Để giao kết hợp đồng với doanh nghiệp Đài Loan đạt hiệu quả

00:00 12/10/2020

Vùng lãnh thổ Đài Loan với diện tích 36.000 ki lô mét vuông, dân số 23,5 triệu người, nhưng có tổng sản phẩm quốc nội GDP rất cao, hiện nay GDP tính theo sức mua thực tế khoảng 1.117 tỷ USD, bình quân 49.000 USD một người, GDP trên danh nghĩa 566.757 tỷ USD, bình quân 24.000 USD một người.

Về thống kê thương mại, năm 2016 Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 18 thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 511 tỷ USD. Đài Loan vào nước ta đầu tư nhiều năm trước khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế với Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 11/2017, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam còn 2.531 dự án, tổng vốn đầu tư 30,7 tỷ USD. Mặc dù không có con số thống kê chính thức nhưng ước tính hiện nay có khoảng 30.000 người Đài Loan đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đài Loan là thành viên tổ chức thương mại thế giới từ năm 2002, là thành viên của APEC từ năm 1991. Việt Nam được coi là quốc gia trọng điểm trong chính sách hướng Nam mới của chính phủ Đài Loan với mục tiêu chủ yếu là thúc đẩy tăng cường hợp tác kinh tế. Những thông tin trên cho thấy, quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại giữa Đài Loan với Việt Nam sẽ ngày càng phát triển cả về diện và về thực chất.

Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới với kinh nghiệm trên 10 năm “chuyên nghiệp, chuyên sâu, chuyên tâm” cung cấp dịch vụ luật sư và hỗ trợ các giao kết kinh tế giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Đài Loan, xin được chia sẻ một số lưu ý khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp Đài Loan như sau:

Tìm hiểu nắm rõ quy định pháp luật Đài Loan nhằm nhận diện được những rủi ro có thể xảy ra liên quan đến hợp đồng sẽ giao kết

Về hợp đồng xuất khẩu sang Đài Loan, do sớm tích cực hội nhập kinh tế thương mại thế giới, nói chung quy định về quản lý và thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Đài Loan tương đối mở, áp dụng chung cho tất cả các nước, trừ một số quy định riêng áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đối với thị trường Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng tìm hiểu các quy định này được cập nhật liên tục trên các trang web của Cục Thương mại quốc tế - Bộ Kinh tế Đài Loan (https://www.trade.gov.tw), Hải quan Đài Loan (http://eweb.customs.gov.tw), website của các Hiệp hội ngành nghề của doanh nghiệp Đài Loan tại vùng lãnh thổ này và ở nước ngoài. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý tìm hiểu quy định về hàng hóa cấm nhập khẩu, về quản lý sản phẩm công nghệ cao chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu, về hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, quy định quản lý đối với động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, về kiểm dịch động thực vật, về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, quy định về hun trùng đối với bao bì gỗ hàng xuất khẩu, về xuất xứ hàng hóa. Đã từng xảy ra việc nhiều lô hàng sản phẩm chè Việt Nam bị Đài Loan từ chối nhập khẩu do chứa dư lượng thuốc bảo vệ vượt ngưỡng cho phép, điển hình năm 2014, 22 lô hàng chè có xuất xử từ tỉnh Lâm Đồng bị buộc tái xuất, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu bị thiệt hại, mà tại thời điểm sau khi xảy ra vụ việc người dân trồng chè ở Lâm Đồng cũng bị thiệt hại do giá bán chè giảm sâu. Mặc dù là vùng lãnh thổ, nhưng Đài Loan lại có quy định riêng về quản lý hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục, trong đó có quy định danh mục hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục phải xin giấy phép nhập khẩu do Cục Thương mại quốc tế - Bộ Kinh tế Đài Loan cấp, hàng hóa nhập khẩu được làm thủ tục thông quan trực tiếp với hải quan không phải xin giấy phép nhập khẩu…Lưu ý thảo luận kỹ với doanh nghiệp Đài Loan nhằm làm rõ những rủi ro về quy định pháp luật Đài Loan khi giao kết hợp đồng xuất khẩu hàng Việt Nam nhập khẩu Đài Loan, nghĩa vụ và trách nhiệm giải quyết khi phát sinh những rủi ro này trong quá trình thực hiện hợp đồng. Không giao kết hợp đồng đối với những hàng hóa xuất xứ Trung Quốc nhưng nhập khẩu Đài Loan bằng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Việt Nam giả mạo, nếu không thiệt hại là không tránh khỏi.

Tìm hiểu làm rõ mong muốn và bản chất giao dịch của doanh nghiệp Đài Loan

Do giá thành sản xuất kinh doanh, như chi phí nhân công, chi phí mặt bằng… tại Đài Loan lên cao, vì vậy để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp Đài Loan buộc phải vươn ra đầu tư kinh doanh tại thị trường nước ngoài, trong đó Việt Nam là thị trường đầu tư kinh doanh được doanh nghiệp Đài Loan rất quan tâm. Từ khi có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam luôn nằm trong Top 4, nhiều năm giữ vị trí số 1. Chuyển dịch đầu tư của Đài Loan tại Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư cũng nằm trong xu thế này. Tuy nhiên, do khác biệt trong quan niệm về giá trị đầu tư, ngoài những dự án đầu tư của Đài Loan trong mấy năm cuối những năm 80 có liên doanh với doanh Việt Nam hoặc pháp luật Việt Nam buộc phải áp dụng hình thức đầu tư liên doanh, còn hầu hết dự án đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam sau này là 100% vốn của họ. Doanh nghiệp Việt Nam khó có thể có được giao kết hợp đồng về hợp tác đầu tư trực tiếp với doanh nghiệp Đài Loan do họ “cảnh giác” về sự khác biệt trong việc đánh giá, nhìn nhận và phương án giải quyết các vấn đề trong hợp đồng hợp tác đầu tư. Vì vậy, nắm được bản chất giao dịch họ muốn là rất quan trọng. Sẽ lạc lõng và không được doanh nghiệp Đài Loan chấp nhận khi họ tìm thuê nhà xưởng thực hiện dự án đầu tư nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại muốn dùng nhà xưởng của mình để hợp tác với họ là một ví dụ.

Nên thiết lập được quan hệ bạn hàng truyền thống, hoặc đối tác chiến lược với doanh nghiệp Đài Loan

 Cộng đồng doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam thường liên kết với nhau qua Tổng hội thương gia Đài Loan và các phân hội tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Lâm Đồng….qua đó giao lưu trao đổi với nhau về những vấn đề và kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam về pháp luật, thị trường và đối tác đầu tư, kinh doanh. Sức nặng từ đánh giá của các thành viên trong hiệp hội về uy tín doanh nghiệp Việt Nam, về lựa chọn nhà thầu là đáng kể. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên thiết lập được quan hệ bạn hàng truyền thống, hoặc đối tác chiến lược với doanh nghiệp Đài Loan, duy trì quan hệ tốt với hiệp hội thương gia Đài Loan thì sẽ có nhiều cơ hội trong việc hợp tác mở ra thị trường các nước khác trong đó có các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp Đài Loan đã gặp phải vấn đề pháp lý do nhận được những ý kiến “tư vấn” không chuyên nghiệp từ các nhà đầu tư Đài Loan đến trước, hoặc “ý kiến tư vấn pháp luật” từ các công ty dịch vụ vấn do người Đài Loan thành lập tương đối nhiều ở Việt Nam hiện nay.

Việc bảo đảm thời gian tiến độ hợp đồng

Khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, ngoài việc tìm hiểu về môi trường đầu tư Việt Nam, doanh nghiệp Đài Loan đã có sẵn vốn đầu tư, công nghệ, thị trường, đơn hàng, do đó loại trừ thời gian giải quyết những khó khăn và vấn đề trong thủ tục đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy ra, họ triển khai thực hiện dự án đầu tư rất nhanh, yêu cầu nghiêm ngặt trong thực hiện tiến độ hợp đồng. Đừng đơn giản nghĩ có được hợp đồng với doanh nghiệp Đài Loan rồi mới giải quyết dần các vấn đề phát sinh, nếu không doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu rủi ro cao do bị hủy hợp đồng, bị phạt, bị yêu cầu bồi thường, tiếp đó là mất đi cơ hội kinh doanh với các doanh nghiệp khác trong cộng đồng doanh nghiệp Đài Loan ở Việt Nam. Giá trong hợp đồng thầu xây dựng giao kết với doanh nghiệp Đài Loan thường là giá trọn gói, bao gồm giá cung ứng nguyên vật liệu, chi phí nhân công thiết bị thi công, an toàn vệ sinh lao động, thuế…Doanh nghiệp Việt Nam sẽ không được chấp thuận điều chỉnh giá do thị trường biến động, trừ phát sinh tăng giảm phát sinh từ doanh nghiệp Đài Loan.

Thiết nghĩ, những chia sẻ trên đây sẽ góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được nhiều hơn nữa cơ hội kinh doanh, giao kết và thực hiện hợp đồng thuận lợi, hiệu quả với với doanh nghiệp Đài Loan.

Luật sư Bùi Văn Thành

Hội đồng Khoa học Pháp lí, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam