Đại dịch Covid-19: Nỗi lo nợ xấu từ tín dụng tiêu dùng

00:00 12/10/2020

Hàng chục nghìn khách hàng cá nhân đang vay vốn ngân hàng đã mất khả năng trả nợ đúng hạn khi nguồn thu nhập giảm hoặc không còn, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

tins-dung-tieu-dung-2004-1586254275.jpg

Khách hàng cá nhân mong muốn ngân hàng cho giãn nợ, giảm lãi suất trong mùa dịch bệnh (Ảnh minh hoạ: Internet)

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá hiện nay chưa thể xác định đâu là đỉnh dịch, tình trạng người dân không có thu nhập để trả nợ vay tiêu dùng có thể kéo dài từ 6 tháng – 1 năm. Điều này dẫn đến nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng và các công ty tài chính sẽ tăng lên rất nhanh.

Dồn dập đơn xin giãn, hoãn nợ

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam ước đạt 11,4%, tức là khoảng 1 triệu tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ và phần lớn những người vay tiêu dùng có thu nhập ở mức trung bình, dòng tiền trả nợ đến từ tiền lương, tiền công. Trong khi đó, dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người lao động – cũng chính là đe dọa nguồn tiền trả nợ ngân hàng.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, các ngân hàng đã nhận được hàng nghìn đơn xin giãn, hoãn nợ vì thu nhập của người dân sút giảm hoặc mất việc do đại dịch Covid-19.

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho hay, theo thống kê mới của ngân hàng, có khoảng 11.000 tỷ đồng tín dụng của HDBank bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có tới hơn 4.000 tỷ đồng của khách hàng cá nhân. “Hiện, tốc độ các khách hàng gửi đơn đề xuất xin cơ cấu nợ, giãn nợ tăng chóng mặt, đội ngũ xử lý phải chạy hết tốc lực”, ông Thanh cho hay.

Còn tại Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc cho hay, trong 22.0000 tỷ đồng dư nợ do khách hàng đề xuất cơ cấu, giãn nợ, có tới 7.000 tỷ đồng là của khách hàng cá nhân.

Một ngân hàng TMCP tại Hà Nội thông tin, theo rà soát, trong vòng 1 tháng gần đây, số dư nợ cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của ngân hàng này đã tăng gấp 5 lần tháng trước.

"Ngân hàng có chính sách giảm lãi, giãn nợ để hỗ trợ người vay nhưng phải xét trên từng trường hợp cụ thể. Khách hàng phải chủ động đề nghị ngân hàng và trình bày nguồn thu nhập bị sụt giảm như thế nào, trên cơ sở đó ngân hàng sẽ thẩm định lại. Do vậy không phải tất cả trường hợp đề xuất đều được xét duyệt. Cũng không có công thức chung mà căn cứ vào mức độ giảm thu nhập của khách hàng", lãnh đạo ngân hàng cho biết.

Cần có chính sách hỗ trợ vay tiêu dùng

Hiện nay, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng đều đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi, tuy nhiên đa phần chỉ giới hạn trong các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Chỉ có một vài ngân hàng chấp nhận giảm nhẹ lãi suất đối với toàn bộ các khoản nợ hiện hữu, bao gồm cả vay tiêu dùng.

Chẳng hạn, BIDV đã công bố giảm thêm tới 2% lãi suất cho vay với cả khoản vay cũ và mới, áp dụng với cả cá nhân và doanh nghiệp. Với khách hàng cá nhân, BIDV giảm đến 1- 2% (giảm 1% cho khách vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương bị giảm thu nhập và giảm 2% lãi suất cho lao động mất việc). BIDV ước tính, việc giảm lãi vay sẽ khiến thu nhập của Ngân hàng giảm 3.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay dịch bệnh chưa thể xác định đâu là đỉnh, tình trạng người dân không có thu nhập để trả nợ vay tiêu dùng có thể kéo dài từ 6 tháng – 1 năm. Điều này dẫn đến nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng và các công ty tài chính sẽ tăng lên rất nhanh.

Vì vậy, không chỉ giảm lãi suất, Hiếu cho rằng, một trong những biện pháp mà tổ chức tín dụng, ngân hàng cần làm để hạn chế nguy cơ vỡ nợ tín dụng tiêu dùng là gia hạn thời gian trả nợ cho người vay.

Đồng tình, ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý (Đại học Fulbright Việt Nam), khẳng định thu nhập giảm sút có thể đẩy nhiều gia đình vào cảnh mất khả năng trả nợ. Thậm chí, nếu dịch bệnh kéo dài, kinh tế đóng băng, thì khả năng vỡ nợ hàng loạt có thể xảy ra.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng ngân hàng, các quỹ tín dụng cần gia hạn nợ ít nhất trong vòng từ 3- 6 tháng cả lãi và gốc cho những người đi vay đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.

“Trong trường hợp người đi vay mất khả năng thanh toán, các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính cần phải thương lượng để thống nhất giải quyết với khách hàng, như giảm lãi, giãn nợ, đưa ra một lộ trình trả nợ mới sau thời gian ân hạn…”, ông Hiếu khuyến nghị.

Hoàng Hà