Đại dịch gây khó - Doanh nghiệp “ló khôn”

00:00 12/10/2020

Trong dịch bệnh, toàn thị trường phải đối mặt với hàng loạt khó khăn: nguồn cung bị đứt gãy, đầu ra sụt giảm nghiêm trọng, các chi phí gia tăng khiến nhiều DN đình đốn sản xuất kinh doanh. Khó khăn là vậy, nhưng không ít DN đã tìm tòi những sản phẩm mới, dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh mới.

dai dich gay kho doanh nghiep lo khon bai 2 tim huong san xuat san pham dich vu moi

DN nỗ lực tìm kiếm hướng đi mới, sản phẩm mới để khắc phục khó khăn.     Ảnh: ST

Sản phẩm mới – cơ hội mới

Nhắc tới các DN nông, lâm sản linh hoạt, sáng tạo để vượt khó do Covid-19, Công ty Cổ phần Phúc Sinh là một điển hình. Vốn được mệnh danh là “vua hồ tiêu Việt Nam”, sau thời gian dài chuyên xuất khẩu nguyên liệu, từ năm 2016 DN này đã chủ động mở rộng sang chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, DN từ chối làm hàng gia công, tập trung phát triển sản phẩm mang thương hiệu công ty để xuất khẩu và cả bán tại nội địa. Đáng chú ý, trong mùa dịch Covid-19, Công ty đã tung ra khá nhiều sản phẩm mới như tiêu hồng sấy lạnh, tiêu xanh sấy lạnh, sốt tiêu xanh... nhằm mang tới sự đa dạng, chất lượng cao cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, không chỉ đứng top đầu xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam, Phúc Sinh cũng là DN xuất khẩu cà phê khá đình đám. Giữa mùa dịch, trong khi nhiều DN cùng ngành hàng quay cuồng vì khó khăn đơn hàng thì Phúc Sinh thậm chí lại được đối tác đặt mua đơn hàng đầu tiên với dòng sản phẩm mới khá ấn tượng, đó là mặt hàng trà Cascara Blue Son La.

“Cascara thực ra là trà được làm từ vỏ cà phê, vốn là thứ dân mình thường vứt đi. Một lần tình cờ gặp loại trà này được bán ở Mỹ với giá rất cao làm tôi tò mò và tìm hiểu cách làm vì nguyên liệu này công ty tôi có sẵn. Sau hơn 1 năm mày mò, thử nghiệm, cuối cùng công ty cũng làm ra Cascara và được đối tác đặt mua lô đầu tiên vào tháng 4 vừa qua, ngay lúc cao điểm dịch Covid-19”, ông Thông chia sẻ.

Được biết, nếu như tại thị trường trong nước DN chỉ bán sản phẩm trên với giá 150.000 đồng/100 g thì sản phẩm đã được đối tác ở châu Âu mua với giá 99 USD/kg để bán lẻ tại các chuỗi trà - cà phê.

Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (An Phát Bioplastics) cũng là một ví dụ sinh động về sự năng động tìm cơ hội trong khó khăn khi cho ra đời sản phẩm mới. Đó là việc công ty đầu tư sản xuất sản phẩm và nguyên vật liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio. Lãnh đạo của An Phát cho biết, những dòng sản phẩm của An Phát đã và đang nhận được nhiều đơn hàng hơn đến từ châu Mỹ, châu Âu. Bởi trên thế giới và Việt Nam, xu thế tiêu dùng xanh đang phát triển rõ nét. Do đó, đến năm 2023, An Phát đặt mục tiêu các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn sẽ đóng góp 40-50% trong cơ cấu doanh thu của DN.

Với ngành dịch vụ như du lịch, dịch Covid-19 đã khiến du khách quốc tế không thể đi du lịch nên phải hướng tới thị trường nội địa. Nhưng vấn đề là làm thế nào để thu hút khách du lịch lại là bài toán với nhiều DN. Vì thế, giải bài toán này, Công ty Du lịch Vietravel đã xây dựng thêm nhiều tour du lịch dành cho những nhóm nhỏ, đồng thời nâng cấp hệ thống đặt tour du lịch trực tuyến trên mạng xã hội Facebook, Zalo để khách hàng dễ dàng nắm bắt thông tin, thực hiện đặt tour du lịch. Ngoài ra, nhiều DN khác cũng đã và đang ứng dụng công nghệ, đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ đó, giúp doanh thu được cải thiện, thậm chí có thể lãi lớn nếu đánh đúng và trúng thị trường.

Linh hoạt tìm cơ hội phục hồi

Có thể thấy, các DN đều đang nỗ lực, cố gắng tìm mọi cách vượt qua khó khăn và những cách làm này đã thực sự mang lại kết quả rõ rệt.

Kết quả khảo sát về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê cho thấy có 80,6% số doanh nghiệp nhận định sản xuất, kinh doanh quý 3 tốt lên và giữ ổn định. Trong khi đó, theo kết quả điều tra lần trước, chỉ có 59,2% doanh nghiệp có thái độ lạc quan đó. Ngoài ra, hoạt động bán lẻ, kinh doanh dịch vụ cũng khởi sắc trở lại… Đây đều là những tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế, cho thấy các DN đã bớt “thụ động”, tăng tính linh hoạt để tìm cơ hội hồi phục sau dịch Covid-19.

Tuy nhiên, những khó khăn vẫn còn đó! Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và nhiều nền kinh tế trọng điểm vẫn chưa mở cửa trở lại, nên các DN không thể chủ quan khi bắt đầu thích nghi với hoạt động trong giai đoạn “bình thường mới”, bởi các kế hoạch hoạt động trở lại sẽ cần thay đổi để đáp ứng những biến động khó lường của thực tế.

Nói về vấn đề hồi phục của DN, PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch hội đồng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, dịch Covid-19 là cơ hội để DN nhìn lại mình, cơ cấu lại hoạt động quản trị DN. Hơn nữa, đây cũng là bài học để các DN thay đổi cách làm ăn, kinh doanh, không nên làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ, có đâu bán đấy mà phải chuyển hướng sang kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, theo nhu cầu thị trường một cách dài lâu để tăng “sức đề kháng” trước những rủi ro.

Đồng quan điểm, theo PGS. TS. Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân, các DN cần tìm kiếm các nguồn cung ứng mới đảm bảo yếu tố linh hoạt và khả năng tự phục hồi. DN cũng cần nắm bắt được xu thế của thị trường, đầu tư vào khách hàng mục tiêu và dự đoán hành vi, tìm các phương án marketing và bán hàng mới… để đáp ứng nhu cầu của người mua. 

Những ví dụ về việc phát triển sản phẩm mới, dịch vụ mới của cộng đồng DN trong những khó khăn chồng chất do Covid-19 gây ra, cho thấy DN nào nỗ lực hết mình, luôn luôn tìm khe sáng phía trước để tiến lên thì DN đó sẽ có nhiều cơ hội để tồn tại và nhiều động lực phục hồi mạnh mẽ khi đại dịch Covid-19 lùi dần.  

Thanh Dịu