Để kinh tế tư nhân đột phá

00:00 12/10/2020

Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) thu hút khoảng gần 85% lực lượng lao động cả nước, hàng năm và tạo ra khoảng trên 1 triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là tạo việc làm mới cho những đối tượng bị giảm biên chế hoặc mất việc làm do quá trình tinh giản bộ máy hành chính, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hay dịch chuyển lao động từ khu vực nông thôn. Mặc dù có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại tác động không tốt đến phát triển KTTN, rất cần có các giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ...

Góp phần quan trọng trong nền kinh tế

Ở nước ta, khu vực KTTN có tốc độ phát triển nhanh hơn các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng cao trong GDP cả nước, năm 2002 chiếm 27%, năm 2010 chiếm 42.96%, năm 2015 chiếm 43.22%. 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển. Đặc biệt khu vực KTTN thu hút khoảng gần 85% lực lượng lao động cả nước, tạo ra khoảng trên 1 triệu việc làm cho kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, nhất là tạo việc làm mới cho những đối tượng bị giảm biên chế hoặc mất việc làm do quá trình tinh giản bộ máy hành chính, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hay dịch chuyển lao động từ khu vực nông thôn.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách xây dựng khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi hơn, bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Luật Doanh nghiệp đã được sửa đổi bổ sung liên tục trong 6 năm, Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/ QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020. Nghị quyết 19-NQ/CP về cải thiện môi trường môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng liên tục được bổ sung trong ba năm 2014- 2015. Luật Thuế giá trị gia tăng 2013 (hỗ trợ DNNVV về thuế GTGT), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2013 (giảm thuế thu nhập doanh nghiệp), sửa đổi Luật Phá sản, Luật Hải quan và ban hành, sửa đổi nhiều văn bản pháp quy khác theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016- 2018, chính sách phát triển KTTN tiếp tục được hoàn thiện, thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh bất hợp lý gây cản trở được rà soát, cắt bỏ. Chính sách tín dụng đang dần xoá bỏ tình trạng phân biệt đối xử với KTTN trong tiếp cận các nguồn vốn. Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV (Luật số 04/2017/QH14) cùng nhiều văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, đảm bảo sự đồng bộ trong triển khai thực hiện Luật 

Với kỳ vọng là khu vực năng động, có khả năng bứt phá mạnh nhất, nhanh nhất và là động lực chính của tăng trưởng các doanh nghiệp, cơ sở KTTN đã dễ dàng hơn nhiều trong việc đăng ký kinh doanh, nhờ đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ, áp dụng đăng ký kinh doanh trực tuyến và đưa ra các quy định về quản trị doanh nghiệp gần hơn với thông lệ quốc tế, sự đối xử khác biệt về mặt pháp lý đối với DNNN, doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã cơ bản dỡ bỏ. Vai trò của khu vực tư nhân gia tăng, thể hiện qua tỷ trọng của khu vực này trong GDP cũng như đầu tư phát triển toàn xã hội. Tỷ trọng của khu vực tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 12,1% bình quân giai đoạn 2011- 2015 lên 12,5% năm 2016, 13,5% năm 2017 và 13,6% trong 6 tháng năm 2018. Nhận thức về vai trò của KTTN đã có sự chuyển biến, ngày càng được coi trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Một số tác động không tốt đến phát triển KTTN

Thực tế KTTN/DNNVV có xuất phát điểm chậm hơn so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước trong khu vực, phần lớn còn “non yếu” trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành thì các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy cho hệ thông liên kết kinh doanh, và hệ thống sinh thái khởi nghiệp chậm được hình thành là nhân tố cản trở khu vực KTTN phát triển. Thể chế liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tập trung, tích tụ đất đai về cơ bản vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa thực sự thúc đẩy tập trung, tích tụ ruộng đất để cơ cấu lại cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hiện đại và công nghệ cao. Mặc dù đã có một số mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, theo quy trình tiêu chuẩn, tuy nhiện đại bộ phận vẫn là quy mô nhỏ, không đáng kể.

Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nhưng sự kiểm soát thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, các yếu tố làm thị trường bị thao túng luôn thường trực, thị trường luôn nóng một cách thái quá. Với “ma lực” về thu nhập lớn hơn nhiều so với các ngành nghề khác trong xã hội, đã luôn hút những khoản đầu tư rất lớn từ xã hội tạo nên sự mất cân đối về tổng thể và với các ngành khác đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế và xã hội. Cơ sở hạ tầng kém, thiếu kết nối, vận tải đa phương thức chưa phát triển (đường sắt, đường sông, đường thủy nội địa chưa được khai thác đúng với tiềm năng) dẫn đến chi phí logistics của Việt Nam còn rất cao, chiếm tới 18% tỷ trọng GDP, cao gấp hai lần các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân của thế giới( (BQ thế giới 14% GDP). Điều đó làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Chúng ta muốn phát triển bền vững nhưng lại chưa thực thi nghiêm túc Luật Quy hoạch để quy hoạch tổng thể tích hợp nhiều ngành nhiều lĩnh vực thì không thể tăng trưởng bền vững được.

Luật hỗ trợ DNNVV đã được thiết kế nhiều công cụ hỗ trợ DNNVV/KTTN rất mạnh mẽ và được kỳ vọng sẽ làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của các DNNVV/KTTN theo hướng tích cực. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực thi, chúng ta chủ yếu vẫn mới thực hiện được phần thể chế Luật bằng các nghị định, nghị quyết, thông tư, quyết định và tập huấn, tuyên truyền, xây dựng các đề án triển khai chương trình hỗ trợ. Các hoạt động hỗ trợ trực tiếp thì quá hiếm hoi, quy mô nhỏ, tản mát nên tác động đến DNNVV/KTTN không đáng kể. DNNVV/KTTN vẫn yếu thế trong cạnh tranh, trong tiếp cận nguồn lực vật chất so với DNNN và DN FDI. Mặc dù Luật không thể phát huy tác dụng trong một sớm, một chiều nhưng sự chậm trễ này đang là những trở ngại lớn kìm chế lực lượng sản xuất phát triển và đang làm nản lòng DNNVV/KTTN.

Ở một số lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp nào quan hệ tốt với chính quyền theo nghĩa “thương mại hóa quan hệ” dễ dàng tiếp cận đất, khoáng sản, dự án, các gói thầu công, thuế...và tăng trưởng rất nhanh, lấn lướt các DNNVV/KTTN kinh doanh chân chính. Điều đó đã làm một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, doanh nhân có tâm lý “nản chí” hoặc phải chạy theo xu thế “kinh doanh quyền lực”, rất đáng lo ngại. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong giải quyết công việc đã giảm do những quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tuy nhiên, trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều cấp, tình trạng cán bộ công chức lợi dụng các kẽ hở của chính sách pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà kéo dài thời gian giải quyết công việc để vụ lợi, về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp. Đây là rào cản rất lớn với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Công tác cải cách thủ tục hành chính tuy đã có những tiến bộ rất đáng ghi nhận, những quy định, thủ tục không cần thiết đã giảm đáng kể nhưng vẫn chưa đồng đều ở các Bộ, ngành và địa phương. Thủ tục hành chỉnh vẫn còn nhiều trùng lắp, nhất là phân cấp giữa quản lý nhà nước ở Bộ, ngành và ở địa phương; việc áp dụng công nghệ thông tin trong uqanr lý còn hạn chế. Doanh nghiệp vẫn phàn nàn về tình trạng thiếu thông tin, nhất là các chính sách mới, quy hoạch. Tình trạng "một cửa" nhưng "nhiều khoá" vẫn đang làm khó cho khu vực KTTN.

Phong trào đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên hiện nay chúng ta vẫn chưa có một đề án, hay kế hoạch về đổi mới sáng tạo tầm quốc gia có nét sáng tạo kiểu “mô hình Việt Nam” với mục tiêu tổng thể dài hạn, ngắn hạn, lộ trình và giải pháp để đạt được những mục tiêu đó kèm với những thước đo để đánh giá mức độ đạt được các mục tiêu ở mỗi giai đoạn, thời kỳ để phong trào này được phát triển liên tục và bền vững.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nhưng đại bộ phận DNNVV/DNTN chưa sẵn sàng với công nghệ 4.0, chưa chuẩn bị gì để nhập cuộc. Những khái niệm về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano… còn rất xa lạ đối với họ.

Giải pháp tháo gỡ

Trước hết, cần tổng kết đánh giá lại toàn diện kết quả, hạn chế của việc thực thi Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020; Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013- 2020. Xác định việc tổng kết đánh giá nêu trên là cơ sở quan trọng, điều kiện tiên quyết để xây dựng, hoạch định các kế hoạch cho những năm tiếp theo.

Tập trung, ưu tiên tháo gỡ giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế tác động không tốt đến phát triển KTTN (như đã nêu trên) theo hướng định lượng những mục tiêu, tiêu chí cụ thể phải đạt được cho từng lĩnh vực tiến trình cho giai đoạn, mỗi giai đoạn là 2 năm. Phân quyền, giao quyền quyết và tăng cường tránh nhiệm cho người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực đó.

Đối với hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, chắc chắn Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn thách thức nếu đặt nó trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và một số vấn đề bất ổn trong quan hệ thương mại EU-Trung Quốc. Chúng ta có lợi thế về mặt xuất khẩu và thu hút vốn FDI, cần phải khai thác triệt để bằng việc thông qua sự tập trung nguồn lực (dồn lực) để thúc đẩy nhanh và mạnh năng lực SXKD của các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu hàng hóa, đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 25% các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp.Tạo cơ chế thông thoáng mọi mặt để hút dòng vốn FDI vào Việt Nam, để khu vực này tiếp tục góp phần vào xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế (chủ động chọn nhà đầu tư theo ngành, theo lợi thế cạnh tranh lâu dài của Việt Nam); tạo ra nhiều việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi chất lượng lao động; nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế; Điều 32, Hiến pháp năm 2013 quyền sở hữu tài sản đã được ghi rõ ràng nhưng trên khía cạnh thực thi, khả năng bảo hộ quyền tài sản, đặc biệt là tài sản doanh nghiệp còn nhiều yếu kém. Vì vậy, pháp luật cần phải điều chỉnh bổ sung theo hướng nâng quyền sở hữu, nắm giữ, sử dụng và định đoạt tài sản của cá nhân, doanh nghiệp cao hơn. Bởi lẽ, nếu quyền tài sản của cá nhân, doanh nghiệp được bảo hộ tốt, doanh nghiệp, cá nhân có niềm tin vào Nhà nước mạnh mẽ hơn, họ sẽ yên tâm tập trung cho kinh doanh, tích lũy nguồn vốn và tài sản, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế nói chung.

Hiện nay, về cơ bản các bộ, ngành thuộc Chính phủ, là cơ quan chủ trì soạn thảo pháp luật. Sau đó cũng chính cơ quan này lại chủ trì thực thi pháp luậ tThực tế cho thấy, việc tham gia của các cơ quan này là rất quan trọng và đã có nhiều tác động tích cực đến việc xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, làm chính sách như vậy cũng khó tránh khỏi vấn đề lợi ích ngành “nặng nề chi phối”. Vì thế, cần phải xem lại quyền, trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị định theo hướng nâng cao vai trò của các Ủy ban của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật. 

Cần sớm ban hành Luật về Hội nhằm thúc đẩy và phát triển các Hội ngành nghề với sự tham gia sâu rộng của DNTN/DNNVV tập hợp lại với tạo để tạo thành sức mạnh, cùng Nhà nước thực hiện những mục tiêu của hệ thống chính trị, chống lại những tiêu cực trong xã hội như sách nhiễu, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền... góp phần vào sự nghiệp pháp triển kinh tế xã hội của đất nước.

TS. Tô Hoài Nam (Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam)