Đại học số

16:58 05/03/2021

Chuyển đổi số đang trở thành một xu thế tất yếu trên phạm vi toàn thế giới, là giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Trong bối cảnh đó, các trường Đại học hàng đầu Việt Nam đang tiến đến Đại học số.

Đại học số là một khái niệm mới,
Đại học số là một khái niệm mới. 

Đại học số là một khái niệm mới, mô hình mới của thời đại số, chưa có tiền lệ, chưa có hình mẫu, đang được hình thành và chưa được định nghĩa tường minh. Nội hàm của Đại học số phụ thuộc vào bước phát triển của công nghệ số.

Tại thời điểm hiện tại, đang tồn tại  các công nghệ:

- IOT (kết nối vạn vật). IOT cho phép mỗi đồ vật, mỗi con người được cung cấp một định danh của riêng mình và tất cả đều có khả năng truyền tải trao đổi thông tin dữ liệu qua mạng mà không cần có sự tương tác trực tiếp giữa người với người hay người với máy tính.

- Điện thoại thông minh iPod. Sử dụng iPod thông minh người học có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời nhanh hơn bất cứ giáo sư nào và lúc này tri thức cơ bản không phải là những sự kiện cần phải ghi nhớ. Lúc đó người học không cần đến lớp mà chỉ cần có điện thoại kết nối internet là có thể theo dõi được bài giảng.

- Điện toán đám mây (cloud computing). Đó là các "trang trại server" (server farm) lớn do Amazon, Google và các công ty khác quản lý, nơi một lượng dữ liệu cực lớn được tồn trữ để người dùng có thể lấy về tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Đây là sự kết hợp giữa công nghệ thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật cho phép thông tin, kiến thức, tri thức của nhân loại thường xuyên đưa lên "mây" cho bất cứ mọi người tra cứu.

- Trí tuệ nhân tạo (AI) là nền tảng cơ bản tạo nên CM công nghiệp 4.0. AI Chatbot là nền tảng đổi mới giáo dục và có thể thu thập thông tin về sở thích, thói quen, phương pháp học của người học. Chatbot có thể hiểu là chương trình máy tính dựa trên AI mô phỏng các cuộc hội thoại của con người…

IOT, Điện thoại thông minh, Điện toán đám mây, Trí tuệ nhân tạo... là những "viên gạch" tạo nền tảng cơ bản hình thành Đại học số. Do đó có thể định nghĩa một cách chung nhất, Đại học số là mô hình Đại học mới mà ở đó toàn bộ nội dung giảng dạy và hoạt động quản lý của trường Đại học được đưa lên môi trường số thông qua các nền tảng số và các phương tiện kỹ thuật số.

Để hình thành Đại học số thì việc đầu tiên là đưa toàn bộ các bài giảng của giảng viên cùng mọi hoạt động của Trường Đại học lên môi trường số. AI, điện toán đám mây, điện thoại thông minh, IOT… không chỉ là công cụ phương tiện mà còn trở thành tác nhân (actor) và môi trường số. Cũng giống như cá sống được là nhờ môi trường nước, Đại học số tồn tại là nhờ môi trường số.  

Xây dựng môi trường số là nhằm tạo một hệ sinh thái số xoay quanh sinh viên. Mỗi sinh viên, giảng viên, các bộ phục vụ, những đồ vật hữu hình (giảng đường, lớp học, phòng thí nghiệm … ), những đồ vật vô hình (thời khóa biểu, thư viện số, học liệu số, lịch kiểm tra, lịch thi …) được cung cấp một định danh số của riêng mình. Nhờ IOT (kết nối vạn vật) mà tất cả những định danh số đó đều có khả năng truyền tải trao đổi thông tin dữ liệu với nhau.

Khi đã hình thành môi trường số với một hệ sinh thái số, thì mọi hoạt động học tập giảng dạy, quản lý giáo dục đều thực hiện trên môi trường số. Do mỗi sinh viên đã có một định danh số nên  mọi sinh hoạt trong trường của sinh viên đều có thể được thực hiện thông qua smartphone hoặc iPod thông minh.

Sinh viên ngồi ở nhà có thể kết nối và  tương tác với toàn bộ quá trình đào tạo (thời khóa biểu, tiến trình học tập, thư viện, học liệu số, thực tập, thi kiểm tra) và các dịch vụ tại trường (ký túc xá, căng tin, nhà xe, khu thể thao; dịch vụ tiện ích, làm thêm…). Có thể sử dụng các bảng tương tác thông minh, sử dụng học liệu số, quản trị học tập số để học trực tuyến (e-learning),… để gia tăng hiệu quả học tập.

Sinh viên sử dụng mã định danh số để kiểm tra xem hôm nay mình học lớp nào, phòng nào, học môn gì, giảng viên là ai, đăng ký môn học, đăng ký thi lại,… Ngồi tại nhà, dùng mã định danh, kết nối với app (ứng dụng) của iPod thông minh, sinh viên thực hiện các thủ tục, các dịch vụ cho việc giảng dạy và học tập trực tuyến,.. Có thể mượn sách, hoặc để kiểm tra xem mình đã đóng học phí chưa, buổi trưa nhà ăn có những món gì, giá bao nhiêu, buổi tối nhà ăn phục vụ những gì trước khi học ca tối, có thể đặt trước và thanh toán online,…

Khi mọi hoạt động đã được đưa lên môi trường số, sinh viên trở thành trung tâm của quá trình phục vụ đào tạo. Sinh viên sẽ không còn bị phiền nhiễu, không còn bị gây khó dễ khi làm các thủ tục nhập học, thủ tục ra trường tốt nghiệp...

Đặc biệt sẽ hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực của các cán bộ phục vụ đối với sinh viên trong toàn bộ khóa học. Nhờ đó sinh viên có điều kiện tập trung thời gian và nhiều năng lượng hơn để toàn tâm cho việc học tập.

Đại học số:  Thay đổi tư duy trong dạy học

Trong Đại học số, mọi bài giảng truyền thống cũng như bài giảng online của mọi thế hệ giảng viên, mọi môn học …  đều được đưa lên hệ sinh thái số, để sinh viên có thể lựa chọn học bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào.

Trong Đại học số, thầy trò có định danh số từ khắp nơi có thể tương tác được với nhau như đang ngồi trong lớp học. Khoảng cách về địa lý, về không gian và thời gian đã bị xóa nhòa. Tư duy giáo dục truyền thống như "đến trường" điểm danh mới là "đi học", không đến trường là "không đi học" đã không còn đúng nữa...

Lúc này, trong sinh viên sẽ xuất hiện tư tưởng cực đoan : không cần thầy (vì sinh viên  có thể học qua mạng), không cần giảng đường (vì sinh viên không cần lên lớp), không cần thư viện (vì mọi học liệu đã được cung cấp qua mạng) … vv. Sinh viên sẽ đến lớp "face to face) làm gì nếu ở lớp giảng viên dạy không có gì mới hơn các bài giảng điện tử trên môi trường số ?

Trong bối cảnh đó, giảng viên trong đại học số phải thay đổi hoàn toàn tư duy cũng như phương pháp giảng dạy, thay đổi cách truyền đat kiến thức, kỹ năng phù hợp nhất cho mỗi sinh viên để thu hút người học.

Thay đổi vị thế của giảng viên thành người truyền cảm hứng cho sinh viên

Muốn có một Đại học số phải có các giảng viên tương thích với môi trường số, thích ứng và làm chủ công nghệ số để phục vụ cho công tác giảng dạy. Cách đây 40 năm, khi xuất hiện máy vi tính trong trường học, các giảng viên Đại học phải đi xóa mù tin học để học cách sử dụng máy vi tính làm phương tiện dạy học, thì ngày nay, trong môi trường số, giảng viên Đại học phải làm chủ công nghệ AI, để tạo ra các giảng viên ảo  hỗ trợ giảng dạy.

Cần phân biệt 2 khái niệm mới. Giảng viên thật là người đi dạy. Giảng viên thật sử dụng AI chatbot tạo ra giảng viên ảo, là bản sao của giảng viên thật nhằm hỗ trợ giảng viên thật. 

Những giảng viên thật với chuyên môn và kỹ năng sư phạm tốt sẽ dạy giảng viên ảo những kiến thức chuẩn để giảng viên ảo  truyền đạt kiến thức đó đến với sinh viên. Mức độ  "thông minh" , "trình độ", "khả năng sư phạm" … của giảng viên ảo phụ thuộc vào trình độ và cách dạy của giảng viên thật đối với giảng viên ảo.

Tại cùng một thời điểm, trên lớp học truyền thông (face to face) hay lớp học online,  rất nhiều sinh viên cùng lắng nghe bài giảng của  Giảng viên thật. Nhưng khi tương tác với sinh viên, tại một thời điểm, giảng viên thật chỉ có thể trao đổi giải đáp thắc mắc cho một sinh viên.

Trong khi đó giảng viên ảo có thể "phân thân" thành nhiều giảng viên ảo khác tương tác với nhiều sinh viên tại cùng một thời điểm để trả lời các câu hỏi mà sinh viên thường hỏi.

Đặc biệt Giảng viên ảo có thể theo dõi tiến độ học tập của từng sinh viên, cung cấp cho từng sinh viên những phản hồi được cá nhân hóa.  Có thể giới thiệu cho sinh viên những nội dung học tập phù hợp hơn bằng cách phân tích những kỹ năng học tập và những điểm còn thiếu sót.

Giảng viên ảo sẽ giúp giảng viên thật rất nhiều công việc đơn giản nhưng lại tiêu tốn nhiều thời gian như truyền thụ kiến thức, chấm điểm, hướng dẫn sinh viên giải một số loại bài tập cơ bản, lưu trữ thông tin về điểm số, theo dõi quá trình học tập của sinh viên…

Tóm lại nhờ giảng viên ảo  mà giảng viên thật "cá thể hóa" việc học tập của sinh viên, hướng tới mỗi sinh viên  một chương trình, giáo dục cho một người (Education of One). 

Lúc này Giảng viên thật mỗi lần đến lớp (face to face) không còn là người truyền thụ kiến thức mà trở thành người truyền cảm hứng cho sinh viên, hướng dẫn thảo luận theo chủ đề đã được sinh viên chuẩn bị ở nhà. Giảng viên thật chỉ làm những việc mà giảng viên ảo chưa thể thay thế.

PGS.TS Ngô Tứ Thành