Đại dịch Covid-19 khiến hơn 1,1 triệu lao động mất việc làm

07:48 07/07/2021

Số liệu mới nhất được công bố cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,1 triệu người, tăng 101,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Những con số này được đưa ra tại cuộc họp báo về tình hình lao động việc làm quý II/2021 và kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 do Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 6/7 vừa qua.

Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh

Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: V.Dũng)

Tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến thông tin, tình hình lao động việc làm quý II/2021 cho thấy, thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan với số người có việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với quý trước.

Theo báo cáo, thị trường lao động nửa đầu năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề vì 2 đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 và thứ 4. Tổng cục Thống kê cho hay, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước và giảm 82,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2021 là 2,62%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3,36%, tăng 0,17 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,95 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

So với quý trước, lực lượng lao động tăng chủ yếu ở khu vực thành thị (tăng 354,8 nghìn người) và lực lượng lao động nam (tăng 36,3 nghìn người). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động tăng chủ yếu ở khu vực thành thị (tăng hơn 1 triệu người) và lực lượng lao động nữ (tăng hơn 1,3 triệu người).

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II/2021 là 68,5%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,3%, thấp hơn 12,9 điểm phần trăm so với nam. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 66,6%, trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 69,7%.

Sự bùng phát nhanh hơn, khó kiểm soát của dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,8% và 2,49%). Xu hướng này khác biệt với xu hướng thường thấy qua các năm trước, với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn so với khu vực thành thị.

Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở hầu hết các nhóm tuổi; trong đó, chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15-24 tuổi (thành thị: 38,5%; nông thôn: 46,7%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 34,4%; nông thôn: 47,7%).

Xét theo 3 khu vực kinh tế, tỷ trọng lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý II/2021 ở khu vực dịch vụ là cao nhất với 35,8%, tiếp theo là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 35,6%. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý II/2021 đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so với quý trước và tăng 547 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến phức tạp gia tăng và khó kiểm soát của dịch Covid-19 trong quý II/2021 đã làm gián đoạn đà phục hồi thu nhập bình quân của người lao động kể từ quý III/2020 đến quý I/2021. Quý II/2021 ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Thu nhập của lao động làm công ăn lương quý II/2021 đạt 6,8 triệu đồng, giảm 411 nghìn đồng so với quý trước và tăng 455 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Một thống kê khác của Tổng cục thống kê ghi nhận năm 2020 cả nước có tới 32.1 triệu người lao động trong độ tuổi từ 15 trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19. Những người này nằm trong nhóm bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong khi đó, lực lượng lao động đang ngày càng tăng, mỗi năm thị trường Việt Nam có thêm 1,6 triệu lao động trong đó có cả lao động phổ thông, lao động có trình độ chuyên môn sơ cấp, trung cấp, đại học và các cấp bậc chuyên môn cao hơn.

Như vậy, đã có hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn đến mất việc làm, mất thu nhập và không thể tìm được việc khác. Đại dịch Covid-19 đang là hồi chuông cảnh tỉnh những người vẫn còn nằm trong vùng an toàn, bắt buộc họ phải nhìn vào bức tranh tổng thể và kích thích họ phải chuẩn bị hành trang cho mình để ứng phó với tình hình biến động của dịch bệnh và sự cạnh tranh việc làm của thị trường lao động.

Ngân Phương