Đi tìm lời giải cho cú giảm sốc kinh điển của thị trường chứng khoán

08:14 20/01/2021

Phiên giao dịch kinh điển sáng ngày 19/1 cần được ghi nhớ trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam khi xác lập hàng loạt kỷ lục về mức giảm điểm, thanh khoản và có thể là số lượng mã giảm.

Sau một thời gian "say mồi", nhà đầu tư F0 (tham gia lần đầu) đã được đánh thức bởi mức giảm điểm không tưởng của phiên sáng ngày 19/1.  

Nhà đầu tư F0 dường như bị knock out trong phiên giao dịch sáng 19/1. Nguồn ảnh: TTXVN
Nhà đầu tư F0 dường như bị knock out trong phiên giao dịch sáng 19/1. Nguồn ảnh: TTXVN.

Chuỗi tăng điểm quá dài của chứng khoán Việt Nam tạo ra một tâm lý "tai hại" là thị trường không thể giảm sâu được, tiền mới rất nhiều sẽ kéo thị trường điều chỉnh ngay trong phiên. Tuy nhiên riêng phiên giao dịch sáng 19/1 được coi là thảm họa và phần lớn nhà đầu tư rơi vào tình trạng hoảng loạn.

Sau 10h sáng, khi VN-Index thủng mốc 1.180 điểm khi để mất tới gần 15 điểm với việc ghi nhận tới 318 mã giảm, gấp 2,5 lần số mã tăng thì sự lo ngại đã xuất hiện. Lo ngại ở cả 2 vấn đề, đây có thể là một phiên phân phối và lo ngại về khả năng nghẽn mạng xuất hiện ngay từ sớm.

Ở thời điểm 11h trạng thái thị trường chuyển từ lo lắng sang tới hoảng loạn khi lệnh tranh thủ chốt lời được tung ra ồ ạt chỉ số mất kiểm soát và rơi tự do gần hết biên độ với 74 điểm mất đi. VN30 "thất thủ" kéo theo hàng loạt mã nằm sàn khiến thị trường rơi tự do. 

Khép phiên sáng con số giảm tuyệt đối của của VN-Index ở mức 74,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 827,86 triệu đơn vị, giá trị 16.159 tỉ đồng, tăng gần 83% về khối lượng và gần 60% về giá trị so với phiên sáng đầu tuần ngày 18-1. Như vậy, chỉ tính riêng phiên sáng nay, thanh khoản đã đạt xấp xỉ cả phiên trong thời gian gần đây.

Sau giờ nghỉ trưa, thị trường chứng khoán đón nhận giao dịch nhanh của nhà đầu tư sau khi họ đã bình tĩnh hơn và không còn hành động kiểu hoảng loạn nữa. Một số nhà đầu tư kỳ cựu chia sẻ trên các diễn đàn về việc họ đã chờ đợi thời điểm như thế này từ lâu và khi sự kiện xảy ra, họ đã rót tiền gom mua dần cổ phiếu. Đó là lý do lực mua sau giờ nghỉ trưa rất mạnh.

Động lực từ dòng tiền đã kéo nhiều cổ phiếu lên dần sắc đỏ, số mã giảm sàn đã giảm nhanh từ 152 mã cuối phiên sáng còn 140 mã.

13h20, VnIndex chỉ còn giảm 62 điểm. Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng đã không còn sắc xanh xám, chuyển dần sang đỏ. Chỉ sau 20 phút giao dịch đã khớp lệnh gần 3.500 tỷ trên HoSE.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã không hồi phục mạnh khi mà chỉ được khoảng 30 phút thì sàn HoSE lại rơi vào trạng thái nghẽn lệnh. Không thể thống kê có bao nhiêu lệnh mua, bán mà không được toại nguyện nhưng chốt ngày giao dịch, VnIndex vẫn giảm gần 61 điểm và thanh khoản toàn sàn HoSE ghi nhận mức kỷ lục với hơn 20.355 tỉ đồng. 

Chỉ số VN-Index giảm mạnh trong phiên 19.1. Ảnh: KD.
Sau một chuỗi tăng dài, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bất ngờ lao dốc trong phiên giao dịch 19.1.2021.
Sau một chuỗi tăng dài, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bất ngờ lao dốc trong phiên giao dịch 19.1.2021.

Có thể thấy thị trường chứng khoán Việt đang tồn tại 2 thái cực khá đối lập. Trong đó một là khối nhà đầu tư đặt niềm tin rất lớn vào vận hội mới của Việt Nam nên đầu tư mua mạnh cổ phiếu, hai là cho rằng thị trường chứng khoán đã và đang hình thành quả bong bóng và họ hoặc không tham gia thị trường.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định dòng tiền trên thị trường là lớn, nhưng cung đã lớn hẳn lên, hiện đang lấn áp và chiếm ưu thế nên tạo các phiên thanh khoản lớn. Trong cả xu hướng đi lên, thanh khoản lớn mà có phiên giảm sâu thì thường là dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn nên khả năng các phiên sau có thể giảm tiếp, trước khi thành lập điểm cân bằng mới. Ở đây có thể vùng 1.100 điểm hoặc 1.050 điểm chẳng hạn.

Tuy nhiên, điểm tích cực là lực cầu còn mạnh, và chưa có kênh đầu tư nào hấp dẫn hơn chứng khoán ở thời điểm hiện nay nên đây vẫn là kênh được ưu tiên. Ngoài ra, quý 1 thường là giai đoạn chỉ số VN-Index có biến động tích cực nhất trong năm với xác suất tăng điểm cao nhất, hiện mới chỉ đầu quý 1, nên chưa quá lo ngại.

Đi tìm câu trả lời cho phiên giảm mạnh này cùng góc nhìn về thị trường chứng khoán hiện tại, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cao cấp Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam đã phân tích cho cú “giảm sốc” của thị trường chứng khoán như sau:

Theo ông Phương, phiên giảm điểm 19/1 không mang ý nghĩa xấu như năm 2018. Ông Phương lý giải, khoảng thời gian năm 2018, nền kinh tế thế giới cũng đang chao đảo bởi cuộc khủng hoảng tài chính và mặt bằng lãi suất ở Việt Nam cũng ở mức cao, có những thời điểm lên tới mức 20%/năm, những điều dẫn đến bất ổn về chính sách tiền tệ.

Theo góc nhìn cá nhân của mình, ông Phương đánh giá phiên giảm điểm có phần chủ đích từ những nhà đầu tư lớn. Thời gian qua, họ đã thu được lợi nhuận từ thị trường chứng khoán, và đây là động thái chốt lời. Động thái bán bất chấp của nhà đầu tư lớn đã có tác động đến tâm lý của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ cũng đặt lệnh bán để bảo vệ thành quả của mình và chọn hướng an toàn, bởi dẫu sao thời gian qua họ cũng đã có lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán.

Ông Phương cho rằng phiên giảm điểm 19.1 chỉ mang tính ngắn hạn. Điều này góp phần tìm lại sự cân bằng mới đối với thị trường chứng khoán. Giúp hạ nhiệt bớt của sự tăng giá kéo dài cũng như sẽ giúp giảm bớt sự căng nguồn vốn margin từ các công ty chứng khoán.

“Tôi đánh giá phiên điều chỉnh hôm nay không quá xấu hay sẽ tạo ra những rủi ro lớn cho nhà đầu tư. Điều quan trọng là nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo, nếu muốn bán thì nên tận dụng những nhịp hồi để bán dần và không nên bán tháo bằng mọi giá để tránh những thiệt hại không đáng có. Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt thì có thể nhân cơ hội giảm sâu để giải ngân dần vào những cổ phiếu có nền tảng tốt để đầu tư cho trung và dài hạn”, ông Phương nhận định.

Một số nhà đầu tư trên thị trường lo ngại về tình trạng căng margin của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng tình trạng căng margin là có nhưng không phải rủi ro lớn.

Theo ông Phương, khi số lượng nhà đầu tư tăng mạnh, thì dư nợ margin của các công ty chứng khoán cũng tăng lên theo là điều tất yếu trong khi nguồn vốn của các công ty chứng khoán thì không thể tăng lên ngay được. Ngoài ra, tỉ lệ tăng margin trên toàn thị trường có phần tăng chậm hơn tốc độ tham gia của nhà đầu tư mới nên rủi ro này thật sự là không đáng lo ngại. “Do đó, sự điều chỉnh của thị trường phiên 19/1 chỉ mang tính chất kỹ thuật và không quá nguy hiểm”, ông Phương nhấn mạnh.

Thiên Linh (t/h)