Đề xuất không xây dựng luật thay thế Luật Kinh doanh bất động sản 2014

10:39 01/10/2022

Tham gia ý kiến tại “Hội thảo góp ý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi” do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức, chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh đề xuất không xây dựng luật để thay thế Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 nhằm tránh xáo trộn, giảm tính ổn định của hệ thống pháp luật.

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 (viết tắt là Luật) được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, đến nay mới triển khai thực hiện được hơn 7 năm.

Qua nghiên cứu tổng kết, đánh giá thi hành Luật, các tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong dự thảo Tờ trình của Bộ Xây dựng và nội dung dự thảo Luật sửa đổi, ông Đỉnh cho rằng, dự thảo không có nhiều điểm mới nổi bật, quá trình thi hành Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 chưa phát sinh nhiều bất cập đến mức phải sửa đổi toàn diện (ban hành Luật Kinh doanh BĐS mới thay thế Luật hiện hành).

Ảnh minh họa
Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 triển khai thực hiện được hơn 7 năm.

Bên cạnh đó, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật còn thiếu báo cáo tổng kết việc thi hành luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Tôi đề xuất không xây dựng luật để thay thế Luật Kinh doanh BĐS năm 2014. Nếu cần thiết, đề nghị Bộ Xây dựng xác định các nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh BĐS (tương tự như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng”, ông Đỉnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đỉnh, việc liên tục ban hành các đạo luật mới thay thế luật cũ khi mới triển khai thực hiện được vài năm là nguyên nhân gây ra sự xáo trộn, giảm tính ổn định của hệ thống pháp luật, khiến người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thực hiện, tuân thủ pháp luật.

Đóng góp ý kiến về kinh doanh quyền sử dụng đất trong dự án BĐS tại Dự thảo Luật sửa đổi, ông Đỉnh kiến nghị, cần thay đổi hướng tiếp cận, không phân biệt theo chủ thể nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (phân biệt hộ gia đình, cá nhân với tổ chức) mà phân biệt theo loại đất, quy mô lô đất chuyển nhượng.

Cụ thể, hình thức 1 là chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật (HTKT) trong dự án BĐS cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tự xây dựng nhà ở, công trình xây dựng trong trường hợp quy mô nhà ở, công trình xây dựng nhỏ, chưa đến mức phải lập thành dự án đầu tư (Luật quy định cụ thể quy mô phải lập thành dự án đầu tư).

Hình thức 2 là chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có HTKT trong dự án BĐS cho tổ chức để đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng trong trường hợp quy mô nhà ở, công trình xây dựng lớn đến mức phải lập thành dự án đầu tư.

Để tránh chồng chéo với thủ tục chuyển nhượng một phần/toàn bộ dự án BĐS, ông Đỉnh kiến nghị, chỉnh sửa theo hướng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có HTKT trong dự án BĐS cho tổ chức để đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng trong trường hợp tổ chức nhận chuyển nhượng không có mục đích kinh doanh BĐS.

“Trường hợp tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng nhằm mục đích kinh doanh BĐS thì phải thực hiện theo thủ tục chuyển nhượng một phần/toàn bộ dự án BĐS mà không được áp dụng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, ông Đỉnh nói.

Hà Anh