'Cuộc đua' khắc nghiệt của doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến

00:00 12/10/2020

Thương vụ sáp nhập giữa Tiki và Sendo có thể bị dừng vô thời hạn càng cho thấy “cuộc đua” khắc nghiệt xen lẫn giữa sôi động, xu hướng thâu tóm lẫn cầm cự hoặc suy tàn ở các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến hàng đầu Việt Nam.

Thông tin mới đây từ Deal Street Asia đang thu hút sự chú ý của những người kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) khi thương vụ sáp nhập giữa hai “ông lớn” bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam là Tiki và Sendo vốn được dấy lên từ tháng 2/2020, thậm chí cách đây 2 tháng đã đạt được thoả thuận sáp nhập,  nhưng đến nay xem như bị ngưng vô thời hạn.

Sôi động xen lẫn khốc liệt

Điều này thậm chí gây thất vọng cho dư luận vốn đã từng kỳ vọng rất nhiều là qua thương vụ sáp nhập sẽ tạo ra một vị thế mới cho cả hai trang TMĐT nội trong cuộc đua với 2 đối thủ ngoại là Shopee và Lazada.

HINH-2006-1595326886.jpg

 

Thị trường TMĐT ở Việt Nam vẫn đang có những dự đoán lạc quan mặc cho sức tác động của dịch Covid-19

Có nhiều lý do được đưa ra cho sự lỡ dở “mối lương duyên” giữa Tiki và Sendo, như: ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ sáp nhập biến động theo hướng có lợi cho một trong hai bên, không tạo ra bất kỳ ý nghĩa chiến lược nào…

Tuy nhiên, dù sáp nhập thành công hay không thành trong thương vụ này vẫn có thể thấy sức sôi động xen lẫn khốc liệt ở nhóm doanh nghiệp (DN) ngành bán lẻ trực tuyến.

Bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó tổng giám đốc quản lý Sàn Tiki, đã từng chia sẻ, cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT là rất khắc nghiệt. TMĐT là kênh đầu tư lâu dài, không có kết quả gặt hái ngay mà là cả "bài toán" cần thời gian để giải.

Trong khi đó, thị trường TMĐT ở Việt Nam vẫn đang có những dự đoán khá lạc quan mặc cho sức tác động của dịch Covid-19, nhất là khi tỷ lệ thâm nhập của Internet vào đời sống gia tăng. 

Hiện tại, mức độ tiếp cận và sử dụng internet của người Việt Nam đã ở mức cao so với khu vực. Thêm vào đó, sự phát triển của điện thoại thông minh cùng với xu hướng tiêu dùng tiện lợi đã dẫn tới xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng.

Đồng thời, với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa và TMĐT hứa hẹn những nguồn cung mới, hấp dẫn và hiệu quả cho thị trường bán lẻ hàng hóa Việt, đi kèm với kỳ vọng về sự sôi động của thị trường này.

Theo khảo sát trước đây, các sàn bán lẻ trực tuyến dẫn đầu theo độ phổ biến ở Việt Nam là Shopee (75%), Lazada (70%), Tiki (58%), Facebook (54%), Sendo (44%), Adayroi (25%).

Trong đó, Tiki và Sendo là những DN TMĐT trong nước còn trụ lại trong cuộc chiến giành thị phần tại Việt Nam. Hai nền tảng này luôn nằm trong 4 vị trí dẫn đầu thị trường về lượt truy cập website và người dùng ứng dụng cùng với Lazada và Shopee.

Điểm đáng chú ý là mẫu số chung cho sự thành công của các nền tảng bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam là thu hút được một tỷ lệ đáng kể đầu tư nước ngoài.

Vốn ngoại có trụ vững?

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), những sàn bán lẻ trực tuyến (B2C) hàng đầu hiện nay như Shopee.vn, Lazada.vn, Tiki.vn, Sendo.vn đều thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài, hoặc có tỷ lệ vốn góp nước ngoài cao.

Đơn cử như DN bán lẻ trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc là JD.com là cổ đông lớn sở hữu 20,03% cổ phần của Tiki. Ngoài ra, một loạt cổ đông ngoại khác cũng rót vốn vào Tiki như Success Elite Holdings Limited, Sakshi Jawa, Henry Low Kwee Kok. 

Cần nhắc lại, cách đây 2 năm, lỗ luỹ kế của Tiki là 1.400 tỷ đồng, nhưng không vì thế mà việc gọi vốn của DN bị trì hoãn. Tính đến thời điểm tháng 5/2020, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông ngoại tại sàn bán lẻ trực tuyến này đã tăng từ 49,714% lên 54,501%.

“Tiềm năng cho mô hình sàn TMĐT rất lớn, nhưng cuộc cạnh tranh cũng khốc liệt. Nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã nhảy vào lĩnh vực này, nhưng phải rời bỏ khá nhanh”, báo cáo trong Chỉ số TMĐT Việt Nam 2020 được công bố gần đây lưu ý.

Chẳng hạn, tháng 1/2020, sàn Lotte.vn của Tập đoàn Lotte đã ngừng hoạt động ở Việt Nam. Trước đó, tháng 12/2019, sàn Adayroi.com của Tập đoàn Vingroup tuyên bố đóng cửa sau khi bước vào thị trường được vài năm. Còn trước đó nữa là sàn TMĐT kinh doanh thời trang Robins.vn của Tập đoàn Central Group đóng cửa vào tháng 3/2019.

Vài năm trước, nhiều sàn TMĐT phải ra đi hoặc bán lại sau thời gian hoạt động khá ngắn như Lingo.vn, Deca.vn, Beyeu.com, Lamdieu.com, Foreva.vn, Zalora, Foodpanda. Hầu hết những sàn này thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, hoặc nhận được đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài.

Những năm qua, TMĐT Việt Nam cũng chứng kiến sự sôi động và suy tàn tương đối nhanh của mô hình mua theo nhóm (groupon). Từ hàng chục sàn mua theo nhóm hoạt động rầm rộ tới nay chỉ còn vài sàn hoạt động, nổi bật là Hotdeal.vn. Những sàn phải đóng cửa có cả của nhà đầu tư trong nước và các sàn nhận được đầu tư nước ngoài.

Theo giới chuyên gia, "cuộc đua" giữa các DN bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam hiện nay là việc mở rộng quy mô mạng lưới với độ phủ lớn nhằm củng cố sức mạnh thương hiệu của DN.

Có thể thấy rõ sự cạnh tranh khốc liệt giữa các DN trong ngành này, với thực trạng một số mở rộng quy mô, tăng vốn ngoại, nhắm đến thâu tóm, mở rộng thị phần, trong khi số khác phải đối mặt với việc tái cấu trúc. 

Nếu nhìn lại những đợt rút lui trước đây, nguồn vốn ngoại hiện tại ở ngành bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam có trụ vững trong tương lai hay không vẫn là dấu hỏi lớn.                                                                  

Thế Vinh