Đền ông Hoàng Mười: Nét đẹp tâm linh gần 400 năm giữ gìn

16:30 05/11/2021

Hàng năm cứ cứ vào tháng 3 âm lịch là lúc lễ hội khai điểm đến ngày 10/10 Âm lịch là ngày lễ hội giỗ ông Hoàng Mười. Đền ông Hoàng Mười được người dân biết đến ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, thờ Đạo mẫu Tứ Phú nhưng vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười. Năm 2002, đền được Uỷ Ban Nhân dân tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích Lịch sử, Văn hoá.

Đến nơi đây, du khách thập phương sẽ cảm nhận được Đền ông Hoàng Mười toạ lạc trên vùng đắc địa "sơn thuỷ hữu tình". Phía sau là núi Dũng Quyết làm chỗ dựa vững chắc, đền lại nằm giữa một cánh đồng lúa bát ngát, biệt lập với làng mạc nên không khí hài hoà, trong lành, tĩnh lặng. Nhìn từ trên cao sẽ thấy hình tượng đầu một con Hạc đẹp tuyệt do những con sông Mộc, sông Vĩnh tạo thành, đầu con Hạc đội Lam giang, mỏ chầu về Đồng Trụ Sơn. Đấy là nơi có đền thờ ông Hoàng Mười linh thiêng, "Mỏ Hạc Linh Từ" là tên chữ của đền, có nghĩa là ngôi đền linh thiêng toạ trên vùng đất có hình "con hạc" mà đền lại nằm ở vị trí phía "mỏ". 

  Đền ông Hoàng Mười nét đẹp tâm linh cổ kính có từ xa xưa.

Chuyện kể rằng, ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại, được giáng trần để giúp đời. Với lai lịch, thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam. Có người cho rằng, ông Hoàng Mười là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh thiên đình, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước. Còn theo lời kể ở vùng Hà Tĩnh, ông Hoàng Mười chính là Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh. 

  Kiến trúc cổ kính hàng trăm năm được giữ gìn.

Đền được xây dựng năm 1634, từ thời hậu Lê trên mảnh đất bằng phẳng với diện tích 10.615m². Trước đây đền có quy mô bề thế với các công trình kiến trúc như tam quan có voi quỳ, hổ phục, cửa tả cửa hữu với đôi cột nanh sừng sững, ba toà hạ điện, trung điện và thượng điện uy nghi. Trong chiến tranh chống Mỹ phá hoại miền Bắc, đền phải tạm rời vào làng. Đến năm 1995, đền mới được khôi phục lại và vẫn giữ được hình dáng ban đầu.

Toàn bộ kiến trúc của đền ông Hoàng Mười mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn. Hệ thống gỗ trong di tích được chạm trổ công phu, các chi tiết long, lân, quy, phụng được chạm khắc sinh động, phản ánh được tư duy sáng tạo, sự tài hoa của nghệ nhân xứ Nghệ. Ngoài ra đền ông Hoàng Mười hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử. Đặc biệt có 21 đạo sắc, bản thần tích những tài liệu hán tự, hệ thống tượng pháp... Hàng năm, vào ngày 10/10 âm lịch diễn ra lễ hội đền ông Hoàng Mười. Lễ hội có các hoạt động hấp dẫn như rước sắc bằng thuyền từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền, hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người…

Cách đền không xa về phía Đông Bắc là quần thể di tích về Phượng Hoàng - Trung Đô, nơi xưa kia vua Quang Trung chọn làm nơi đóng đô. Tất cả đã hợp thành một bức tranh sinh động, có núi, có sông, đồng ruộng, làng mạc, mà điểm sáng là ngôi đền linh thiêng thờ ông Hoàng Mười.

Đức Thánh Hoàng Mười là nhân vật quan trọng trong hệ thống thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt. Hàng năm, khu di tích đền Ông Hoàng Mười thường đón hàng trăm nghìn du khách vào mùa lễ hội. Không chỉ đến để cầu nguyện mà du khách còn có dịp khám phá nét tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Vũ Tiến