Đà Nẵng đổi mẫu giấy đi đường: Tăng áp lực cho chính quyền cơ sở

07:11 05/08/2021

Chỉ sau 3 ngày ban hành mẫu giấy đi đường nhằm hạn chế người dân đi lại, thành phố Đà Nẵng đã phải quyết định thay mẫu giấy đi đường mới, đòi hỏi xác nhận trách nhiệm rõ ràng hơn của các tổ chức, đơn vị cắt cử người ra khỏi nhà. Tuy nhiên, do chưa áp dụng công nghệ mã QR code như mong muốn, mẫu giấy này lập tức làm tăng áp lực cho cấp chính quyền cơ sở.

Chính quyền Đà Nẵng áp dụng mẫu giấy đi đường mới để hy vọng hạn chế người dân đi lại trong thời điểm dịch bệnh nguy hiểm.
Chính quyền Đà Nẵng áp dụng mẫu giấy đi đường mới để hy vọng hạn chế người dân đi lại trong thời điểm dịch bệnh nguy hiểm.
Theo công văn 4912 ban hành ngày 04/8/2021, chính quyền thành phố Đà Nẵng yêu cầu, bắt đầu từ 12 giờ ngày 06/8/2021, thống nhất sử dụng giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn, yêu cầu giấy phải có cơ quan thẩm quyền xác nhận. Thành phố chia ra ba loại nhóm thẩm quyền: cơ quan đơn vị thuộc Nhà nước sẽ có thủ trưởng đơn vị cấp và xác nhận; các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và công nghệ cao sẽ do Ban quản lý xác nhận; và các trường hợp còn lại sẽ do phường xã cấp giấy, xác nhận.

Đối với các trường hợp còn lại này, tuần tự xác nhận được thiết lập:

Với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp và công nghệ cao, Sở Kế hoạch Đầu tư Đà Nẵng rà soát cung cấp danh sách cho UBND các xã phường đối chiếu, doanh nghiệp có văn bản đề nghị xác nhận giấy đi đường cho nhân viên cùng các giấy tờ hữu quan, kịch bản chống dịch.

Với các cơ sở, hộ kinh doanh, dịch vụ trong cộng đồng, các sở ngành theo lĩnh vực quản lý sẽ cấp danh sách cho các xã phường, các cơ sở có văn bản đề nghị xác nhận giấy đi đường cho lao động cùng các giấy tờ liên quan.

Với tiểu thương tại các chợ, Ban quản lý các chợ lập danh sách tiểu thương và những người có liên quan hoạt động chợ gởi về UBND phường xã.

Các đơn vị, cơ quan không thiết yếu, tạm dừng hoạt động cũng phải có văn bản đề nghị xác nhận giấy đi đường cho nhân viên trực an ninh tại đơn vị.

UBND các xã phường sẽ căn cứ, đối chiếu các danh sách, văn bản đề nghị xác nhận của các doanh nghiệp, cơ sở để kiểm tra, ký xác nhận, đóng dấu vào giấy đi đường và gởi lại cho doanh nghiệp, cơ sở và tiểu thương.

Quy định cấp giấy đi đường về đầu mối các xã phường đang gia tăng áp lực cho chính quyền cơ sở tại Đà Nẵng.
Quy định cấp giấy đi đường về đầu mối các xã phường đang gia tăng áp lực cho chính quyền cơ sở tại Đà Nẵng.

Ngay sau khi thông tin này đưa ra, dư luận tại Đà Nẵng bùng lên một làn sóng phản ứng khá mãnh liệt, đa số không đồng thuận với chủ trương cấp giấy đi đường mới của chính quyền.

Điểm nhấn quan trọng ở đây, là áp lực lên đội ngũ cán bộ cấp cơ sở xã phường sẽ gia tăng rất nặng nề. Chỉ tính số lượng bà con tiểu thương tại các chợ cần cấp giấy đi đường theo mẫu cũ, đa số phường xã đã nhìn nhận không kham nổi do quá nhiều và thời gian yêu cầu quá gấp gáp. Nhiều phường xã đã buộc phải “ký khống” giấy đi đường để kịp xác nhận cho các tiểu thương ổn định kinh doanh tại các chợ.

Trong những ngày tới, khi trách nhiệm rà soát, xác nhận giấy đi đường còn tăng lên từ các doanh nghiệp, tổ chức, hội đoàn… theo các danh sách được cấp, và văn bản đề nghị từ ngay chính các doanh nghiệp “tạm đóng cửa”, có thể nói các xã phường sẽ “gánh toàn bộ” hoạt động kinh tế xã hội Đà Nẵng. Chỉ tạm tính mỗi xã phường có khoảng 1.000 cơ sở, tổ chức, đơn vị cần xác nhận giấy đi đường, trong một tuần lễ UBND cấp cơ sở đã không đủ thời gian và điều kiện để xác nhận đủ. Nhưng nếu không đáp ứng được, hoạt động của toàn thành phố Đà Nẵng sẽ ùn tắc, rối loạn nghiêm trọng, và sẽ nảy sinh rất nhiều bất cập nguy hiểm trong điều tiết, kiểm soát trật tự.

Theo nhiều góp ý từ dư luận, có thể thấy hai hướng giải pháp được đưa ra để giảm tải và tháo gỡ các vướng mắc sẽ nảy sinh.

Thứ nhất, dư luận mong chính quyền thành phố Đà Nẵng hết sức cân nhắc để đi đến quyết định có nên siết chặt hơn việc kiểm soát chống dịch, phong tỏa cách ly toàn diện địa bàn để “ai ở yên đó” trong thời gian hợp lý. Chỉ có giải pháp “đóng băng” hiện trạng hoạt động, dừng tất cả những hoạt động kinh tế xã hội tạm thời, mới có thể tạo lập lại trạng thái cân bằng và áp lực dịch bệnh lây lan được giải quyết. Đi kèm giải pháp này là địa phương phải ứng dụng ngay chính sách cứu trợ lương thực, hàng thiết yếu cho người dân gặp khó khăn khi phải ở nhà.

Thứ hai, nếu vẫn quyết định giữ song hành “nhiệm vụ kép”, tránh tác động tiêu cực đến guồng máy kinh tế địa phương, chính quyền cần chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp ứng dụng công nghệ, cụ thể dùng mã QR code về công dân Đà Nẵng để tự động cấp phát giấy đi đường cho các tổ chức, đơn vị có nhu cầu. Việc cài đặt các điều kiện cho phép, hợp lý trong hệ thống cấp mã sẽ đơn giản hơn việc đặt áp lực trách nhiệm lên cấp chính quyền cơ sở, vì hệ thống sẽ tự động lọc từ chối những đơn vị, tổ chức không đạt yêu cầu. Chỉ có những trường hợp đặc biệt, các đơn vị, tổ chức mới liên hệ đầu mối xác nhận là các sở ngành và xã phường để đề nghị xác nhận. Số lượng tương tác này sẽ thấp hơn rất nhiều, cấp chính quyền cơ sở đáp ứng được.

Một số dư luận cho rằng, do năng lực xử lý yêu cầu ứng dụng công nghệ ở các cơ quan chức năng Đà Nẵng chưa tốt, nhất là việc trang bị hỗ trợ, cài đặt hướng dẫn dùng thiết bị quét mã QR code tại các điểm chốt kiểm soát chưa có, địa phương nên chủ động đưa phương án mời gọi các đơn vị công nghệ trên địa bàn hợp tác triển khai. Trên tinh thần xã hội hóa, sẽ chỉ trong vài ngày, Đà Nẵng có thể thiết lập được hệ thống cấp mã QR code tốt hơn, và tổ chức ứng dụng dùng công nghệ kiểm soát tại các chốt kiểm tra đồng bộ hơn, từ đó mới có thể trấn an dư luận, thiết chế kiểm soát được tình hình để bảo đảm chống dịch hiệu quả.

Nguyên Đức