Đảo ngọc Phú Quốc ngày khoác áo mới

11:17 07/01/2021

Là thành phố biển đảo đầu tiên được thành lập trong số 12 huyện đảo trên cả nước, Phú Quốc đã có bước chuyển mình rõ rệt trong quá trình xây dựng trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ thế giới

"Đảo ngọc" từ lâu đã là danh từ mà nhiều người dùng khi muốn đề cập đến Phú Quốc. Trên đảo xưa nay nổi tiếng với loại sò điệp cho ra những viên ngọc trai tuyệt hảo. Các thợ lặn và những người buôn ngọc trai thường hay nói rằng người ta gọi Phú Quốc là đảo ngọc vì nơi đây sản sinh ra những viên ngọc trai đẹp nổi tiếng. Tuy nhiên, không chỉ ngọc trai, hòn đảo này còn nổi tiếng với khí hậu tuyệt vời, nước biển xanh ngọc bích bên cạnh bãi cát trắng đẹp hay là những sản vật đặc sắc khác như hồ tiêu, nước mắm,...

Nước mắm truyền thống Phú Quốc
Nước mắm truyền thống Phú Quốc. 
Hồ tiêu-đặc sản đảo ngọc (Ảnh: Thanh Cần)
Hồ tiêu-đặc sản đảo ngọc (Ảnh: Thanh Cần).

Phú Quốc có vị trí địa lý khá đặc biệt, tại vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc, trung tâm của Đông Nam Á, tiếp giáp với Campuchia, Thái Lan.  Diện tích của đảo là gần 600 km2 với 150 km đường bờ biển. Trong vùng biển Phú Quốc còn có quần thể 28 đảo lớn nhỏ, sở hữu nhiều bãi tắm đẹp như Bãi Trường, Bãi Khem, Gành Dầu, Bãi Sao, Cửa Cạn, Hàm Ninh... Trong một bài viết về các bãi biển đẹp của Việt Nam, chuyên trang du lịch của tờ La Repubblica-nhật báo hàng đầu của Ý đã mô tả Phú Quốc là một “thiên đường thu nhỏ” với những bãi cát dài và đẹp, biển cả trong lành. Tờ báo đưa ra lời khuyên khách du lịch Ý cần đến Phú Quốc trong mùa đông, thay vì cứ đến những bãi biển ở Thái Lan và Indonesia, tuy quen thuộc nhưng không hấp dẫn bằng Phú Quốc. Trang du lịch Fordors thì mô tả Phú Quốc là hòn đảo đẹp còn khá nguyên sơ, ngày càng nhiều du khách tìm đến Phú Quốc để thư giãn trên những bãi biển cát trắng mịn… Theo góc nhìn của Fordors thì Phú Quốc có lợi thế với biển đẹp và yên bình, hải sản tươi ngon, nước mắm nguyên chất tuyệt hảo, giá cả hợp lý, là nơi lý tưởng để các gia đình đến du lịch nghỉ dưỡng…Tờ CNN trong năm 2019 từng bình chọn Phú Quốc là 1 trong 19 điểm đến tốt nhất châu Á. Bên cạnh Fukuoka (Nhật Bản), đảo Jeju (Hàn Quốc), Thành Đô (Trung Quốc) và Perth (Australia), trang này cũng bình chọn Phú Quốc là 1 trong 5 địa điểm du lịch đáng đến một lần trong đời ở châu Á Thái Bình Dương trong mùa thu. 

Bãi biển đẹp và nắng ấm là điều thu hút du khách
Bãi biển đẹp và nắng ấm là điều thu hút du khách. 
Khung cảnh yên bình làm dịu mọi tâm hồn
Khung cảnh yên bình làm dịu mọi tâm hồn. 
Phú Quốc có những rặng san hô đẹp
Phú Quốc có những rặng san hô đẹp.

Vùng biển Phú Quốc nằm ở một trong những ngư trường lớn nhất Việt Nam là vịnh Thái Lan và vùng nước biển sâu tạo điều kiện phát triển ngành đánh bắt hải sản và phát triển hệ thống cảng biển. Trên đảo còn có 7.000 ha rừng, trong đó phần lớn là rừng nguyên sinh. Nơi đây cũng là đảo duy nhất ở Việt Nam có đến 4 con sông lớn chảy suốt. Dưới những tán rừng, những dãy núi, đầu nguồn các con sông ở Phú Quốc là những con suối đẹp đến hút hồn. 

Phú Quốc là ngư trường đầy tiềm năng
Phú Quốc là ngư trường đầy tiềm năng (Ảnh: Đình Ngọc). 
Nước biển trong xanh thu hút ánh nhìn của mọi du khách
Nước biển trong xanh thu hút ánh nhìn của mọi du khách.

15 năm sau Quyết định số 1197/QĐ-TTg ngày 9/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2020, kinh tế của huyện Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định. Năm 2014, huyện Phú Quốc được công nhận là đô thị loại II. Năm 2019, Phú Quốc đón gần 6 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Trong năm 2020, dưới ảnh hưởng từ dịch Covid 19, các chuyến bay quốc tế đóng cửa và du lịch nội địa cũng ảm đạm nhưng đảo ngọc vẫn đón nhận 5,2 triệu lượt khách đem lại doanh thu trên 8.000 tỉ. 

Phú Quốc phát triển khá toàn diện, trong đó nổi bật là trên lĩnh vực kinh tế. Tổng vốn đầu tư trên toàn xã hội đạt 141.652 tỉ đồng, vượt 57,39% so với Nghị quyết. Thu ngân sách giai đoạn 2015-2020 được 20.639 tỉ đồng, tăng gấp 2,22 lần so với đầu nhiệm kỳ. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tốt hơn, thu hút tổng vốn đăng kí đầu tư gần 400.000 tỉ đồng với 321 dự án, nhất là thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Sun Group, BIM Group, CEO Group, MIK... 

Cáp treo vượt biển dài nhất thế giới tại Nam Phú Quốc
Cáp treo vượt biển dài nhất thế giới tại Nam Phú Quốc. 
Công viên chủ đề
Công viên chủ đề quy mô lớn. 
Đắm mình trong hoàng hôn tuyệt đẹp
Đắm mình trong hoàng hôn tuyệt đẹp (Ảnh: Đức Lộc).

Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, từng bước hình thành không gian đô thị trên địa bàn. Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được khánh thành năm 2012 với tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng đã nâng cao năng lực vận tải hàng không cho đảo ngọc. Giờ đây, mỗi ngày sân bay này có 15-20 chuyến nối Phú Quốc với Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Vinh… và nhiều quốc gia trên thế giới đã dễ dàng đưa du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng quanh năm. Bên cạnh đường hàng không, Phú Quốc cũng có cảng biển với chuỗi hệ thống tàu cao tốc, tàu phà đón khánh từ cả hai bến cảng Rạch Giá và Hà Tiên với tần suất 5 chuyến đi và về/ ngày. Dự án mang tính bước ngoặt tiếp theo đối với hòn đảo chính là dự án cấp điện lưới bằng đường cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc. Đây là công trình cáp điện ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư là 2.300 tỉ, có chiều dài 57 km.

Bước sang năm 2021, Phú Quốc đón nhận tin vui chính thức trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam trong số 12 huyện đảo. Thành phố có gần 200.000 dân với 9 đơn vị hành chính cấp xã, 2 phường Dương Đông, An Thới và 7 xã gồm: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa ương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu. Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, Phú Quốc trở thành thành phố là mong muốn của người dân, chính quyền địa phương bấy lâu nay. Ngoài việc thúc đẩy kinh kế, xã hội, du lịch, dịch vụ, việc Phú Quốc trở thành thành phố còn thể hiện chủ quyền quốc gia về biển đảo, đồng thời còn có sự cạnh tranh về du lịch, dịch vụ ở các nước trong khu vực. Bên cạnh những thuận lợi cũng tồn tại thách thức, đó là vấn đề môi trường, an ninh trật tự, quản lý quy hoạch, đất đai, nhân sự… Trong đó, vấn đề môi trường phải thật sự đảm bảo, đặc biệt là vấn đề xử lý rác thải và nước thải. Quan điểm phát triển Phú Quốc là phải xanh - sạch - đẹp và an toàn, hạn chế thấp nhất bê tông hoá.

Giai đoạn năm 2021-2025, Phú Quốc tập trung xây dựng thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ thế giới, hình thành các trung tâm tài chính, dịch vụ mua sắm quy mô lớn đủ sức cạnh tranh. Điều chỉnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng một cách phù hợp, có phân khúc thị trường hợp lý, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng cao. Đặc biệt có sự cạnh tranh và tạo ra các sản phẩm dịch vụ chất lượng khác biệt riêng có của Phú Quốc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, khuyến khích phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái...Thành phố kiến nghị mở thêm các đường bay nội địa và quốc tế phù hợp, phát triển phương tiện giao thông công cộng nội đảo; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch để thu hút khách du lịch, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch Phú Quốc. Để thực hiện mục tiêu trên, cần sự chung tay, chung lòng của các nhà đầu tư, của người dân, của chính quyền địa phương, không chỉ phát triển mà còn cần phát triển bền vững.

Trần Hà.