Đề xuất thực hiện cơ chế tạo nguồn năm 2022 để thực hiện tiền lương, trợ cấp

14:23 08/12/2021

Tại dự thảo Thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện cơ chế tạo nguồn năm 2022 để thực hiện tiền lương, trợ cấp.

(Ảnh minh họa)

Theo dự thảo, các bộ, cơ quan trung ương trên cơ sở dự toán ngân sách Nhà nước được giao, cân đối sắp xếp các nhiệm vụ chi đảm bảo đủ nguồn thực hiện mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng, ngân sách Trung ương không bổ sung.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để tích lũy thực hiện cải cách tiền lương theo quy định; trong đó khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc phải xác định dành tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2022 tăng thêm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ), bảo đảm không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao (nếu có).

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi phân bổ và giao dự toán ngân sách cho ngân sách cấp dưới phải xác định dành tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2022 (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) theo quy định để tích lũy thực hiện tiền lương giai đoạn 2022-2025, đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao.

Dự thảo nêu rõ, năm 2022, các địa phương thực hiện tạo nguồn để tích lũy thực hiện cải cách tiền lương giai đoạn 2022-2025, gồm:

70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2021 thực hiện so với dự toán, (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết; tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã; thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải) được Thủ tướng Chính phủ giao;

Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2021 chưa sử dụng hết chuyển sang: 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2022 đã được cấp có thẩm quyền giao. Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2022. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%.

Trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp để chi phòng, chống dịch COVID-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để bổ sung dự toán chi phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và năm 2022 (phần ngân sách địa phương đảm bảo).

Cùng với các nội dung trên, dự thảo Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về thời gian phân bổ, giao dự toán; Tổ chức quản lý, thu NSNN; Tổ chức điều hành dự toán chi NSNN; Thực hiện cấp phát, thanh toán kinh phí; Thực hiện điều chỉnh dự toán đơn vị sử dụng ngân sách; Thực hiện công khai NSNN…

PV