Đà Nẵng nâng cấp độ “phòng thủ” tại các khu công nghiệp

17:25 17/07/2021

Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng đã “nóng” tại một số khu công nghiệp (KCN), các doanh nghiệp đang tăng cường kiểm soát dịch bệnh và sẵn sàng phương án “3 tại chỗ”.

Xét nghiệm cho công nhân Công ty Murata

Xét nghiệm cho công nhân Công ty Murata. (Ảnh: VGP/Minh Trang)

Giám sát chặt chẽ các công nhân tại nơi lưu trú

Hiện, số ca bệnh tại TP. Đà Nẵng liên quan đến 9 chuỗi lây nhiễm. Chuỗi ca bệnh nóng nhất là chùm ca bệnh liên quan đến Công ty Murata nằm tại KCN Hòa Khánh, đến nay đã ghi nhận 27 ca mắc COVID-19. Toàn bộ hơn 4.000 công nhân tại Công ty này đã cách ly lấy mẫu xét nghiệm, trong đó 311 trường hợp F1 cách ly tập trung tại khách sạn. Các trường hợp F2 được về cách ly tại nhà.

Được lấy mẫu xét nghiệm ngay tại công ty, anh Ngô Đức Lâm (quản lý viên của Bộ phận chế tạo Công ty Murata) cho biết: “Toàn thể công nhân đang làm việc thì nghe thông báo có ca bệnh khiến chúng tôi rất bất ngờ, nhưng sau đó tất cả bình tĩnh, nghiêm túc ở lại thực hiện xét nghiệm. Các công nhân được ban công đoàn động viên tinh thần không gây mất trật tự, để mọi việc sớm ổn định trở lại và tiếp tục chuỗi sản xuất, như thế mới có thu nhập lo cho gia đình được”.

Chủ tịch Công đoàn Công ty Murata Đỗ Danh Hùng cho hay công nhân, người lao động được động viên không hoang mang, sẵn sàng tâm lý để thực hiện các biện pháp theo yêu cầu của các cơ quan chức năng trong thời gian tới.

Do 4.000 công nhân sống trọ rải rác tại 5 phường của quận Liên Chiểu, tại cuộc họp khẩn vào trưa 16/7, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã có chỉ đạo các địa phương phải giám sát chặt chẽ số công nhân đang lưu trú tại các địa phương.

"Phải quản lý cho được số 4.000 công nhân này (ngoại trừ những trường hợp F1, F0 đã được cách ly). Danh sách này phải giao về cho địa phương quản lý. Hiện chúng ta mới xét nghiệm lần 1 nên chưa thể đánh giá được mức độ an toàn. Tất cả những người này phải tự cách ly tại nhà ", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu.

Trong khi đó, sau khi có 2 ca mắc COVID-19 tại KCN Đà Nẵng (quận Sơn Trà) vào ngày 11 và 12/7, tất cả nhân viên Công ty VNPT - NET3 (đường số 3, KCN Đà Nẵng) đều xét nghiệm, cách ly theo đúng quy định.

Theo UBND quận Sơn Trà, qua công tác điều tra, truy vết đã xác định được 234 F1, đều đã được cách ly. Ngành chức năng quận phối hợp đơn vị quản lý KCN Đà Nẵng phun thuốc khử trùng toàn bộ doanh nghiệp có ca nhiễm và yêu cầu các doanh nghiệp khác trong KCN phải áp dụng nghiêm ngặt hơn các biện pháp theo quy định.

Công nhân tại Công ty UACV thực hiện theo mô hình “3 tại chỗ”

Công nhân tại Công ty UACV thực hiện theo mô hình “3 tại chỗ”. (Ảnh: VGP/Minh Trang)

Sẵn sàng phương án “3 tại chỗ”

Trong đợt bùng phát dịch thứ 4 tại Đà Nẵng, Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Đà Nẵng Sunshine (Công ty UACV, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) xuất hiện 1 ca dương tính với SARS-CoV-2. Công ty đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng dịch, thực hiện xét nghiệm cho toàn bộ gần 700 lao động, thực hiện phun khử toàn bộ nhà máy. Sau khi xét nghiệm, đánh giá nguy cơ lây nhiễm, hơn 100 F1 của ca COVID-19 tại công ty, trong đó 61 người được đưa đến các khu cách ly tập trung và 50 người khác ít nguy cơ hơn được công ty áp dụng mô hình “3 tại chỗ” (ăn, ở, sản xuất tại chỗ). Nhóm công nhân này khi vào nhà máy sản xuất cũng sẽ có lối đi riêng và khu vực làm việc riêng để đảm bảo không ảnh hưởng đến những nhân viên, người lao động khác. Hơn nữa, khu vực “cắm trại” của người lao động được phun khử khuẩn thường xuyên.

Theo ông Bota Ciprian Vasile, Giám đốc sản xuất Công ty UACV, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, Công ty sẽ mở rộng quy mô của mô hình “3 tại chỗ” này, áp dụng cho toàn bộ nhân viên, người lao động của công ty để đảm bảo an toàn cho người lao động và chuỗi sản xuất không bị ảnh hưởng.

Chia sẻ cùng PV Báo điện tử Chính phủ, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, cho biết công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các khu công nghiệp triển khai trên tinh thần thực hiện nghiêm các quy định, tập trung và huy động sức lực cả hệ thống chính trị. Nội dung này được lãnh đạo Thành phố yêu cầu thực hiện chặt chẽ trong suốt thời gian qua, không chỉ trong giai đoạn có nhiều F1, F2.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, đặc biệt là chưa rõ nguồn lây lan cụ thể, Ban quản lý đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp tăng cường thực hiện các biện pháp phòng dịch của Bộ Y tế và Thành phố; triển khai xét nghiệm định kỳ đối với 20% nhóm lao động có nguy cơ cao về dịch bệnh; triển khai đến người lao động về việc hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều người sau giờ làm việc. Đồng thời, các công ty hạ tầng tăng cường công tác chốt, chặn kiểm soát phương tiện, hàng hóa, hành khách ra vào các KCN.

“Việc tổ chức nội dung “3 tại chỗ” là cách làm rất phù hợp, đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh dịch phức tạp. Mục tiêu kép của Thành phố là thực hiện sản xuất nhưng vẫn đảm bảo an toàn về sức khỏe, an toàn về tính mạng, an ninh trật tự và thu nhập đời sống việc làm ổn định. Cách làm này tuy khiến chi phí tăng nhưng có thể đảm bảo an toàn sản xuất cho cả hệ thống.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ triển khai rộng rãi nội dung này. Thành phố, Ban Quản lý và các cơ quan chức năng sẽ tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đảm bảo, hiệu quả”, ông Phạm Trường Sơn cho hay.

Theo Minh Trang (http://baochinhphu.vn)