Logictics và nguồn nhân lực chất lượng cao là 2 "điểm nghẽn" mấu chốt cho sự phát triển của doanh nghiệp

09:10 01/10/2022

Cơ sở hạ tầng (Logictics) và Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là 2 yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển không chỉ của một doanh nghiệp mà còn cho một địa phương và rộng hơn là cho một Quốc gia.

Theo thống kê, đến nay Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 người. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu của thị trường. Có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Ngày 30/9/2022, Sở Công Thương TP.HCM phối hợp cùng Hiệp Hội Logistics TP.HCM và trường Đại Học Hoa Sen đã tổ chức Diễn đàn Logistics Thành phố Hồ Chí Minh lần 1 năm 2022 với chủ đề "Vị thế Logistics của TPHCM từ góc nhìn cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực".

Mục đích của diễn đàn là lắng nghe những chia sẻ, ý kiến đóng góp chuyên môn quý giá của các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics; kết nối cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, nhằm củng cố và tăng cường kết nối TPHCM với các tỉnh thành trong nước và quốc tế, thu hút sự quan tâm và tham dự của các tổ chức quốc tế cùng các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng phát biểu tại diễn đàn (ảnh: Đan Như)
Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng phát biểu tại diễn đàn (ảnh: Đan Như).

Phát biểu tại diễn đàn, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai, Thành phố cũng nhìn nhận có 2 điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển logistics Thành phố. Đó là vấn đề về hạ tầng logistics và phát triển nguồn nhân lực. Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đặt mục tiêu phải phát triển Logistics trở thành 1 ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Theo ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn: Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển không chỉ của một doanh nghiệp mà còn cho một địa phương và rộng hơn là cho một Quốc gia

Với hoạt động khai thác cảng biển và dịch vụ Logictics của mình thì hàng năm Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng có nhu cầu tuyển dụng nhân sự để bổ sung cho đội ngủ làm việc tại cảng, kho, lực lượng làm việc tại các tàu, thuyền, sà lang, xe vận tải, … Nhu cầu tuyển dụng hàng năm trung bình là hơn 100 nhân sự, lĩnh vực làm việc đa đạng phù hợp với dịch vụ đa lĩnh vực của Tân Cảng Sài Gòn.

Theo ông Lộc, Tân Cảng Sài Gòn xác định vai trò của mình, không chỉ là hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn là một doanh nghiệp với vai trò dẫn dắt thị trường như đóng góp cho cộng đồng Logictics, cộng đồng các trường đại học thông qua các hoạt động như: Tân Cảng Sài Gòn là thành viên tiêu biểu của Hiệp hội Logictics TP.HCM, thành viên của Hiệp hội Logictics Việt Nam, thành viên của Hiệp hội phát triển nhân lực Việt Nam, và Tân Cảng Sài Gòn cũng đã có những hợp tác, ký kết với các doanh nghiệp, các Tập đoàn toàn cầu và kể cả với các Hiệp hội doanh nghiệp, các Hiệp hội lãnh thổ. Việc gắn kết với các Hiệp hội, với các nhà trường như vậy thì Tân Cảng Sài Gòn đã xác định mục tiêu đóng góp với cộng đồng là đóng góp cho sự phát triển chung của nghành Logictics, khi ngành Logictics phát triển thì các doanh nghiệp liên quan sẽ cùng hưởng lợi. 

Ảnh minh họa
Ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực dưới góc nhìn của Doanh nghiệp (Ảnh: PL).

Ông Lộc cho biết thêm, Tân Cảng Sài Gòn đã thành lập Trung tâm đào tạo mà ở đó ngoài việc tự đào tạo cho doanh nghiệp thì Tân Cảng Sài Gòn cũng phối hợp, hợp tác với các Nhà trường để cùng đào tạo và huấn luyện cho sinh viên là lực lượng lao động trong tương lai của Việt Nam.

Để giữ chân người lao động, Tân Cảng Sài Gòn dành nhiều chế độ đãi ngộ tốt cho cán bộ CNV như: quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần của người lao động, thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện kịp thời những nhân sự chất lượng cao, có tiềm năng để định hướng phát triển lộ trình của họ mà ở Tân Cảng Sài Gòn gọi là “Lộ trình công danh” để giúp từng người trong đơn vị của mình định hướng được Lộ trình phát triển của mình trong 1 năm, 3 năm hoặc nhiều hơn …

Đại diện Tân Cảng Sài Gòn cũng đưa ra kiến nghị với các Cơ quan quản lý Nhà nước, cần hỗ trợ về cơ chế để làm sao các nhà trường cũng doanh nghiệp sẽ có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn. “Khi lĩnh vực Logictics phát triển thì từng doanh nghiệp được cấu thành trong lĩnh vực đó sẽ phát triển theo”, mô hình “Nhà trường - Doanh nghiệp” đã được Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn triển khai mạnh mẽ trong thời gian vừa qua kể cả tiếp nhận sinh viên thực tập và kiến tập. 

PGS.TS. Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, chia sẻ: Là một đơn vị tiên phong trong giáo dục đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực Logistics cho xã hội, trường Đại học Hoa Sen không ngừng đổi mới chương trình đào tạo Kinh doanh quốc tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng tiệm cận với những thay đổi của ngành. Trường luôn bổ sung các học phần đào tạo phù hợp với thực tiễn của nhà tuyển dụng, mang tính “thực chiến”; việc giảng dạy lý thuyết luôn gắn kết với trải nghiệm thực tế. 

Ảnh minh họa
PGS.TS. Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, chia sẻ tại diễn đàn (Ảnh: PL). 

Nhiều ý kiến của các chuyên gia tại diễn đàn nhấn mạnh, để khơi thông nguồn lực logistics, cần đẩy mạnh liên kết vùng giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố lân cận trong vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch các trung tâm logistic cũng như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, làm sao cho phát huy được hài hòa lợi ích. 

Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực về chất và lượng theo định hướng quốc tế để ứng dụng thành tựu khoa học-kỹ thuật (trí tuệ nhân tạo, di động, người máy và máy bay không người lái, blockchain, thực tế ảo tăng cường) là yếu tố cốt lõi trong việc thúc đẩy các chiến lược phát triển ngành. Đồng thời, liên kết vùng thúc đẩy phân bổ và dịch chuyển nguồn lao động logistics giữa các địa phương góp phần giảm chi phí cạnh tranh, giảm áp lực đào tạo và cơ hội việc làm.

Các đại biểu chủ trì buổi thảo luậnCác Diễn giả thảo luận cùng doanh nghiệp tại Diễn đàn. 

Theo các chuyên gia, TPHCM có thế mạnh về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho khu vực các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thành phố, đặc biệt là các tuyến đường vành đai kết nối Thành phố với các tỉnh Đông - Tây Nam Bộ triển khai còn chậm. Do đó, giao thương hàng hóa 2 chiều giữa Thành phố với các tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo đề án phát triển Logistics TPHCM đến 2025 và tầm nhìn 2030 của Sở Công Thương TPHCM, căn cứ vào nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất nhập khẩu, đồng thời trên cơ sở rà soát nguồn quỹ đất hiện có của TPHCM, Thành phố cần có 7 trung tâm Logistics đạt chuẩn với năng lực thông qua hàng hoá (TEU) của các trung tâm logistics (TTLog).

Ảnh minh họa
Đại biểu tham dự tại Diễn đàn. (Ảnh: Nguoiduatin.vn ).

Để giải quyết vấn đề hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho các hoạt động logistics, thời gian gần đây, nhiều tuyến đường huyết mạch đang được TPHCM đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là tuyến đường vành đai 3 được kỳ vọng lớn, tạo thuận lợi cho các hoạt động logistics giữa TPHCM và các tỉnh, thành lân cận, góp phần giải tỏa được áp lực giao thông hiện nay vốn đang quá tải, gây nhiều ách tắc trong các hoạt động vận chuyển.

TPHCM đặt mục tiêu phải phát triển Logistics trở thành 1 ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TPHCM đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; tỉ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TPHCM đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.

Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, Thành phố đã định hình được hướng đi và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong chuỗi kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung hình thành các trung tâm logistics, phát triển nguồn nhân lực là các nhiệm vụ then chốt trong 3 trụ cột chính phát triển ngành logistics Thành phố./.

Phước Lập