Cuộc hỗn chiến bông Tân Cương của Mỹ - Trung đang bóp nghẹt ngành xuất nhập khẩu hàng dệt may hai nước

22:59 21/01/2022

Các nhà sản xuất và chủ sở hữu nhà máy may mặc tại Trung Quốc đang phải gánh chịu tác động từ cuộc hỗn chiến Mỹ - Trung, thậm chí ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Giới chuyên gia cho rằng luật mới liên quan đến Tân Cương của Mỹ sẽ bóp nghẹt xuất khẩu các ngành công nghiệp khác của Trung Quốc, buộc số lượng lớn doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi khu vực này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký và ban hành Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức của người Uygur vào tháng trước, ngành công nghiệp may mặc ở tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất của Trung Quốc đã chìm trong “làn khói súng đạn” cuộc chiến giữa hai cường quốc.

Mặc dù nằm cách Tân Cương khoảng 3.300 km (2.000 dặm), các nhà xuất khẩu và chủ nhà máy tại tỉnh ven biển phía nam đất nước gánh chịu áp lực của đạo luật mới nêu trên. Khách hàng nước ngoài đồng loạt cung cấp giấy tờ chứng minh toàn bộ quy trình cung ứng từ nguồn gốc bông đầu nguồn đến thành phẩm. Trong đó, chính phủ Mỹ yêu cầu các bên nhập khẩu nêu rõ bằng chứng chuỗi cung ứng không liên quan đến lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Nếu không có đầy đủ giấy chứng nhận, doanh nghiệp ắt gặp cản trở lớn.

Một giám đốc công ty thương mại điện tử xuyên biên giới có trụ sở tại Quảng Đông cho hay: “Nếu chúng tôi cung cấp bằng chứng như vậy thì chẳng khác nào đồng thuận với đạo luật của Mỹ, chắc chắn công ty chịu áp lực lớn từ dư luận trong nước. Không ai muốn điều đó cả. Nhưng nếu không đủ giấy tờ, hàng hóa chẳng thể nào lưu thông ở Hoa Kỳ”.

Các công ty đa quốc gia quy mô lớn không phải những doanh nghiệp duy nhất vướng vào cuộc hỗn chiến. Ngày càng nhiều nhà xuất khẩu nhỏ lẻ ở Trung Quốc, hầu hết không có đủ nguồn lực tài chính và chính trị, đang rơi vào thế bí, không biết phải đứng về phía nào.

Giới chuyên gia nhận định luật của Hoa Kỳ sẽ bóp nghẹt xuất khẩu của Trung Quốc, buộc lượng lớn các công ty nước ngoài phải chuyển chuỗi cung ứng hoàn toàn khỏi Tân Cương, thậm chí là Trung Quốc.

Nghề trồng bông ở Tân Cương trở thành tâm điểm nhiều vụ cáo buộc cưỡng bức lao động nhưng đồng thời đây là trụ cột nông nghiệp tại khu vực này. Theo Cục Thống kê Quốc gia, sản lượng bông hàng năm của Tân Cương rơi vào khoảng 13 triệu tấn, chiếm 89% tổng sản lượng bông của cả nước năm ngoái. Tuy nhiên nơi đây không xuất khẩu nhiều bông thô hoặc sợi, thay vào đó sản phẩm được đem đi tiêu thụ trong nước hoặc chuyển hóa thành vải, hàng may mặc, dệt bán đi thị trường nước ngoài. Do đó, Tân Cương là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng cho toàn bộ ngành dệt may Trung Quốc nhưng sự phức tạp trong truy xuất nguồn gốc của chuỗi cung ứng khiến hàng hóa khó tiêu thụ hơn bao giờ hết.

Quản lý giấu tên tại nhà máy sản xuất bông chia sẻ: “Các nhà xuất khẩu hàng may mặc phải chứng minh cho phía nhập khẩu của Mỹ biết vải này đến từ đâu, nguồn gốc sợi, xuất xứ của bông cùng hàng loạt giấy tờ khác”. Mỗi quyết định đều buộc phải cân nhắc về cả lập trường chính trị và nhu cầu kinh tế.

Ngành công nghiệp bông tại Tân Cương chịu áp lực kể từ khi cáo buộc lao động cưỡng bức nhen nhóm năm 2020. Một cuộc khảo sát hồi tháng 7/2021 với hơn 90 nhà sản xuất dệt may khắp cả nước cho thấy nhiều nơi tăng sản phẩm nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào bông Tân Cương để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chiếm 86,7% tiêu thụ bông trên cả nước, trong khi bông nhập khẩu chỉ chiếm 9,8%. Đối với một số nhà sản xuất các sản phẩm may mặc như quần áo thể thao, sự việc đơn giản hơn bởi thành phần sử dụng chính là polyester, không phải bông. Tuy nhiên, với các mặt hàng thời trang như quần jeans, cô-tông là nguyên liệu thô chủ yếu, rất khó để hoàn toàn loại bỏ Tân Cương.

Cái khó khác là các công ty xuất khẩu có thể tự khai và cung cấp bằng chứng về việc truy xuất nguồn gốc nhưng đây là cách làm nhạy cảm và rủi ro. Bởi nguyên tắc cơ bản là giấy chứng nhận chính thức sẽ do Chính phủ Trung Quốc cấp, chứng thực một sản phẩm nhất định được sản xuất trong nước nhưng không chỉ rõ khu vực nào. Đây là vấn đề liên quan đến lãnh thổ hải quan, khác với khu vực hành chính. Vậy nên, việc đáp ứng luật Mỹ là điều khó lòng thực hiện được ở Trung Quốc.

Tình huống này rất khó xử. Tất cả các nhà xuất khẩu hàng dệt may đều không thể tránh khỏi vấn đề này. Giá trị hàng dệt may của Trung Quốc đã giảm khoảng 15 tỷ USD vào năm ngoái và năm nay dự kiến còn tồi tệ hơn. Giới quan sát cho rằng kết quả tồi tệ nhất là một cuộc di cư ồ ạt của các công ty nước ngoài chuyển hoạt động ra khỏi Tân Cương hoặc Trung Quốc. Thế nhưng nói thì dễ mà làm thì khó, các doanh nghiệp quốc tế còn có thể tìm được nơi nào khác hấp dẫn hơn thị trường tỉ dân?

TL