Cục ATTP đẩy mạnh kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng

00:00 12/10/2020

Thông tin này được ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho biết khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ.

Lô sản phẩm bị thu hồi của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng ZN

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) và thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) trước khi bán ra thị trường đều phải được thẩm định theo quy định về mặt an toàn, công dụng của sản phẩm và các cảnh báo.

Tuy nhiên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, thời gian nhiều trang bán hàng online có một số sản phẩm liên quan đến sức khỏe, mỹ phẩm, thuốc đông y được chào bán mà “không đăng ký, không công bố với cơ quan quản lý, hay nói cách khác là lưu hành bất hợp pháp” – ông Phong nói.

Phổ biến là việc người bán hàng sử dụng mạng xã hội để bán hàng TPCN, TPBVSK, nhiều đối tượng thậm chí sử dụng hình ảnh, phát ngôn người nổi tiếng để quảng cáo.

Đồng thời, Nhiều người tham gia vào quảng cáo sai quy định do không hiểu biết về các quy định của pháp luật, qua đó “vô hình chung tiếp tay cho sai phạm đó, đặc biệt là sản phẩm làm đẹp, trong đó có một số sản phẩm TPCN giảm cân”.

Về hình thức sai phạm, ông Phong cho biết có nhiều nội dung quảng cáo hoàn toàn sai sự thật, thậm chí có nơi còn tổ chức tư vấn qua điện thoại, đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm làm đẹp, giảm cân. Có sản phẩm quảng cáo ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn, nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra, nhiều dược sĩ, bác sĩ đó không có kiến thức về dinh dưỡng, thậm chí chỉ sinh viên mới ra trường, chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học, đóng giả làm bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Dù đã có quy định cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo, thông tin về sản phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng nhiều cán bộ y tế vẫn tham gia vì nhiều lý do khác nhau. Nhiều doanh nghiệp khi cơ quan quản lý mời lên làm việc còn không thừa nhận sản phẩm của mình quảng cáo trên các trang web đó. Có doanh nghiệp công bố thực phẩm dạng bột, nhưng lại sản xuất dạng viên, hoặc ghi công dụng hoàn toàn khác với công bố…

Về ngăn chặn, xử lý tình trạng này, ông Phong cho biết, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực, Cục ATTP đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý rất nhiều vụ, ngăn chặn nhiều sản phẩm vi phạm, song thực trạng này vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm đã thành lập 5 đoàn thanh tra kiểm tra, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, xử phạt hàng chục trường hợp, với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.

Cục cũng thường xuyên có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương, Ban quản lý ATTP các tỉnh, thành triển khai thanh kiểm tra trên địa bàn, tập trung vào các nội dung về công bố tiêu chuẩn sản phẩm, quảng cáo sản phẩm...

Đồng thời, phối hợp với Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình, Bộ TT&TT, công khai thông tin các sản phẩm vi phạm, cũng như xử lý các trang web quảng cáo sản phẩm sai phạm, để người tiêu dùng biết và thận trọng khi mua các sản phẩm trên trang các web đó.

Tuy nhiên, ông Phong cho biết, dù đã áp dụng các biện pháp giám sát, xử lý quyết liệt như vậy, vẫn có tình trạng nhiều sản phẩm đã bị rút giấy phép đăng ký nhưng doanh nghiệp vẫn lén lút sản xuất.

Chẳng hạn, Cục ATTP sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ mang thương hiệu “Nhi TW” đã bị rút giấy phép, nhưng vẫn có một cơ sở ở Bắc Giang bán. Qua kiểm tra, Ban quản lý ATTP tỉnh Bắc Giang đã thu giữ và làm rõ việc công ty này gia công trên 3.000 hộp sản phẩm sau khi đã bị rút giấy phép.

Đáng chú ý, theo Cục trưởng Cục ATTP, có những trường hợp doanh nghiệp không nhận sản phẩm trên trang web quảng cáo vi phạm. Với những trường hợp này, bên cạnh việc đưa thông tin cảnh báo công khai, Cục chuyển thông tin vi phạm sang Bộ TT&TT để xử lý trên trang mạng.  Tuy nhiên, có một số trường hợp máy chủ đặt tại nước ngoài nên cũng rất khó – ông Phong cho biết.

Đặc biệt, Cục ATTP đã yêu cầu các Sở Y tế, Ban quản lý ATTP các địa phương lấy mẫu trên diện rộng, tập trung vào nhóm TPCN giảm cân để đánh giá chất lượng và an toàn, ưu tiên giám sát chỉ tiêu Sibutramine – một hoạt chất đã bị cấm sử dụng từ năm 2011.

Theo ông Phong, hiện các tỉnh đều có thể tự xét nghiệm hoạt chất Sibutramine trong sản phẩm. Cục sẽ công khai danh tính các sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm về hàm lượng Sibutramine để người dân được biết.

Mới nhất, Cục ATTP đã thu hồi lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm bổ sung do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng ZN (địa chỉ: 89/994E Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp, TPHCM) sản xuất, kinh doanh do kết quả kiểm nghiệm phát hiện có chứa Sibutramine và không đạt chỉ tiêu về linh chi, tổng số bào tử nấm men nấm mốc. Đó là lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà thảo mộc Hoa Sâm Đất, NSX: 25/1/2018, HSD: 25/1/2019.

Hải Nam