'Ngôi sao bán dẫn' Hà Lan rơi vào tình cảnh khó xử trước sức ép từ Mỹ và lợi ích từ Trung Quốc

22:49 06/12/2022

Washington đang nỗ lực kiềm chế kế hoạch thúc đẩy lĩnh vực chip của Bắc Kinh, bằng cách đề nghị nhà cung cấp Hà Lan ASML ngăn chặn các chuyến hàng đến Trung Quốc.

Mỹ muốn ASML ngừng bán thiết bị chế tạo chip cho Trung Quốc

Mỹ mong muốn ASML ngừng bán thiết bị chế tạo chip cho Trung Quốc.

Washington đang để mắt đến Hà Lan, một quốc gia châu Âu nhỏ nhưng quan trọng có thể nắm giữ chìa khóa cho tương lai của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn tiên tiến. Hà Lan có dân số chỉ hơn 17 triệu người, nhưng cũng là quê hương của ASML, một ngôi sao của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Nó sản xuất các cỗ máy chế tạo chip công nghệ cao mà Trung Quốc rất muốn tiếp cận.

Trong khi đó, Hoa Kỳ dường như đã thuyết phục Hà Lan ngăn chặn các chuyến hàng đến Trung Quốc vào lúc này, nhưng các mối quan hệ có vẻ rạn nứt khi Hà Lan cân nhắc triển vọng kinh tế của họ, nếu họ bị cắt đứt khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như Trung Quốc.

ASML, có trụ sở tại thị trấn Veldhoven, không tạo ra chip. Tuy nhiên, họ đóng vai trò gần như độc quyền và được ví như điểm nghẽn cổ chai bởi chiếm tới 80-85% thị phần máy quang khắc toàn cầu. Con số này thậm chí là 100% với dòng máy quang khắc dùng tia siêu cực tím (EUV), phục vụ cho các nhà sản xuất chất bán dẫn, như TSMC của Đài Loan.

Vì thế, ASML trở thành một trong những công ty chip quan trọng nhất trên thế giới, được đánh giá là nắm giữ chìa khóa cho tương lai lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc. Điều này khiến Mỹ để ý.

Kể từ năm 2019, ASML không thể vận chuyển máy in thạch bản cực tím cho Trung Quốc bởi nhiều hạn chế xuất khẩu mà Hà Lan áp đặt. Hiện tại ở Trung Quốc không hề có EUV nào.

Mỹ lo ngại nếu ASML cung cấp thiết bị cho Trung Quốc, các nhà sản xuất của nước này có thể chế tạo nhiều chip tiên tiến với ứng dụng trí tuệ nhân tạo và quân sự rộng rãi.

Mỹ bắt đầu gây sức ép với Hà Lan từ năm 2018, lúc Tổng thống Donald Trump nắm quyền. Hãng Reuters năm 2020 từng đưa tin chính phủ Hà Lan đã rút giấy phép xuất khẩu máy EUV sang Trung Quốc của ASML.

Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Thương chiến sau đó dần trở thành cạnh tranh giành ưu thế công nghệ. Washington tìm mọi cách cắt đứt nguồn cung công nghệ quan trọng cho Bắc Kinh.

Công nhân lắp ráp một máy quang khắc EUV. Ảnh: ASML
Công nhân lắp ráp một máy quang khắc EUV. Ảnh: ASML.

Thực tế, việc cấm ASML bán máy quang khắc cho Trung Quốc đã gây nhiều tác động sau đó. Huawei là công ty ảnh hưởng nặng nề nhất, khi công ty con chuyên về bán dẫn là HiSilicon không thể tạo chip mới cho smartphone và các thiết bị thông minh. Năng lực của nhà sản xất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC cũng bị hạn chế sau các lệnh cấm này.

Giờ đây, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã tiến thêm một bước trong cuộc tấn công vào ngành công nghiệp chip của Trung Quốc. Vào tháng 10, Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra các quy tắc sâu rộng yêu cầu các công ty Mỹ phải xin giấy phép nếu họ muốn bán một số chất bán dẫn điện toán tiên tiến hoặc thiết bị sản xuất chip có liên quan cho Trung Quốc. ASML, một trong những nhà sản xuất công cụ bán dẫn quan trọng nhất thế giới, đã yêu cầu các nhân viên Hoa Kỳ ngừng phục vụ khách hàng Trung Quốc, vì các hạn chế xuất khẩu mới nhất của Washington bắt đầu ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chip toàn cầu. Công ty Hà Lan cho biết trong một bản ghi nhớ rằng bất kỳ nhân viên Hoa Kỳ nào, bao gồm công dân Mỹ, người có thẻ xanh và công dân nước ngoài sống ở Hoa Kỳ, đều "bị cấm cung cấp một số dịch vụ nhất định cho các nhà chế tạo chip tiên tiến ở Trung Quốc".

Nhưng áp lực với Hà Lan vẫn còn. Thứ trưởng Thương mại Alan Estevez cùng quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Tarun Chhabra trong tháng này vừa làm việc với quan chức Hà Lan.

Nhà phân tích Pranay Kotasthane (Viện Takshashila) cho biết loạt hạn chế đơn phương Mỹ áp đặt sẽ trở nên vô ích nếu Trung Quốc vẫn mua được thiết bị từ ASML hay Tokyo Electron (Nhật Bản). Vì vậy Washington muốn biến hạn chế đơn phương thành đa phương bằng cách kêu gọi thêm nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật, Hà Lan hưởng ứng.

Triển vọng thuyết phục thành công Hà Lan không sáng sủa lắm. Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Liesje Schreinemacher tuần trước tuyên bố bên cạnh lợi ích an ninh thì họ cũng cần cân nhắc cả lợi ích kinh tế. 

"Rõ ràng là chúng tôi đang cân nhắc lợi ích của chính mình, lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi là vô cùng quan trọng, rõ ràng chúng tôi có lợi ích kinh tế như bạn có thể hiểu và yếu tố địa chính trị cũng luôn đóng một vai trò nào đó", Liesje Schreinemacher nhận định.

Bà nói thêm rằng Bắc Kinh là "một đối tác thương mại quan trọng", và bà cũng cảnh báo rằng Hoa Kỳ không nên kỳ vọng Hà Lan sẽ áp dụng cách tiếp cận của mình đối với các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc. Tất nhiên, động thái này báo hiệu một trở ngại tiềm ẩn đối với cuộc chiến thương mại của chính quyền Biden.

"Hà Lan sẽ không sao chép từng biện pháp của Mỹ", bà cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo NRC. "Chúng tôi tự đánh giá và chúng tôi làm điều này với sự tham vấn của các nước đối tác như Nhật Bản và cả Hoa Kỳ".

Minh Tú (t/h)