Đánh đổi để tạo đột phá trong phát triển du lịch

00:00 12/10/2020

Việc đánh đổi như thế nào để hài hòa giữa phát triển ngành du lịch và bảo vệ môi trường, phát triển bền đang là vấn đề cần lời giải cho bài toán ngành du lịch. Nhà nước cần tạo cơ chế chính sách thoả đáng để tháo gỡ nút thắt thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp không khói.

Chấp nhận đánh đổi để phát triển?

Theo ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, muốn phát triển ngành du lịch là phải chấp nhận sự đánh đổi nhưng đánh đổi bao nhiêu thì hợp lý ở từng giai đoạn cụ thể, đó mới vấn đề đáng quan tâm. Việc phát triển phải hướng đến lợi ích tổng thể, lợi ích mang tính cộng đồng xã hội, chứ không phải là lợi ích cục bộ và ưu tiên cho một nhóm nào đó. Bản thân các doanh nghiệp làm truyền thông cũng phải xem xét kỹ, tiếp cận vấn đề cần đặt trên lợi ích chung, hướng tới cộng đồng, tránh việc cực đoan.

Chấp nhận đánh đổi để tạo sự đột phá phát triển du lịch

Việc đánh đổi như thế nào để hài hòa giữa phát triển ngành du lịch và bảo vệ môi trường, thì các cơ quan nhà nước cần đề ra những tiêu chuẩn luật lệ để đánh giá tác động vào tự nhiên của mỗi dự án du lịch. Song song với đó, các doanh nghiệp, tập đoàn phát triển du lịch cần có chiến lược phát triển phù hợp, phát triển du lịch theo hướng nào?

Ông Thiên cho rằng, mỗi doanh nghiệp, tập đoàn làm du lịch phải tạo ra sự khác biệt, đặc sắc và đẳng cấp để thu hút du khách. Ngay từ đầu phải hướng tới việc cung cấp dịch vụ tốt, để du khách lưu trú lâu…góp phần giúp ngành du lịch vươn lên là ngành mũi nhọn.

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

“Tài nguyên du lịch của Việt Nam chủ yếu là du lịch đẳng cấp cao, vây nên chúng ta phải làm du lịch xứng đáng với tài nguyên đó. Ngành du lịch phải hướng đến việc ứng dụng công nghệ vào quảng bá các sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ tại các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng...”, ông Thiên cho biết thêm.

Ông Nguyễn Huy Thắng, Viện Điều tra Quy hoạch rừng cho biết, bảo tồn và phát triển nhưng phải bền vững có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đòi hỏi người làm du lịch cần có sự vận dụng mềm dẻo, sáng tạo để không làm xáo trộn sự phát triển của tự nhiên. Bởi, nếu chỉ bảo vệ không thì lãng phí nguồn lợi tài nguyên khi người dân khu vực xung quanh đang còn nghèo đói, nhưng làm sao việc bảo tồn và phát triển phải hài hòa với nhau.

Cũng theo ông Thắng, chúng ta phát triển thì không thể tránh khỏi sự đánh đổi nhưng làm sao phải đúng khoa học và có mô hình cụ thể, nhất là các mô hình nhỏ.

Chưa rạch ròi tiêu chí

Hiện nay, việc xác định cũng như các tiêu chí để đánh giá ngành kinh tế mũi nhọn đang tồn tại nhiều rào cản, chưa thật sự rõ ràng, khiến cho các chính sách phát triển của nhà nước chưa thật sự hiệu quả, trong đó có ngành du lịch. Nhiều năm qua Đảng và Nhà nước đã xác định du lịch là ngành công nghiệp không khói, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển. Tuy nhiên, việc xây dựng, định hướng phát triển đang ở lằn ranh giữa phát triển và bảo vệ môi trường tự nhiên khiến cho cơ quan nhà nước đôi lúc còn lúng túng trong việc quản lý tài nguyên và phát triển du lịch.

Bản thân các doanh nghiệp làm du lịch chưa nhận được các chính sách hỗ trợ từ nhà nước và sự đồng thuận chia sẻ từ cộng đồng, nhất là mỗi khi gặp sự cố, dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp gặp khủng hoảng, khó khăn.

Để thúc đẩy phát triển, hướng tới là ngành mũi nhọn, Nhà nước cần xây dựng chiến lược cộng đồng xã hội sẽ làm du lịch nhưng được dẫn dắt bởi những doanh nghiệp tập đoàn lớn. Đồng thời, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn phải thể hiện vai trò dẫn dắt, chủ chốt ở từng địa phương, tạo nên sự liên kết vùng vững chắc, khi gặp sự cố, doanh nghiệp cần có những phản ứng tích cực, chính thức. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ thích hợp, thỏa đáng đối với các tập đoàn, doanh nghiệp làm du lịch. Và cũng cần sự chia sẻ đồng thuận ủng hộ của cả cộng đồng nhất là truyền thông báo chí.

Hội thảo Đột phá kinh tế từ du lịch do báo Thanh Niên tổ chức

Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng, tài nguyên thiên nhiên của nước ta để phát triển du lịch được xếp hạng 35/140 quốc gia, tài nguyên văn hóa lịch sử xếp 29 thế giới. Các công trình khách sạn, resort hiện nay khá hiện đại và độ ngũ quản lý vận hành của chúng ta rất tốt. Vậy không có lí do gì để du lịch không trở thành ngành mũi nhọn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong đó có vấn đề phát triển bền vững. Thực tế chúng ta chưa có sự phân định rạch ròi làm sao để phát triển bền vững. Chúng ta đang thiếu tiêu chí thế nào là kinh tế mũi nhọn nên dẫn đến việc lúng túng trong việc xác định các ngành kinh tế cụ thể, trong đó có ngành du lịch.

Theo ông Nam, Nhà nước cần có bộ tiêu chí phát triển bền vững, để áp dụng vào từng dự án du lịch. Khi các dự án du lịch đụng đến thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa cần phải hết sức minh bạch thông tin dự án, để có sự phản biển rộng rãi của giới chuyên gia. Cần làm sao để đưa quan điểm phát triển bền vững vào cuộc sống chứ không còn là những quan điểm trên diễn đàn như hiện nay.

Tạo cơ chế cho du lịch phát triển

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, chúng ta cần quan tâm đến văn hóa bản sắc của người dân bản địa đối với công tác làm du lịch. Việc hiểu các phong tục tập quán của người dân địa phương nơi có các dự án du lịch sẽ giúp cho các doanh nghiệp có định hướng phát triển, quảng bá thương hiệu của mình được tốt hơn, dựa trên chất liệu có sẵn.

Theo ông Châu, trong những năm qua, cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư khá bài bản và hiện đại, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng được triển khai khắp các địa phương có tiềm năng du lịch. Tạo nên những địa điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng như Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc…thu hút lượng khách trong nước và quốc tế đến những địa phương trên. Tuy nhiên, hiện nay việc quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa nổi bật, khiến du khách không lưu trú lâu.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia và đơn vị báo chí truyền thông

Ông Dương Hùng Sơn, Tổng Giám đốc phía Nam Tập đoàn Tuần Châu chia sẻ, để làm du lịch hiệu quả, bản thân mỗi doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện “5 nhà” cùng thắng: Doanh nghiệp, nhà nước, người dân, du khách và đối tác.

Ông Sơn dẫn chứng, trước đây Tuần Châu là làng chài nghèo của tỉnh Quảng Ninh nhưng sau khi được Tập đoàn Tuần Châu đầu tư vào đây thì bộ mặt địa phương đã thay đổi rõ rệt, đời sống nhân dân được nâng lên. Bản thân tập đoàn cũng đạt doanh thu hàng năm hơn 30 ngàn tỷ đồng, tạo điều kiện việc làm cho hơn 10 ngàn nhân viên lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động có liên quan.

Ông Dương Hùng Sơn, Tổng Giám đốc phía Nam Tập đoàn Tuần Châu

Mỗi năm Tập đoàn Tuần Châu nộp ngân sách cho nhà nước gần 2000 tỷ đồng. Sắp tới Tuần Châu sẽ xây thêm cầu cảng du thuyền để đón các du thuyền quốc tế, khi mới đây, tập đoàn này vừa ký kết hợp tác với một đối tác đến từ Singapore

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel cho biết, phát triển du lịch không thể tự thân được mà nó gắn bó chặt chẽ với chính sách phát triển của nhà nước. Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc về xếp hạng và năng lực cạnh tranh. Theo đánh giá của WTO du lịch chúng ta tăng 4 bậc từ 67 xuống 63, doanh thu năm 2017 là 7,3 tỉ USD, năm 2018 là 8,8 ỉ USD…Tuy nhiên có nhiều tiêu chí của chúng ta bị tụt hạng, phản ánh chất lượng du lịch của chúng ta đang đi xuống khi chúng ta chỉ đứng thứ 10. Vì vậy, nhà nước cần có cơ chế chính sách phù hợp, xác định rõ du lịch là ngành mũi nhọn để có phương án, chiến lược phát triển đột phá./.

Khắc Chân