Đại dịch thúc đẩy phát triển bia không cồn tại Nhật Bản

10:15 16/03/2021

Cuộc sống đằng sau bốn bức tường do các biện pháp hạn chế của đại dịch đã thúc đẩy người dân thử nghiệm một loạt các nhãn hiệu bia không cồn.

Đại dịch đang thúc đẩy sự bùng nổ bất ngờ của bia không cồn, Asahi Group Holdings dự báo doanh thu bia không cồn và ít cồn sẽ tăng 20% trong năm nay sau doanh số bán ổn định vào năm 2020. Asahi cũng đang tung ra nhãn hiệu “Beery” mới và có có kế hoạch mở rộng dòng sản phẩm của mình. Đối thủ chính của Asahi là Kirin Holdings, công ty đã có kinh nghiệm lâu năm trong ngành đồ uống, dự kiến doanh số bán hàng trong phân khúc này của hãng sẽ tăng 23% trong năm nay sau khi tăng 10% vào năm 2020. Gần đây nhất Kirin đã cải tiến một trong những loại bia không cồn chính do chính công ty sản xuất. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Theo các giám đốc làm việc trong ngành đồ uống, khoảng thời gian rảnh rỗi tại nhà đã giải phóng nhóm người hay uống rượu tại nước này khỏi các quy tắc xã hội với các loại bia công nghiệp thường thấy. Sự thay đổi cũng đã giúp nâng cao doanh số bán rượu mạnh và cocktail. Sự bùng nổ này là một động lực hiếm có đối với ngành công nghiệp trị giá 3,3 nghìn tỷ yên (30 tỷ USD), chứng kiến nhu cầu rượu bia tăng cao đối lập với tình trạng dân số Nhật Bản già đi. Trên thực tế, lượng tiêu thụ bia của Nhật Bản đã giảm hơn một nửa trong hai thập kỷ qua và đại dịch đã làm trầm trọng thêm nỗi đau đó khi các nhà hàng và quán bar buộc phải đóng cửa sớm. Doanh số bán bia tổng thể của Asahi, được thống trị bởi nhãn hiệu Super Dry hàng đầu, đặc biệt là tại các quán bar, đã giảm 16% về giá trị trong năm ngoái. Trong khi đó, Kirin đã chứng kiến sản lượng tiêu thụ giảm 5%.

Bia không cồn ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia với việc Anheuser-Busch InBev và Heineken tung ra các phiên bản của các hãng bia nổi tiếng như Budweiser và Stella Artois trong những năm gần đây. Mặc dù bia không cồn được ước tính chỉ chiếm 1% tổng doanh số bán bia trên toàn thế giới, nhưng dự đoán sẽ đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng. Theo dự báo của Global Market Insights vào tháng Giêng, thị trường toàn cầu của loại sản phẩm mới này có thể tăng lên 29 tỷ đô la vào năm 2026, tăng 65% so với năm 2019. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Giám đốc điều hành Suntory Takeshi Niinami cho biết, các nhà sản xuất bia đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc đưa hương vị của bia không cồn gần với bia thông thường. Để đạt được mục tiêu đó, họ đã nghiên cứu giảm bớt hương liệu nhân tạo và chất làm ngọt được sử dụng nhằm mô phỏng hương vị được tạo ra thông qua quá trình lên men thường xuyên. Một số khác cũng đã áp dụng các phương pháp sản xuất cho phép loại bỏ cồn nhẹ nhàng hơn do đó giữ được hương vị nguyên bản của bia. Ví dụ: “Beery” có cường độ 0,5% của Asahi sử dụng phương pháp chiết xuất rượu chậm hơn và được quảng cáo là có nhiều “vị umami và đậm đà” hơn so với các loại khác.

Sản phẩm sẽ được tung ra thị trường vào cuối tháng này, nhưng chiến dịch quảng cáo đã bắt đầu trước đó nhiều tháng. Asahi có kế hoạch bổ sung thêm nhiều sản phẩm bia ít cồn và không cồn trong năm nay và đặt mục tiêu tăng gấp ba lần số lượng sản phẩm trong phân khúc vào năm 2025. Ngoài ra, Kirin đã ra mắt lại loại bia không cồn “Green’s Free” vào cuối tháng 2 với lời giới thiệu thành phần làm từ mạch nha và lúa mạch chất lượng cao cũng như sử dụng hoa bia Nelson Sauvin tạo hương vị thơm cho bia thủ công. Suntory gần đây cũng đã cập nhật bia không cồn, không calorie với một công thức hoàn toàn mới.

Kazuo Matsuyama, người đứng đầu tiếp thị cho doanh nghiệp bia nội địa của Asahi, cho biết thị hiếu khách hàng đối với bia truyền thống ngày càng giảm sút cũng có nghĩa là đã đến lúc phải nhìn xa hơn. Ông còn chỉ ra: “Cho đến bây giờ, trong tổng số 80 triệu dân ở độ tuổi 20 đến 60, chúng tôi đã nhắm mục tiêu đến 20 triệu người thích uống rượu hàng ngày. Nhưng bây giờ hãng cần mở rộng những đối tượng khác”.

TL