Cuộc chiến của 2 tỷ phú giàu nhất thế giới: Jeff Bezos phản đối hợp đồng mới nhất từ NASA đối với SpaceX

14:23 28/04/2021

Blue Origin đang phản đối quyết định của NASA khi trao hợp đồng trị giá 2,9 tỷ đô la cho SpaceX để chế tạo phương tiện đưa các phi hành gia tiếp theo lên mặt trăng.

Động thái này làm gia tăng thêm sức nóng của cuộc chiến kéo dài nhiều năm giữa 2 công ty tên lửa thuộc sở hữu của hai tỷ phú giàu nhất thế giới: Jeff Bezos, người thành lập Blue Origin và Elon Musk, CEO của SpaceX.

cuộc chiến kéo dài nhiều năm giữa 2 công ty tên lửa thuộc sở hữu của hai người đàn ông giàu nhất thế giới

Cuộc chiến đã kéo dài nhiều năm giữa 2 công ty tên lửa thuộc sở hữu của hai người đàn ông giàu nhất thế giới
Tranh chấp tập trung vào chương trình Hệ thống hạ cánh con người (HLS) phát triển bởi NASA, ban đầu nhằm mục đích có ít nhất hai công ty tư nhân cạnh tranh để chế tạo tàu vũ trụ đưa các phi hành gia lên bề mặt mặt trăng với sứ mệnh chinh phục lên mặt trăng của cơ quan vũ trụ. Nhưng vào đầu tháng này, NASA đã đưa ra thông báo bất ngờ rằng họ sẽ tiến tới hợp tác với SpaceX với tư cách là nhà thầu duy nhất cho dự án, với lý do chi phí là lý do chính cho quyết định này. 
Giám đốc điều hành Blue Origin, Bob Smith nói với The Times trong một cuộc phỏng vấn trong tuần này rằng, quyết định của NASA là sai lầm vì đã đánh giá sai lợi thế của Blue Origin và hạ thấp các thách thức kỹ thuật trong SpaceX.
SpaceX đã không trả lời yêu cầu bình luận, nhưng Musk đã tiếp tục đăng lên tweet, đề cập đến thiết kế tàu đổ bộ mặt trăng của Blue Origin "không thể đi lên quỹ đạo". 
Dòng tweet của tỷ phú Elon Musk
Dòng tweet của tỷ phú Elon Musk.
Cùng với Blue Origin, công ty thứ ba đang cạnh tranh các hợp đồng HLS, Dynetics có trụ sở tại Alabama, cũng phản đối quyết định của NASA.
Cả Blue Origin và Dynetics đều lập luận trong đơn khiếu nại của họ, họ đã đệ trình lên Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO) vào tuần này, rằng NASA đã không đánh giá đúng giá thầu của họ và buộc cơ quan vũ trụ này phải xem xét lại. Chính phủ có 100 ngày - hoặc cho đến ngày 4 tháng 8 năm 2021 - để đưa ra phán quyết về việc liệu các cuộc phản đối này có xứng đáng hay không.
Việc phản đối các quyết định hợp đồng như vậy là phổ biến, đặc biệt là trong ngành hàng không vũ trụ, nơi NASA và quân đội Hoa Kỳ là khách hàng chính của các nhà chế tạo tên lửa và việc thắng hay thua có thể có tác động lớn đến lợi nhuận của công ty.
"Theo cách của NASA, họ đã đưa ra một lựa chọn có tính rủi ro cao" Blue Origin cho biết trong một tuyên bố. "Quyết định của họ loại bỏ cơ hội cạnh tranh và không chỉ làm chậm trễ mà còn gây nguy hiểm cho tham vọng Mỹ quay trở lại Mặt trăng. Do đó, chúng tôi đã đệ đơn phản đối lên GAO."
Blue Origin đã đề xuất làm việc với tư cách là "Đội ngũ quốc gia" cho chương trình HLS cùng với các nhà thầu chính phủ thường xuyên như Northrop Grumman và Lockheed Martin để thiết kế một tàu đổ bộ mặt trăng đặc biệt phục vụ trạm vũ trụ, được gọi là Gateway, mà NASA dự định đưa vào quỹ đạo xung quanh mặt trăng. Dynetics đã đưa ra một đề xuất tương tự.
Tuy nhiên, SpaceX đã đề xuất sử dụng Starship, một tàu vũ trụ và hệ thống tên lửa khổng lồ hiện đang trong giai đoạn phát triển ban đầu ở Nam Texas. Mục tiêu chính của SpaceX đối với Starship là đưa con người lên sao Hỏa, nhưng công ty đã đề xuất sử dụng một phiên bản sửa đổi để phục vụ chương trình mặt trăng Artemis của NASA.
Mẫu thiết kế của Starship
Mẫu thiết kế của Starship.
Mặc dù về mặt lý thuyết, phương tiện này sẽ có khả năng đưa các phi hành gia từ Trái đất trực tiếp lên bề mặt Mặt trăng, NASA có kế hoạch sử dụng phương tiện này song song với tên lửa và tàu vũ trụ của riêng mình là: Hệ thống Phóng Không gian (SLS) và Orion.
Các quan chức NASA cho biết trong một cuộc gọi báo chí vào đầu tháng này rằng, theo kế hoạch hiện tại, SLS sẽ chở các phi hành gia lên quỹ đạo của mặt trăng, sau đó phi hành đoàn sẽ chuyển đến trạm vũ trụ Gateway, và từ đó, Tàu vũ trụ của SpaceX sẽ chở các phi hành gia đến bề mặt mặt trăng.
Bảo Bảo (Theo CNN)