CPTPP: Doanh nghiệp nhà nước có doanh thu trên 16.000 tỷ hết vị thế độc quyền

00:00 12/10/2020

Giá cao su đã tăng 20% trong 2 tháng nhưng doanh nghiệp cho rằng vẫn thấp hơn trung bình năm 2018 và dự báo sẽ giảm thêm.

Giá cao su tăng 20% trong 2 tháng

Hai tháng gần nhất, nhóm cổ phiếu ngành cao su tự nhiên bất ngờ tăng. Trong đó, cao su Phước Hòa (PHR) tăng cao nhất 23% lên 36.200 đồng/cp. Cao su Đắc Lắc (DRI) tăng 9% lên 6.300 đồng/cp.

Một số cổ phiếu khác như DPR của cao su Đồng Phú, TRC của cao su Tây Ninh cũng tăng khoảng 5%, lần lượt là 33.000 đồng/cp và 22.000 đồng/cp. Cao su Hòa Bình (HRC) tăng nhẹ hơn 1%, về mức 33.000 đồng/cp.

Diễn biến nhóm cổ phiếu ngành cao su tự nhiên trong 2 tháng gần nhất. Nguồn: VND

Không phải ngẫu nhiên mà nhóm cổ phiếu ngành cao su bất chợt có biến động về giá. Giá bán cao su tự nhiên trên thị trường thế giới gần đây là điều khiến nhiều người quan tâm.

Giá cao su trong 2 tháng gần nhất đã phục hồi trở lại, tăng 20% từ 153 JPY/kg lên cao nhất 185,7 JPY/kg và hiện đang ở vùng 183,8 JPY/kg.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, giá cao su hiện tại vẫn thấp hơn 14% và còn khá xa đỉnh lịch sử 331,3 JPY/kg vào đầu năm 2017. Tính chung đến cuối năm 2018, giá cao su đã giảm 18% cùng kỳ năm trước.

Diễn biến giá cao su trong 5 năm gần nhất. Nguồn: Bloomberg

Theo Hiệp hội các nước sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), năm 2019, sản xuất cao su thế giới dự báo sẽ tăng 5,8% so với năm trước lên 14,69 triệu tấn. Giá cao su tự nhiên sẽ chịu tác động của diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới. Nếu giá dầu đi lên, giá cao su sẽ có cơ hội tăng. Trong dài hạn (từ 3 đến 10 năm tới), nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên trên toàn cầu sẽ tăng, hỗ trợ giá cao su. Tuy nhiên, giá sẽ không tăng quá cao.

PHR: Giá cao su có thể xuống thấp hơn 2018

Ông Dương Văn Khen, người có quyền công bố thông tin tại CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) cho biết giá cao su đang tăng không đáng kể so với thời điểm giảm thấp. Ông giải thích chu kỳ giá cao su phần lớn cao hồi đầu năm và giảm về cuối năm. Như 2018, giá đầu năm là 36,1 triệu đồng/tấn, đến cuối năm còn 29,5 triệu đồng/tấn. Tính như vậy, mức giá bình quân cả năm chỉ vào 33 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, giá đầu năm 2019 đang giao dịch trung bình khoảng 31 triệu đồng/tấn, vẫn thấp hơn mức bình quân năm trước. Chưa kể, ông Khen cho rằng mới đầu năm mà giá là 33 - 34 triệu đồng/tấn thì bình quân cả năm ước chỉ đạt 31 - 32 triệu đồng/tấn, thấp hơn 1- 2 triệu đồng/tấn so với 2018.

Đại diện Phước Hòa cho biết công ty bán sản phẩm theo giá giao ngay căn cứ trên giá giao dịch 3 sàn hàng hóa của Singapore, Nhật Bản và Malaysia. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, Phước Hòa sẽ chốt giá theo 1 trong 3 sàn này và lấy giá thanh toán đúng vào ngày giao hàng. Do đó, để có lời, công ty sẽ phải dự đoán, tính toán rất kỹ lưỡng diễn biến giá sàn giao dịch rồi áp giá thu mua từ nông dân.

Theo dự đoán từ Phước Hòa, giá cao su năm 2019 khó có thể tăng cao, thậm chí có thể giảm giá. Công ty đang cố gắng lường trước nhiều thứ và xây dựng kế hoạch năm trên cơ sở giá cao su bằng năm trước. Tập đoàn Công nghiệp Cao su - công ty mẹ, cũng chỉ đạo xem xét kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, sau đó cân nhắc điều chỉnh trên cơ sở diễn biến giá cao su nếu cần thiết.

Năm 2018, Phước Hòa đạt sản lượng gần 13.100 tấn với giá bán bình quân 32,97 triệu đồng/tấn. Doanh thu đạt 1.721 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 622 tỷ đồng, vượt lần lượt 9% và 40% so với kế hoạch.

HAGL: Khả năng hưởng lợi còn bỏ ngỏ

Khi giá cao su thế giới biến động tăng thì câu chuyện hưởng lợi của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã: HAG) là điều khiến nhiều người chú ý.

Theo báo cáo thường niên của HAGL, năm 2017, HAGL có khai thác hơn 10.700 ha, thu được 14.456 tấn mủ. Số lượng này đem về cho Tập đoàn 454 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,4% tổng doanh thu và 5,9% lợi nhuận gộp… Trái cây và các mảng khác đem về doanh thu cho Tập đoàn nhiều hơn cao su.

Nguồn: BCTN HAGL 2017

HAGL lý giải giá mủ cao su trên thị trường thế giới chưa phục hồi nhiều nên tập đoàn chưa đẩy mạnh khai thác mủ. Tập đoàn cũng cho rằng doanh thu không đủ bù đắp giá thành, các vườn cao su chưa được khai thác triệt để.

Tuy nhiên năm 2017 chính là năm mà giá cao su đạt đỉnh 331,3 JPY/kg, cao hơn 78% so với giá hiện tại. Chưa kể giá cao su năm 2017 có thể chỉ thấp hơn mức đỉnh trong 30 năm tại thời điểm 2011, năm mà HAGL đổ vốn trồng cao su, khoảng 500 JPY/kg.

Khi cao su năm 2017 chỉ chiếm 9% tổng doanh thu thì 2018, theo kế hoạch được cổ đông thông qua, cao su cũng ở khoảng 520 tỷ đồng với tỷ trọng 8% doanh thu và góp 30 tỷ lợi nhuận gộp. Mục tiêu đẩy mạnh của Tập đoàn giai đoạn này vẫn là trái cây.

Chưa thể nói trước thời điểm này, HAGL có quay trở lại đẩy mạnh khai thác cao su hay không? Tuy nhiên, với tỷ trọng khá nhỏ trong đóng góp doanh thu trong 2 năm, cao su có lẽ vẫn là phần bỏ ngỏ trong kế hoạch của HAGL sau nhiều năm ôm mộng làm giàu từ "vàng trắng".

Khổng Chiêm

Tags: