Cửa nào cho doanh nghiệp bán lẻ?

00:00 12/10/2020

Từ đầu năm đến nay, đặc biệt là sau dịch Covid-19, hàng loạt cửa hàng đóng cửa, trả mặt bằng, các trung tâm mua sắm vắng khách. Doanh thu sụt giảm thê thảm khiến doanh nghiệp (DN) phải thay đổi chiến lược kinh doanh.

bai-2-2-5905-1594608127.jpg

Sa sút vì dịch bệnh

Cuối tháng 6/2020, Công ty CP Thế Giới Di Động (MWG) đã đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ. Tham gia thị trường hồi tháng 8/2019, DN này đặt mục tiêu đạt 30 cửa hàng vào cuối năm 2019, thế nhưng đến tháng 1/2020, chuỗi này mới đạt 17 cửa hàng và đến tháng 6/2020 thì đóng cửa hẳn. Lý do “khai tử” mô hình kinh doanh này được MWG thông báo là để chuyển sang mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, theo giới phân tích, một trong những lý do khiến hệ thống này đóng cửa vì định vị phân khúc khách hàng chưa đúng, thêm vào đó, sức mua điện thoại di động giảm đáng kể, đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 xảy ra, vì thế rất khó để Điện Thoại Siêu Rẻ phát triển.

Đại diện MWG cho rằng, tổng cầu tiêu dùng điện thoại di động và điện máy năm 2020 sẽ giảm do dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Cuối năm 2019, MWG đưa ra mục tiêu doanh thu năm 2020 là 122.445 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế là 4.835 tỷ đồng, tăng 26%. Thế nhưng, do ảnh hưởng từ đại dịch, MWG phải hạ chỉ tiêu kinh doanh xuống còn 110.000 tỷ đồng doanh thu và 3.450 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay.

Thời gian qua, rất nhiều DN phải trả mặt bằng, thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự hoặc cố gắng duy trì đội ngũ nhưng giảm lương, thay đổi mô hình sang online hay tìm kiếm nguồn doanh thu khác. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, doanh thu của Saigon Co.op - đơn vị vận hành gần 1.000 điểm bán với các thương hiệu Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile, trong đại dịch đã giảm đến 50% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, các hệ thống bán lẻ của Satra, Lotte... cũng giảm 50% doanh thu trong thời điểm này. Trong quý II/2020, dù dịch bệnh được kiểm soát nhưng doanh thu của Saigon Co.op cũng giảm đến 1.000 tỷ đồng.

Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, sau dịch, DN khó khăn, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng nên việc tăng doanh thu là rất khó. Mặc dù để kích cầu tiêu dùng, Saigon Co.op đã kết hợp với các DN tổ chức khuyến mãi lớn nhưng xem ra doanh số chỉ nhích lên chứ không như mong đợi.

Theo Công ty JLL, lượng khách hàng tại nhiều trung tâm bán lẻ ở TP.HCM đã giảm 80% trong tháng 2, tháng 3. Chính sự sụt giảm của lượng khách du lịch quốc tế tác động mạnh đến thị trường bán lẻ hàng xa xỉ. Trong khi đó, các cửa hàng vừa và nhỏ được sở hữu và vận hành bởi các hộ gia đình càng khó hơn. Do buôn bán ế ẩm, thu không đủ bù chi, khó có thể duy trì nên nhiều người đành phải trả mặt bằng trước thời hạn.

Cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, bà Nguyễn Thị Điền - Tổng giám đốc Công ty An Phước chia sẻ, với thị trường xuất khẩu, An Phước chỉ làm những đơn hàng cũ, nay vẫn chưa có đơn hàng mới. Hiện các đối tác của thị trường Nhật Bản và Đức vẫn đang bỏ ngỏ kế hoạch đặt hàng cho năm 2020. Trong nước, doanh số của Công ty cũng không mấy khả quan khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Hiện chỉ có mảng may đồng phục công sở tạo doanh thu và giúp An Phước xoay xở trước khó khăn. “Đóng cửa mặt bằng là giải pháp đơn giản nhất để cắt lỗ, bảo toàn dòng tiền. Thế nhưng, vì thương hiệu, An Phước vẫn phải gồng mình với 140 cửa hàng, dù không ít cửa hàng thu không đủ bù chi”, bà Nguyễn Thị Điền cho biết.

bai-2-Dong-Khoi-9-2042-1594608127.jpg

Thay đổi chiến lược kinh doanh

Thời điểm cuối năm 2019 đã có nhiều dự báo cho rằng ngành kinh doanh bán lẻ sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2020. Thế nhưng, Covid-19 đã khiến cho mọi dự báo khả quan trở thành vô nghĩa khi doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sụt giảm chưa từng có. Đánh giá sự sụt giảm này, Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, cơ cấu tiêu dùng của người dân từ sau Tết Nguyên đán đã thay đổi, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Điều này khiến hầu hết DN kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu giảm doanh thu, có thời điểm không có doanh thu. Thậm chí, trong thời điểm có những ngày nghỉ lễ như giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4, 1/5, doanh thu thương mại và dịch vụ của Thành phố vẫn không thay đổi đáng kể.

Chính khó khăn đó đã buộc các DN phải thay đổi phương thức kinh doanh. Một trong những chiến lược được DN chú trọng trong thời gian này là đẩy mạnh kinh doanh online. Hiện các hệ thống bán lẻ Co.opmart, Lotte Mart, Aeon, Big C... đều đẩy mạnh kinh doanh online bên cạnh offline. Ngay cả như thương hiệu chuyên làm hàng xuất khẩu là TMTM cũng hướng đến kênh bán hàng này. Bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TMTM cho biết, công ty đang tính toán để phát triển thị trường nội địa, trong đó đặc biệt là phát triển kênh online.

Trong khi đó, MWG thì cùng với việc hạ chỉ tiêu kinh doanh cũng thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng phát triển bán lẻ hàng hóa tổng hợp, tăng kinh doanh online, trong đó chú trọng hàng thực phẩm tươi sống. Đó là lý do dù khó khăn nhưng MWG vẫn không ngừng mở chuỗi bán lẻ Bách hóa Xanh, đẩy mạnh phát triển ngành hàng thực phẩm tươi sống. Chỉ từ ngày 30/6 - 6/7/2020 đã có 29 cửa hàng Bách hóa Xanh đi vào hoạt động. Có 8 cửa hàng khai trương trong hai ngày 7 và 8/7/2020. Ra đời năm 2018 và cho đến ngày 6/7/2020, chuỗi Bách hóa Xanh đã đạt 1.518 cửa hàng. Trong kế hoạch của DN này, đến cuối năm sẽ có khoảng 2.000 cửa hàng ở 25 tỉnh, thành từ Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hòa trở vào, và đến năm 2021, tăng thêm 500-600 cửa hàng ở những tỉnh thành trên.

Bà Võ Thị Phương Mai - Phó giám đốc, Trưởng Bộ phận dịch vụ mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam cho rằng, chính bán lẻ trực tuyến đã hỗ trợ việc kinh doanh liên tục ở các cửa hàng truyền thống trong thời gian dịch bệnh và cũng giúp cho khả năng bán hàng đa kênh linh hoạt và vượt trội hơn trong thời gian tới. Với hơn 70% dân số kết nối Internet, bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa. Vì vậy, đầu tư vào nền tảng công nghệ, bán hàng đa kênh trở thành xu hướng mới đối với các nhà bán lẻ.

Hồng Nga