Cú hích kép từ Nghị định 100

00:00 12/10/2020

Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định xử phạt với tất cả những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, kể cả tài xế xe đạp, xe máy khi hơi thở có nồng độ cồn bất kể mức nào, với chế tài cao nhất lên đến 40 triệu đồng đã thực sự là cú hích kép.

Nghị định không chỉ giúp giảm thiểu các tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu, bia, mà còn giúp thay đổi dần văn hóa uống rượu bia vốn đã ăn sâu vào đời sống của đông đảo nhân dân từ lâu đời. Trong đó, đối với công nhân cán bộ TKV, đây cũng là cơ hội để tự thay đổi mình. Và thực tế, sau hơn hai tháng Nghị định đi vào cuộc sống, văn hóa uống rượu, sinh hoạt trong công nhân, cán bộ TKV đã thực sự có nhiều thay đổi tích cực.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại một hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 diễn ra vào đầu tháng 1/2020 của Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc – VVMI tổ chức tại Thái Nguyên, sau khi kết thúc hội nghị, theo thông lệ, các đại biểu được mời dùng cơm trưa. Tuy nhiên, điều khác biệt trong các mâm cơm lần này là không có rượu, bia và nước uống có cồn. Thay vào đó là những chai nước ngọt, nước lọc. Quan sát, tôi thấy mọi người tại các mâm ngồi ăn cơm và nói chuyện rất vui vẻ, không ai đứng dậy đi chúc mâm này, mâm khác như trước đây. Anh bạn ngồi cạnh tôi nói nhỏ: “Nhiều đồ ăn ngon, nhưng thiếu tí rượu khó ăn quá. Nhưng chắc rồi cũng quen dần thôi…”. Cùng chung tâm sự với anh bạn trên có khá nhiều người ủng hộ quan điểm này. Các ý kiến đều cho rằng, địa bàn Thái Nguyên là một trong những vùng miền núi có văn hóa uống rượu trong các bữa ăn khá mạnh. Thường thì các nhân vật trong bữa ăn mang chén đi chúc rồi cạn chén với hầu hết các mâm trong bữa tiệc với đủ các lý do như chúc sức khỏe, lâu này không gặp, chúc mừng sinh nhật hay có những tin vui mới v.v. Cũng hầu như sau cuộc uống rượu, các nhân vật cũng tự lái xe về nhà và đã có những trường hợp xảy ra tai nạn giao thông đáng tiếc. Do vậy, nghị định 100 ra đời với chế tài mạnh khiến cho đa phần những người uống rượu phải chủ động hơn trước khi ngồi vào bàn tiệc.

Đó là về những người biết uống rượu, còn những người không biết uống rượu thì Nghị định 100 chính là lý do chính đáng nhất để từ chối uống rượu. Anh bạn tôi làm việc ở Công ty than Mông Dương, có lần bị chuốc rượu say đến mức sợ uống rượu. Vì biết khó từ chối, có lần đi ăn cùng bạn bè liền viết vào một tờ giấy dòng chữ: “Tôi không biết uống rượu. Xin đừng ép tôi” rồi dán lên lưng. Chuyện hơi lạ nhưng có thật. Và bây giờ, Nghị định 100 cùng với 1 chiếc chìa khóa xe đã giúp anh có lý do chính đáng để từ chối uống rượu.

Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị Tập đoàn để thực hiện tốt Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tin tưởng rằng, đây sẽ là cú hích kép để vừa đảm bảo an toàn giao thông trong công nhân, cán bộ và người lao động toàn Tập đoàn, vừa thay đổi văn hóa tổ chức các hội nghị, văn hóa trong các bữa ăn trưa, tiếp khách. Lãnh đạo Tập đoàn cho biết, thực ra đã nhiều lần TKV có chỉ thị, văn bản hướng dẫn về việc cấm sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa trong toàn thể công nhân viên chức và người lao động các đơn vị. Việc cấm này được thực hiện kể cả các ngày trực cơ quan, đặc biệt là khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, để dẫn đến hành vi vi phạm các quy định của Luật giao thông đường bộ hoặc gây mất trật tự công cộng, vi phạm văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước đây các chỉ thị này chỉ là thực hiện trong nội bộ cơ quan. Đến nay, với các chế tài của Luật sẽ buộc các cá nhân thực hiện nghiêm túc, nếu không sẽ vi phạm pháp luật. Luật quy định rõ các hành vi như: Tất cả người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu có nồng độ cồn bất kể là bao nhiêu đều bị xử phạt; đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, có thể phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trước đây; đồng thời, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định cũng nêu rõ, kể cả người đi xe đạp, xe thô sơ cũng bị xử phạt v.v. Do vậy, đây là điều kiện để TKV thực hiện triệt để và từng bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong đó có hành vi văn hóa ăn cơm công nghiệp, cơm hội nghị và các cuộc tổ chức hội nghị, giao lưu khác mà không có rượu bia.

Lãnh đạo Tập đoàn cũng cho biết thêm, đối với Tập đoàn, ngoài việc chỉ thị cấm uống rượu, bia hoặc nước uống có cồn trước, trong giờ làm việc, ăn trưa, nghỉ trưa… còn quy định gắn với các hoạt động thi đua của đơn vị như: Nếu để xảy ra các hành vi thiếu văn hóa, mất trật tự, an ninh hoặc tai nạn giao thông có liên quan đến CBCNVC sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn thuộc đơn vị mình phụ trách thì lãnh đạo đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc Tập đoàn. Các Ban Tập đoàn và các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện để xem xét việc đánh giá cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị hàng năm cũng như trừ điểm trong việc bình xét thi đua, khen thưởng cá nhân và tập thể cuối năm….

Một điều nữa cho thấy, sức khỏe của chúng ta mới là quan trọng. Nghị định 100 về xử phạt nặng người tham gia giao thông cũng như chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn là những điều kiện cần để chúng ta thay đổi văn hóa uống rượu. Điều kiện đủ sẽ là ở ý thức thực hiện của mỗi người. Hy vọng, cú hích kép này sẽ làm cho mỗi công nhân, cán bộ thay đổi hành vi của mình, dần thay đổi văn hóa trong ăn uống, hội nghị và văn hóa uống rượu, tiến tới xây dựng văn hóa doanh nghiệp với những nét đẹp và an toàn

Hùng Hải