Cuộc đụng độ giữa chip quốc tế và chip Trung Quốc cập nhật Windows 11

10:34 07/10/2021

Microsoft đã phát hành Windows 11 vào thứ Ba nhưng nhiều người dùng máy tính cá nhân ở Trung Quốc không thể chuyển sang phiên bản mới nhất của hệ điều hành này vì thiết bị quốc nội thiếu một thành phần quan trọng được gọi là Trusted Platform Module, mô-đun nền tảng đáng tin cậy - tiêu chuẩn quốc tế dành cho bộ xử lý mật mã an toàn (TPM).

Windows 11 yêu cầu cài đặt chip TPM mà Trung Quốc đã từng ra lệnh cấm cách đây nhiều năm
Windows 11 yêu cầu cài đặt chip TPM mà Trung Quốc đã từng ra lệnh cấm cách đây nhiều năm. (Ảnh: internet) 

TPM là một tiêu chuẩn mã hóa quốc tế và chip TPM là một thành phần trên bo mạch chủ cho phép phần cứng tuân theo tiêu chuẩn đó. Chip TPM không chỉ giúp bảo vệ máy tính khỏi sự những cuộc tấn cộng mạng mà còn hỗ trợ một loạt phần mềm thực hiện các tác vụ mã hóa.

Đối với bất kỳ thiết bị nào muốn chạy Windows 11, Microsoft đã đưa ra yêu cầu hệ thống tối thiểu trang bị thiết bị hỗ trợ thông số kỹ thuật TPM 2.0 mới nhất. Tuy nhiên, Trung Quốc đã cấm các chip TPM nước ngoài từ năm 1999 vì lo ngại về an ninh quốc gia và đã áp dụng biện pháp tương tự trong cuộc chạy đua với Mỹ về thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu. Do đó, người dùng PC ở Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn trong quá trình cập nhật lên Windows 11. Trên trang mạng weibo của Trung Quốc tràn ngập các bài đăng như: "Hôm nay, Microsoft đã phát hàng Windows 11. Nhưng các máy tính xách tay Dell được bán ở Trung Quốc đã bị loại bỏ TPM theo chính sách trước đây. Vì vậy, chúng tôi không thể cài đặt bản mới mà mong chờ một phiên bản Windows 11 dành riêng cho thị trường Trung Quốc". 

Các nhà phân tích cho biết, vấn đề có thể khắc phục. Nhà phân tích nghiên cứu của Canalys, Himani Mukka, nói rằng chính phủ Trung Quốc có những yêu cầu đặc biệt nghiêm ngặt để đảm bảo các mô-đun TPM được sản xuất tại Trung Quốc và nằm trong tầm kiểm soát. Theo Mukka: "Một số người dùng ở Trung Quốc có khả năng không cập nhật được hệ điều hành Windows nếu không có sự chấp thuận rõ ràng về TPM từ phía chính phủ". Cũng theo Mukka: "Có thể Microsoft cần thoát khỏi tình huống tiến thoái lưỡng nan này,... thị trường Trung Quốc quá lớn để hãng thực hiện bất kỳ cuộc đàm phán nào". William Li, nhà phân tích chất bán dẫn tại Counterpoint Research, cho biết Microsoft đã cho phép một số hệ thống cập nhật mà không cần bật tính năng TPM. "Các dịch vụ cụ thể đó được điều chỉnh cho phù hợp với các quốc gia không cho phép công nghệ mã hóa gốc, cụ thể là Trung Quốc và Nga", Li nói.

Windows là hệ điều hành phổ biến nhất ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai đồng thời cũng là thị trường PC lớn nhất thế giới. Trong quý 2 năm nay, tổng lượng PC xuất xưởng tại Trung Quốc đạt 19,4 triệu chiếc. Theo Chủ tịch Brad Smith, tháng 1 năm 2020, Trung Quốc đóng góp ít hơn 2% doanh thu hàng năm của Microsoft, tương đương khoảng 2 tỷ đô la Mỹ. Trong một ghi chú được công bố vào tháng 6, Microsoft cho biết hãng đã cho phép các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) có thể xuất xưởng PC chạy Windows 11 mà không có chip TPM.

Lệnh cấm của Trung Quốc đối với chip TPM nước ngoài đã gây ra tranh cãi trong nhiều năm. Tiêu chuẩn TPM, được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2003 bởi Trusted Computing Group (TCG), một liên minh của các nhà sản xuất phần cứng quốc tế bao gồm Intel, IBM, HP và Sony bị Bắc Kinh đánh giá là thiếu tin cậy. Để chống lại tiêu chuẩn này, Trung Quốc đã triển khai phiên bản riêng của đất nước là TCM với sự ra mắt của chip Hengzhi do Lenovo phát triển vào năm 2005.

Năm 2010, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ đã chỉ trích Trung Quốc vì đã đơn phương phát triển TCM làm phức tạp hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong một báo cáo, cơ quan này chỉ ra: "Sự phát triển của TCM ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi mong muốn giảm tiền bản quyền cho các bằng sáng chế trong bộ tiêu chuẩn công nghệ của TCG, và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tương tác và chuỗi cung ứng tích hợp toàn cầu".

Các công ty máy tính cũng bị lôi kéo vào cuộc chiến giữa TPM và TCM. Năm 2005, HP âm thầm muốn giữ lại các chip TPM đã ngừng hoạt động bên trong máy tính của hãng ở Trung Quốc nhưng rồi buộc phải loại bỏ chip này sau đó. năm 2012, The Registier báo cáo rằng Intel cố gắng để đạt được thỏa thuận với các cơ quan quản lý Trung Quốc hỗ trợ TCM có thể tương tác với phần còn lại của thế giới.

Trước khi phát hành Windows 11, Microsoft đã tích cực vận động hành lang cho TPM, nói rằng, mô-đun sẽ mang lại những lợi ích lớn về mặt an toàn cho thiết bị. Ở cấp độ cơ bản nhất, chip TPM đóng vai trò quan trọng trong việc khóa máy tính xách tay khi bị đánh cắp hoặc bị tin tặc tấn công. TPM cũng giúp các ứng dụng email như Outlook xử lý các thư được mã hóa và các trình duyệt web bao gồm Firefox và Chrome duy trì tiêu chuẩn của công nghệ bảo mật SSL cho các trang web. TPM cũng rất cần thiết cho máy tính chạy phần mềm chống gian lận cho trò chơi điện tử.

Vài ngày trước khi Windows 11 ra mắt, nhiều người đam mê công nghệ máy tính đã phát hành những công cụ vượt tường lửa khác nhau để giúp các PC không đủ tiêu chuẩn gian lận trong quá trình kiểm tra TPM của Windows 11. Tuy nhiên, cách giải quyết này đòi hỏi trình độ hiểu biết cao về công nghệ. Được biết, tất cả các PC trên khắp thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi yêu cầu nghiêm ngặt của Microsoft đối với TPM 2.0. Nghiên cứu gần đây được công bố bởi trang web quản lý CNTT Lansweeper đã kiểm tra 30 triệu thiết bị Windows, cho thấy gần một nửa số máy được khảo sát không được kích hoạt TPM.

Khi Microsoft lần đầu tiên công bố Windows 11 và các yêu cầu hệ thống tối thiểu, giá chip TPM đã tăng vọt khi các bên cung ứng nhanh tay tích trữ thành phần công nghệ. Theo ảnh chụp màn hình được chia sẻ trên Twitter, một số loại chip TPM có giá tăng từ 24,9 đô la lên 99,9 đô chỉ trong 12 giờ.

TL