Đầu mối đường sắt phía Nam lớn nhất sẽ là TP.HCM

07:21 02/11/2021

Ngày 1-11, Bộ GTVT đã công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành và các địa phương liên quan.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030, ngành đường sắt sẽ có 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362km. Trong đó, bên cạnh tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm có tổng chiều dài 1.545km, khu vực phía Nam sẽ có 3 tuyến đường sắt mới khổ 1.435mm là: tuyến TPHCM - Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cái Răng, chiều dài khoảng 174km; tuyến TPHCM - Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến điểm nối ray biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư) có chiều dài 128km; tuyến Thủ Thiêm - Long Thành từ ga Thủ Thiêm đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chiều dài khoảng 38km.

Đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354km. Giai đoạn này, ngành đường sắt sẽ xây dựng các tuyến đường sắt kết nối vùng, liên vùng, trong đó, khu vực phía Nam sẽ có thêm các tuyến TPHCM - Tây Ninh, đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước (Chơn Thành); khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo nhu cầu phục vụ du lịch; hoàn thành các tuyến đường sắt tại các khu đầu mối.

TPHCM sẽ là đầu mối lớn đường sắt phía Nam
TPHCM sẽ là đầu mối lớn đường sắt phía Nam. (Ảnh: PV)

Theo ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, với quy hoạch vừa được công bố, TPHCM sẽ là đầu mối lớn cho đường sắt khu vực phía Nam. Cụ thể, ga Sài Gòn sẽ là điểm cuối tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, ga Thủ Thiêm sẽ là điểm cuối tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; ga Trảng Bom sẽ là điểm cuối tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Các tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ, TPHCM - Tây Ninh sẽ được kết nối với đường sắt Hà Nội - TPHCM thông qua đoạn tuyến An Bình - Tân Kiên.

Sau khi hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đoạn đường sắt Bình Triệu - Sài Gòn (Hòa Hưng) sẽ được chuyển thành đường sắt đô thị nối ga Thủ Thiêm với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Bộ GTVT cũng cho biết, các ga Trảng Bom, An Bình, Tân Kiên sẽ là đầu mối hàng hóa, các ga Thủ Thiêm, Bình Triệu, Tân Kiên sẽ là ga đầu mối hành khách.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, vấn đề quan trọng của quy hoạch lần này là đã xác định đường sắt có vai trò quan trọng đặc biệt trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch cũng xác định, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt cần có trọng tâm, trọng điểm trên các hành lang vận tải chính có nhu cầu vận tải lớn, phát huy thế mạnh vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, cự ly từ trung bình đến dài.

Theo quy hoạch được phê duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho đường sắt đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, trong giai đoạn 2021-2030, ngành đường sắt sẽ chỉ tập trung vốn ngân sách để cải tạo, nâng cấp 7 tuyến đường sắt hiện có.

Các dự án đường sắt mới được ưu tiên đầu tư ngay trong giai đoạn này sẽ chỉ có 2 đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TPHCM thuộc tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ cố gắng trong nhiệm kỳ này sẽ báo cáo Bộ Chính trị và báo cáo Quốc hội để thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, để nhiệm kỳ tới tập trung làm một số đoạn tuyến, phấn đấu đến 2028 sẽ khởi công một số gói thầu. Một số đoạn tuyến tăng cường kết nối cảng biển khu vực Hải Phòng, Cái Mép - Thị Vải, đường sắt đầu mối Hà Nội cũng sẽ được ưu tiên đầu tư trước năm 2030.

Với các dự án đường sắt mới ở phía Nam, đặc biệt là tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ..., Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, đây là dự án rất quan trọng, được người dân phía Nam, nhất là hơn 20 triệu người dân khu vực miền Tây Nam bộ mong chờ. Hiện dự án này chưa thu xếp được nguồn vốn đầu tư, tuy nhiên, dự án sẽ được nghiên cứu khả thi để khi có nguồn vốn sẽ khởi công ngay.

Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, nếu các địa phương hoặc nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để triển khai sớm hơn.

ĐT