Đến Đền Cuông nghe câu truyện huyền thoại chống giặc ngoại xâm

10:28 04/11/2021

Đền Cuông mọi người biết đến với câu truyện huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đền thờ Thục An Dương Vương - một vị vua có công lớn trong buổi đầu dựng nước. Lễ hội đền Cuông được tổ chức vào dịp rằm tháng Hai âm lịch hàng năm thu hút đông đảo người dân về dự. Lễ hội được duy trì hàng năm và trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân Nghệ An và du khách thập phương.

Truyện kể rằng: Thục Phán sau khi được Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi đã đoàn kết sức mạnh toàn quân, đại phá quân Tần và lên ngôi vua, lấy hiệu là Thục An Dương Vương. Sau khi lên ngôi An Dương Vương đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì đất nước trong 50 năm. Nhưng do mất cảnh giác Thục An Dương Vương bị Triệu Đà đem quân bất ngờ tấn công, phải rút lui về phương Nam và tuẫn tiết tại Cửa Hiền nay thuộc địa phận xã Diễn An, huyện Diễn Châu. Để tưởng nhớ công ơn của Thục An Dương Vương, nhân dân vùng Diễn Châu đã lập miếu thờ ngài ở Cửa Hiền. 

  Đền Cuông là một trong những di tích lịch sử văn hóa tại Nghệ An.

Đền Cuông mọi người biết đến là một di tích lịch sử, một danh thắng cảnh công thêm sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên. Đền nằm ở lưng chừng núi Mộ Dạ, ngay kề Quốc lộ I, cách thành phố Vinh khoảng 30km về phía Bắc. Những lúc đẹp trời đứng trên núi Mộ Dạ phóng tầm mắt ra bốn phía, ta mới thấy hết được những điều kỳ thú của một vùng non nước hữu tình, cứ ngỡ đây là nơi gặp gỡ của núi và biển, của lịch sử và tình yêu.

Từ cổng vào ở dưới nhìn lên, gần hai chục cột nanh đầu nghê chĩa lên tua tủa như đại pháo dựng. Cổng tam quan, hai chục góc mái cong đầu rồng, đầu phượng, mấy chục góc mái cong của 3 tòa điện và mấy nhà vươn lên không, thành từng dãy thấp lên cao. Cổng tam quan đồ sộ, cổ kính rêu phong. Cổng giữa ba lầu, những cành si rễ bám vào rêu, khe nẻ thõng xuống khiến cho cảnh trí càng thêm u tịch. Đền có ba tòa. Tòa trung điện xây theo kiểu chồng diêm 8 mái, còn các tòa khác trong đền đều có kiến trúc 4 mái, đầu đao cong vút. Tòa nào cũng đồ sộ, cột to, thành dày với hoa văn, tứ linh chạm trổ rất tinh xảo. Trên các cột, có nhiều câu đối câu thơ đề bằng chữ Hán. Xung quanh đền Cuông, những ngọn núi, những tảng đá đều mang tên những truyền thuyết, những huyền thoại về Thục An Dương Vương.

Tảng đá bàn cờ là nơi Thần An Dương Vương ngồi đánh cờ với Thần Kim Quy từ biển lên. Tảng đá gạo dưới chân núi mộ dạ trông như một khối gạo đông lại. Tương truyền từ Cổ Loa vào đến đây, Thục An Dương Vương phát gạo, cho quân sĩ về nhà làm ăn sinh sống. Số gạo còn lại đông thành tảng đá đó. Ngoài ra các địa danh mang tên: Núi Cờ, núi Kiếm, núi Áo, núi Mão, núi Gươm, núi Đầu Cân... mỗi núi mang tên một vật trên mình của Thục An Dương Vương.

Có thể nói đền Cuông một danh thắng có nhiều phong cảnh đẹp, mang huyền thoại thiêng liêng, đậm chất bi hùng lịch sử, không chỉ trở thành một trong những điểm thăm quan du ngoạn của mảnh đất xứ Nghệ mà là nơi để con cháu muôn đời sau tưởng nhớ và tri ân đến những nhân vật lịch sử của đất nước. Đó cũng là cách để trở về cội nguồn, được hòa mình vào hồn thiêng sông núi, của nước non Âu Lạc.

Vũ Tiến