Để quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, cần nêu cao vai trò của tổ chức hội !

00:00 12/10/2020

Đó là khẳng định của TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư kí Hiệp hội DNNVV Việt Nam

Theo TS Tô Hoài Nam, Quỹ Bảo lãnh tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (BLTD DNNVV) ra đời đã 17 năm nay, từ khi có Nghị định 90/2001/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp các DNNVV. Về mặt nguyên tắc, tất cả các mô hình tổ chức Quỹ BLTD, hoạt động trong khoảng thời gian 5-7 năm, nếu không hiệu quả thì đương nhiên phải xem xét, đánh giá lại mô hình đó. Quỹ BLTD cho DNNVV hoạt động đã lâu nhưng không phát huy được hiệu quả. Việc ra đời Nghị định lần này, theo tôi, phải bám sát những nguyên tắc đó. Trên thực tế, Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã nhiều lần có ý kiến, yêu cầu phát huy vai trò của tổ chức hội, đoàn trong việc xã hội hóa nguồn lực trong bối cảnh nguồn lực nhà nước ngày càng nhỏ, ngược lại, nguồn lực xã hội ngày càng lớn. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được quan tâm. Đây là một trong những lý do làm giảm đi vị thế của các hiệp, hội. Vì vậy, lần này, khi Quỹ BLTD được thành lập ở các địa phương, UBND tỉnh là cơ quan chức năng phải yêu cầu tăng cường vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, trong đó quan tâm đến ý kiến của các DNNVV. Tuy nhiên, thực tế những năm qua, mặc dù quỹ BLTD dành cho DNNVV nhưng phần lớn các DNNVV lại không được tiếp cận. Đặc điểm của DNNVV thường có nhiều khó khăn, khác hẳn với doanh nghiệp lớn. Nhu cầu cũng hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, khó có tiếng nói chung, thậm chí, còn có những trái ngược nhau. Việc một tổ chức đại diện cho cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ sẽ rất khó có ý kiến có lợi riêng cho doanh nghiệp nhỏ.

Bộ tài chính cho biết, tính đến 30/9/2017, cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, tổng số vốn điều lệ của các quỹ này ước khoảng 1.579 tỷ đồng. Doanh số bảo lãnh của các quỹ lũy kế từ năm 2002 đến 30/9/2017 ước khoảng trên 4.126 tỷ đồng với khoảng trên 2.000 DNNVV được bảo lãnh  vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Số dư bảo lãnh đến 30/9/2017 của các quỹ này ước đạt trên 411 tỷ đồng, số trả nợ thay đạt khoảng 83 tỷ đồng.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để khi quỹ này được triển khai, các DNNVV có thể tiếp cận và khai thác được thuận lợi. Việc này đòi hỏi phải nêu cao vai trò của tổ chức Hội. Bởi thành lập Hội là để thực hiện sứ mệnh đại diện và bảo vệ quyền lợi hội viên của mình là các DNNVV. Đồng thời, trách nhiệm của các hội viên phải tự bảo vệ quyền lợi của mình. Vì vậy, các Hiệp hội cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến từng doanh nghiệp thành viên, nhằm làm cho họ hiểu rõ, nắm vững những chính sách hỗ trợ của nhà nước nói chung, chính sách về quỹ tín dụng nói riêng đối với DNNVV, để nguồn lực của Nhà nước đến đúng được địa chỉ, tạo thế cân bằng hơn giữa các loại hình và quy mô doanh nghiệp, tạo động lực để các DNNVV phát huy được tối đa hiệu quả kinh doanh.

Nhóm PV