác," ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng - giám đốc Vina T&T, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây chỉ tập trung vào một thị trường chính, dẫn tới việc xây dựng vùng trồng để phục vụ riêng cho thị trường đó nên rất dễ bị động. Chưa kể, thanh long hay dưa hấu đa số được xuất khẩu tiểu ngạch qua các cửa khẩu giáp biên giới Trung Quốc, vì vậy trong điều kiện thị trường hiện nay việc tồn đọng là không tránh khỏi.

Là một doanh nghiệp xuất khẩu đa dạng các mặt hàng nông sản, đại diện PAN Group cho biết, ảnh hưởng cụ thể với doanh nghiệp này là ngô tẻ. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng mức sụt giảm sản lượng xuất khẩu dẫn tới giảm nhu cầu gieo trồng và sử dụng lúa trong nông dân.

Ông Phạm Văn Công - chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) khẳng định sẽ phải điều chỉnh lại mục tiêu xuất khẩu 4 tỉ USD của ngành điều trong năm nay vì "Các đơn hàng từ Mỹ và châu Âu - hai thị trường chủ lực của ngành điều Việt Nam đang bị gián đoạn. Đồng thời, việc nhập khẩu hạt điều thô từ châu Phi - vốn chiếm tới 80% tổng nhập khẩu cũng gặp khó khăn khi dịch bệnh lan ra khắp thế giới."

Đại diện Vinacas ước tính khả quan nhất thì cũng chỉ cán mốc 3,5 tỉ USD - ngang bằng năm vừa rồi. Vinacas cũng dự báo nếu dịch bệnh không được dập tắt sớm, giá điều nhân có chiều hướng giảm thêm, xuất khẩu nhân điều của Việt Nam chắc chắn sẽ giảm mạnh.

Ông Nguyễn Trung Anh, phó tổng giám đốc PAN Farm cho rằng giai đoạn khó khăn này đang là "một phép thử về khả năng ứng phó với thị trường của ngành nông nghiệp". Theo ông Anh, tình hình hiện nay doanh nghiệp nên cân nhắc để nâng cao năng lực quản trị nguồn vốn, tránh dựa quá nhiều vào nợ vay và đặc biệt năng lực quản trị các rủi ro về gián đoạn kinh doanh và tình huống khẩn cấp.

Giải pháp theo ông Trung Anh là các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam xem xét lại chiến lược đa dạng hóa thị trường - sản phẩm, tránh việc phụ thuộc vào một thị trường chủ lực đồng thời tập trung nâng cao hàm lượng chế biến sâu trên mỗi sản phẩm.

 
Dịch bệnh kéo dài “phép thử” lên nông sản xuất khẩu - ảnh 2

Covid-19 có thể xem là một phép thử đối với các doanh nghiệp trong quá trình nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu. 

 

Thực tế, việc sụt giảm giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực tại Việt Nam đã diễn ra trong suốt năm 2019 và dịch bệnh chỉ tạo thêm sức ép lớn cho lĩnh vực này. Năm 2019, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 18,5 tỉ USD, giảm 5,3% so với năm 2018, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ở 6 nhóm hàng chủ lực (bao gồm rau quả, cà phê, gạo, hạt tiêu, điều và cao su) thì có đến 5 nhóm ghi nhận giảm. Xuất khẩu gạo đạt 6,34 triệu tấn và 2,79 tỉ USD, tăng 3,9% về khối lượng nhưng giảm 9,7% về giá trị so với năm 2018. Tương tự, hồ tiêu tăng hơn 20% về lượng nhưng giảm gần 6% giá trị; hạt điều tăng 14% về lượng nhưng giảm gần 10% giá trị...

Nhóm hàng rau quả xuất khẩu đạt 3,74 tỉ USD, giảm gần 2% so với năm 2018. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả vẫn là Trung Quốc khi chiếm tới 65,7% giá trị, tuy nhiên sản lượng xuất khẩu đã giảm gần 14% trong năm qua. Tổng giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực đều ghi nhận giảm mạnh như thanh long giảm 5,2%, sầu riêng giảm tới 20,4%, dừa giảm 31,3% ... so với năm 2018.

"Giá trị xuất khẩu rau quả giảm trong suốt năm vừa rồi chủ yếu là do Trung Quốc siết lại các tiêu chuẩn đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam", theo ông Đặng Phúc Nguyên.

Thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiện chỉ có khoảng 150 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp với trình độ công nghệ chế biến đạt mức trung bình của thế giới. Công suất chế biến quy mô công nghiệp khoảng 1 triệu tấn sản phẩm/năm nhưng chỉ chạy khoảng 56% công suất do thiếu vùng nguyên liệu tập trung đạt được yêu cầu chất lượng, giá thành cao, thị trường tiêu thụ còn hạn chế…

"Trong khi chờ đợi chính phủ hai nước thống nhất các quy định đối với nông sản nhập khẩu, bài toán về năng lực chế biến sâu và liên kết chuỗi giá trị giữa người dân - hợp tác xã - doanh nghiệp cũng được giải quyết," ông Nguyên nói với Forbes Việt Nam.

Nâng tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu cũng là bài toán đặt ra với ngành điều Việt Nam khi nhập khẩu tới 80% nguyên liệu thô từ châu Phi và rất khó để tăng thêm nguồn cung nội địa. "Nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm chế biến sâu hay giảm lượng - tăng chất là mục tiêu quan trọng của ngành điều trong năm nay," theo đại diện Vinacas.

Mới đây, trong cuộc họp ngày 12.3, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo mức tăng trưởng ngành nông nghiệp Việt trong thời gian tới. Cụ thể, đối với lúa, năng suất bình quân ước đạt 59,3 tạ/ha và sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấngiảm khoảng 70.000 tấn so với năm 2019.

Về rau màu, sản lượng dự kiến đạt 18,2 triệu tấn trên 980.000 ha. Với lượng tiêu thụ trong nước khoảng 14 triệu tấn thì mặt hàng này vẫn dư khoảng 4,2 triệu tấn để xuất khẩu. Ngoài ra, sản lượng trái cây còn có thể tăng 0,8 triệu tấn so với năm 2019.

"Các đơn vị hoạch định sản xuất kinh doanh cần chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản về nhu cầu nông thủy sản của nhiều thị trường/địa phương thay đổi khi dịch bệnh tăng cao và cả sau khi hết dịch", bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo.

Linh Chi