Cuộc đua lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa

19:50 22/07/2021

Thị trường hàng không vận chuyển hàng hóa thời gian qua trở nên sôi động thông qua những kế hoạch tham gia của các hãng bay trong nước. Theo các nhà phân tích, vận tải hàng hóa đang là điểm tựa cho ngành hàng không Việt Nam trong ngắn hạn, trong bối cảnh vận tải hành khách sụt giảm mạnh. Có thể đây sẽ là bước đệm cho các hãng bay chuyển mình vào một thị trường được đánh giá là rộng lớn.

Tại ĐHCĐ thường niên 2021 mới đây, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, doanh nghiệp đã lên kế hoạch thành lập hãng bay chuyên chở hàng hóa. Kế hoạch thành được xây dựng trên giả định Vietnam Airlines hoàn thành bán 11 máy bay A321. Ngoài ra, Chính phủ cho phép mở cửa đón khách đến Phú Quốc, áp dụng hộ chiếu vaccine, hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng và có các biện pháp hỗ trợ khác...

Với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, mảng chở hàng đã mang lại hiệu quả, trong khi đó mảng vận chuyển hành khách gần như đứng im trong vài tháng nay. Cụ thể, doanh thu hàng hóa của Vietnam Airlines tăng nhanh, từ 10% trước đây lên 30%. Thậm chí trong tháng 6 đầu năm, doanh thu hàng hóa còn vượt cả doanh thu hành khách.

  Thị trường hàng không vận chuyển hàng hóa thời gian qua trở nên sôi động thông qua những kế hoạch tham gia của các hãng bay trong nước. 

Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy Vietnam Airlines quyết tâm thành lập hãng cargo có lẽ đến từ sự rầm rộ gia nhập cuộc đua của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn trong thời gian gần đây.

Hồi trung tuần tháng 6, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đã đưa ra đề xuất thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo, hướng tới mục tiêu vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 2.400 tỉ đồng, dự kiến cất cánh vào năm sau. Hãng bay này sẽ kết nối với hệ thống kho bãi đang xây dựng, vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa và đạt doanh thu 71 triệu đô la. Tuy nhiên trong giai đoạn này thì Cục Hàng không vẫn chưa xem xét đề xuất của doanh nghiệp này.

Trong khi đó, các hãng bay còn lại như Bamboo Airways hay Vietjet Air mới đây cũng úp mở với cổ đông về khả năng thành lập hãng bay chuyên chở hàng hóa.

Năm ngoái, Vietjet Air là hãng bay đầu tiên trong nước áp dụng phương án tháo dỡ ghế hành khách để vận tải hàng hóa. Trong giai đoạn này, lượng hàng hóa hãng vận chuyển đạt hơn 60.000 tấn giữa các nước, doanh thu vận tải hàng hoá tăng 75% so với năm trước. Chỉ trong quí 4-2020, doanh thu bán vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước của Vietjet Air tăng nhanh, đạt 75%, cả năm 2020 tăng trưởng 16%.

Mới đây, Vietjet và hãng chuyển phát UPS (Mỹ) ký một thỏa thuận gia tăng năng lực khai thác vận tải hàng hóa trong nước và quốc tế. Theo đó, Vietjet có quyền tiếp cận các chuyến bay trên mạng lưới vận chuyển hàng hóa quốc tế của UPS từ châu Á, trong khi hãng chuyển phát nhanh của Mỹ sẽ có thể sử dụng các dịch vụ của Vietjet tại Việt Nam, Thái Lan và khu vực châu Á.

Với Bamboo Airways, mới đây lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đã chia sẻ về tham vọng của hãng về lĩnh vực vận chuyển hàng hóa. Trước đó, hãng này cũng đã triển khai và xây dựng bộ tiêu chuẩn vận chuyển hàng hóa theo tiêu chuẩn của IATA, phát triển các đường bay chở hàng định kỳ như tuyến Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc). Vì vậy, Bamboo Airways sẽ phát triển những máy bay chuyên dụng chở hàng hoá và lên kế hoạch cho ra đời Bamboo Airways Cargo.

Trước đây, Việt Nam có 2 hãng hàng không đăng ký thực hiện bay vận chuyển hàng hóa nhưng chưa bay đã phá sản là Trai Thien Air Cargo và Tín Nghĩa Express. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ này nhưng phần lớn chuyên gia nhận định vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam vẫn phải quá cảnh nhiều nơi chứ chưa có đường bay thẳng đến châu Âu hay Mỹ. Đây là yếu tố mà các doanh nghiệp đang có ý định bước chân vào phải cân nhắc và tính toán kỹ để đảm bảo không đi vào vết xe đổ trước đó.

Nhiều lý do khiến hàng không Việt chuyên chở hàng hóa khó cạnh tranh với các hãng nước ngoài nhưng hiện nay hệ thống logistics của Việt Nam chưa phát triển, công nghệ đi chậm hơn so với thế giới khá xa. Chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn nhiều so với thế giới, làm giảm sức cạnh tranh vì các kho hàng, bến bãi, vận chuyển chưa được đầu tư những hệ thống tự động để giải phóng hàng hóa nhanh cho doanh nghiệp.

Để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các khối ngoại có lẽ các hãng bay nội cần đầu tư mạnh vào một hệ sinh thái logistics, mạng lưới bay chứ không đơn thuần chỉ là máy bay. Đó cũng là lý do khiến kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực này của IPP Air Cargo gồm rất nhiều hạng mục và chi phí rất lớn.

P.V