Đã kinh doanh, hãy là Doanh nhân

00:00 12/10/2020

Đất nước chuyển mình cùng 30 năm đổi mới, hội nhập. Cuộc sống khấm khá hơn, xã hội cởi mở hơn. Song vẫn còn đó biết bao khó khăn, thách thức phía trước. Nỗi trăn trở hôm qua, hôm nay vì mục tiêu phát triển vẫn day dứt chúng ta. Dòng chảy của những năm đổi mới cũng phản ánh bức tranh bươn trải, trưởng thành của hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam và cùng với đó đã là ba, bốn thế hệ doanh nhân Việt Nam. Giờ có thể nói được những gì về điều cốt lõi trong kinh doanh? Chắc chắn là rất nhiều, dù còn không ít những vấn đề cần tiếp tục học hỏi. Cách nghĩ, cách nhìn cũng có thể còn khác nhau. Dù sao, đối với tôi, điều “cốt lõi” đó trước hết gắn với 2 cụm từ: Sứ mệnh kinh doanh và cách thức kinh doanh trong bối cảnh một thế giới đầy biến động và đã có những thay đổi sâu sắc.

Các doanh nhân có thể khác nhau về cách thức khởi sự kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, trong đó có thể có cả thất bại, thành công. Song ở họ vẫn có những điểm chung. Là DOANH NHÂN họ cần khát vọng, sự dấn thân; và trên hết là niềm tin vào mục  tiêu và con đường tốt đẹp đã chọn - đó chính là vì cuộc sống tốt hơn cho mình, và rộng hơn là cho xã hội, hôm nay và mai sau. Sứ mệnh đó lại phải gắn kết hài hòa với NGHỀ kinh doanh, với mục đích là phát triển doanh nghiệp bền vững. Cộng hữu cơ con người DOANH NHÂN với NGHỀ kinh doanh, đó chính là cái NGHIỆP của họ. Cái cốt lõi nhất chính là khi kinh doanh trở thành NGHIỆP.

Hiện thực hóa cái NGHIỆP đó, trước hết tùy thuộc vào sự nhìn nhận về cách thức kinh doanh trong một thế giới đã và đang thay đổi nhanh chóng với tư duy mới về phát triển. Phát triển và đi kèm là nhu cầu xã hội không đơn thuần chỉ là gia tăng thu nhập, vốn về cơ bản là nền tảng của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển phải thực sự vì chất lượng cuộc sống của con người. Nó phải vượt qua khỏi cái thuần túy chỉ là thu nhập đầu người, là sự gia tăng của cải, mà cần bao hàm cả tâm thức (trí tuệ và tính hợp lý trong hành vi ứng xử) và sự thân thiện với thiên nhiên, môi trường (nền kinh tế “xanh hơn”, bớt tận khai, bóc lột tài nguyên thiên thiên). Thị phần và lợi nhuận vẫn là một chiều cạnh hết sức quan trọng, song kinh doanh giờ đây khó có thể bỏ qua “màu xanh” và sự lựa chọn thông minh hơn, nhân văn hơn của tiêu dùng và xã hội.

 Toàn cầu hóa và khu vực hóa, đặc biệt là việc thiết lập các khu vực thương mại tự do (FTAs), được đẩy mạnh. Hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn, lao động (nhất là lao động có kỹ năng) dịch chuyển với qui mô lớn hơn và nhanh chóng hơn. Cơ hội tiếp cận nguồn lực cao hơn và sân chơi cũng trở nên rộng lớn hơn. Song đi kèm là cạnh tranh cũng quyết liệt hơn. Ta nghĩ ra “trò chơi” thì nhiều người khác cũng có thể tìm ra được. Không chỉ dày công suy tư, sáng tạo, mà cần cả tốc độ nắm bắt cơ hội và triển khai thực hiện.

 

Cuộc Cách mạng công nghệ, đặc biệt là khi con tàu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) đã rời bến, vừa góp phần đẩy nhanh tiến trình toàn  cầu hoá, vừa tạo ra những tiềm năng vô cùng to lớn trong việc phát triển sản phẩm mới, ngành nghề mới,nhất là trong khu vực dịch vụ có hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng cao, qua đó thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện chất lượng sống. Không chỉ vậy, nó đang thay đổi căn bản cách thức quản trị, kỹ năng lao động, đòi hỏi những cải tổ sâu rộng cả ở tầm hoạch định chính sách, xây dựng khung khổ pháp lý và ở tầm công ty, doanh nghiệp.

Đầu tư của các doanh nghiệp đầu đàn (như TNCs), dựa trên lợi thế địa lý/vị trí và nhân công tại các nước đang phát triển/mới nổi, đã tạo ra các mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Thương mại hàng trung gian, linh kiện trở thành “nhân tố năng động trong thương mại toàn cầu”, và cùng với đó là dịch vụ hỗ trợ và kết nối đang gia tăng, nhất là trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Suy tính và cách thức kinh doanh khó có thể không gắn với mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Song trong thế giới phẳng đó vẫn còn không ít gồ ghề, đó là tính bất định gia tăng. Các cú sốc diễn ra thường xuyên hơn (sốc giá, sốc do đảo chiều dịch chuyển vốn, sốc do việc áp dụng các hàng rào bảo hộ kỹ thuật, sốc do khủng hoảng, sốc do thay đổi đột ngột chính sách đối phó, sốc do biến động địa-chính trị). Kết cục là cùng với cạnh tranh khốc liệt, cuộc  chơi trên thị trường không phải lúc nào cũng chỉ đem lại chiến thắng cho doanh nghiệp.

Hiện thực hóa cái NGHIỆP của doanh nhân còn đòi hỏi tinh thần không ngừng học hỏi, sáng tạo trên rất nhiều khía cạnh.

Học tìm kiếm cơ hội kinh doanh:
Cơ hội kinh doanh, thị trường mở rộng (cả chiều ngang và chiều sâu) dựa trên cam kết hội nhập (như FTAs) và lợi thế so sánh. Cơ hội cũng có thể xuất hiện nhờ xác định đúng năng lực (cả năng lực kết nối) trong mạng sản xuất, chuỗi giá trị, và cả trong nắm bắt sự xuất hiện nững lĩnh vực, ngành nghề mới (công nghiệp “xanh”; công nghiệp sáng tạo; kinh tế chia sẻ, Fintech, e-commerce…)

Học kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh:
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có thể được tiếp cận lại theo nhiều góc độ. Song quan trọng là biết chuyển dần từ cách cạnh tranh “bằng giá” sang chú trọng cạnh tranh “phi giá”. Cạnh tranh không loại trừ việc học kết nối trong một thế giới với rất nhiều mạng sản xuất, chuỗi giá trị. Liên kết với công ty đầu đàn, tham gia chuỗi giá trị có thể tăng lợi thế nhờ qui mô, phát huy tốt hơn lợi thế so sánh, giảm phí tổn kết nối dịch vụ. Kết nối còn tạo thêm điều kiện vươn lên trong chuỗi giá trị.

Học quản trị sự bất định:
Thông qua việc hiểu và sử dụng hiệu quả các công cụ phòng chống rủi ro, “biến cái bất định thành cái xác định” (như công cụ phái sinh, bảo hiểm). Nhận thức và bảo đảm đầy đủ yêu cầu tiêu chuẩn, các hàng rào kỹ thuật (nhất là tại các thị trường phát triển) cũng là một cách hạn chế rủi ro đối với các nhà xuất khẩu. Nắm bắt mức độ bất ổn kinh tế vĩ mô để có thể tiên liệu về thay đổi chính sách (sốc chính sách) là cơ sơ cho những điều chỉnh chỉnh bộ phận hay điều chỉnh tổng thể chiến lược kinh doanh.

Học đồng hành với Chính phủ:
Hiểu thông tin cam kết hội nhập là chưa đủ, cần nắm bắt cả những chính sách, cải cách hiện hành và sắp tới của Chính phủ. Các FTAs hiện có rất nhiều đòi hỏi cao đối với các chính sách “sau đường biên giới/ trong nền kinh tế”. Thực tiến kinh doanh cũng là một cơ sở “đắt giá” để Chính phủ có cam kết hội nhập, có chính sách thích hợp hơn. Và điều đó đòi hỏi phải có những trao đổi, đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa doanh nghiệp, hiệp hội với chính phủ.

 Học “đối thoại pháp lý”:

Tranh luận và thực thi bảo đảm hợp đồng kinh doanh và quyền lợi doanh nghiệp dựa trên cơ sở và thủ tục pháp lý phải là một phần không tách rời của đời sống doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng dựa trên các cam kết và chuẩn mực quốc tế. Điều đó chỉ có thể đạt được nhờ không ngừng nâng cao hiểu biết và khả năng vận dụng cơ sở pháp lý cũng như cơ chế, qui trình giải quyết tranh chấp.

Nhận thức được sứ mệnh và nắm bắt cách thức kinh doanh mới là tiền đề, dù quan trọng nhất, để hiện thực hóa cái NGHIỆP của doanh nhân. Bước tiếp theo là xây dựng một chiến lược kinh doanh/phát triển doanh nghiệp (và tương thích là chương trình hành động) thích hợp.

Một chiến lược kinh doanh thường bao gồm những nội dung có tính nguyên tắc sau:

1. Tầm nhìn chiến lược (khát vọng và sứ mệnh kinh doanh);

2. Mục tiêu chiến lược (định tính & định lượng);

3. Các lựa chọn nhiệm vụ, nội dung hay vấn đề cần xử lý;

4. Tác động (lợi ích ròng) của các lựa chọn đối với việc thực hiện mục tiêu;

5. Lựa chọn phương thức thực thi (ưu tiên, trình tự thời gian, không gian, cách thức thực thi, bao gồm cả công tác giám sát) và phí tổn thực thi;

6. Rủi ro, khó khăn có thể phát sinh (cả từ việc thực hiện mục tiêu chiến lược và từ nội tại phương thức thực thi);

7. Rà soát, giải trình, chỉnh sửa chiến lược trong quá trình thực hiện chiến lược.

Không đi sâu xem xét từng nội dung chiến lược, chỉ lưu ý là cách tiếp cận thường thấy trong xây dựng chiến lược kinh doanh/phát triển doanh nghiệp là thiếu sự phân tích sâu sắc tương tác giữa mục tiêu, vấn đề cần xử lý và những thay đổi (về tốc độ, phạm vi) có thể có của môi trường bên ngoài. Nói một cách khác, nguyên tắc xây dựng chiến lược phải luôn bảo đảm nguyên tắc: Khoa học trong linh hoạt. Vấn đề là lập luận xác đáng và có khả năng giải trình cao. Bên cạnh đó, cần tính thêm tính khả thi xét về năng lực bản thân doanh nghiệp. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến “thất bại thực thi”. Một là, hành vi và lợi ích của người/bộ phận thực thi có thể xung đột với việc thực thi. Hai là, chi phí thực thi có thể quá cao. Việc so sánh phí tổn trong sử dụng các phương thức thực thi khác nhau giúp lựa chọn được phương án tối ưu, và do vậy hạn chế đáng kể nguyên nhân này.

Nhìn nhận khái quát, điều cốt lõi trong kinh doanh chính là ngọn lửa đam mê của cái NGHIỆP kinh doanh cộng cái cách kinh doanh đậm TRÍ TUỆ (thể hiện qua tư duy, chiến lược và hành động kinh doanh). Ẩn chứa đằng sau đó là cái đích cao cả nhất: HẠNH PHÚC cho mình, cho cuộc đời và cho đất nước.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành