Cốt lõi của sự bất bình đẳng toàn cầu

09:33 04/11/2022

Tại một số quốc gia phát triển hiện nay, thu nhập bình quân đầu người có thể cao gấp 15-20 lần, thậm chí 100 lần so với quốc gia kém phát triển hơn. Giáo sư kinh tế Oded Galor tổng hợp thành quả nghiên cứu của ông về vấn đề này trong cuốn: Hành trình nhân loại.

GS Oded Galor là một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực tăng trưởng và phát triển, được đánh giá là ứng cử viên danh giá cho giải Nobel Kinh tế và là một trong những bộ óc xuất chúng của TK 21. Ông được Đại học Louvain và Đại học Kinh tế & Kinh doanh Poznan trao bằng Tiến sĩ Danh dự, là thành viên của Viện Hàn lâm châu Âu và Hiệp hội Kinh tế lượng, đồng thời góp mặt trong nhiều tổ chức uy tín khác. 

GS Kinh tế Oded Galor. Ảnh PlanetadeLibros.
GS Kinh tế Oded Galor. Ảnh PlanetadeLibros. 

Hành Trình Nhân Loại: Nguồn Gốc Của Thịnh Vượng Và Bất Bình Đẳng là tổng hợp phần lớn thành quả nghiên cứu của tác giả với lý thuyết mới chưa từng xuất hiện về lịch sử loài người: Lý thuyết tăng trưởng thống nhất - góp phần làm sáng tỏ những động lực chi phối quá trình chuyển đổi từ kỷ nguyên trì trệ sang kỷ nguyên tăng trưởng ổn định về mức sống; đồng thời lý thuyết này cũng khai quật những dấu chân của quá khứ trong số phận của các quốc gia. Những nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế đã xuất hiện từ hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm trước. Tầm ảnh hưởng của những nhân tố đó vẫn hiện hữu rất rõ trong sự bất bình đẳng toàn cầu.

Cuốn sách đề cao một quan điểm mang tính cách mạng về nguồn gốc của sự giàu có và bất bình đẳng toàn cầu. Nó cho chúng ta thấy rằng phần lớn sự bất bình đẳng giữa các quốc gia bắt nguồn từ các yếu tố lịch sử và tiền sử. Những yếu tố này đã xuất hiện từ hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng vạn năm trước.

Điều này ngụ ý rằng việc hiểu được các nhân tố chi phối toàn bộ hành trình nhân loại kể từ khi người Homo sapiens xuất hiện là tối yếu. Bởi lẽ từ đó, ta mới có thể thấu hiểu được gốc rễ của sự thịnh vượng và bất bình đẳng trên thế giới, để rồi thiết kế các chính sách giúp thúc đẩy quá trình tăng trưởng và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia. 

Sách
Sách "Hành trình nhân loại".

Hành trình Nhân loại gợi ý rằng chỉ khi hiểu được lịch sử xã hội, người ta mới có thể thiết kế nên các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và thu hẹp độ chênh lệch giữa các quốc gia. Đặc biệt hơn, những chính sách này nên được thiết kế dựa trên những đặc điểm lịch sử và địa lý riêng biệt của mỗi quốc gia. Không có một chính sách nào là phù hợp với tất cả các quốc gia!

Làm thế nào để thế giới có thể phát triển mà giảm thiểu sự bất bình đẳng?

GS Oded Galor nêu quan điểm: Như một điều không thể tránh khỏi, sự tiến bộ công nghệ và toàn cầu hóa đã khiến sự bất bình đẳng gia tăng đáng kể. Sự tiến bộ của nhân loại đã thúc đẩy nhu cầu về nguồn nhân tài có khả năng thích ứng với môi trường công nghệ luôn thay đổi chóng mặt. Tuy nhiên, những nhân tài này lại không được phân bố một cách đồng đều trên thế giới, gây nên sự bất bình đẳng như một sản phẩm phụ tất yếu.

Nhằm giảm thiểu tác động không thể tránh khỏi này, các xã hội phải đảm bảo được sự 'bình đẳng về cơ hội', giúp phần đông dân số được hưởng lợi từ tiến bộ công nghệ và toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng nên cung cấp những căn nhà an toàn cho bộ phận xã hội không trực tiếp hưởng lợi từ quá trình này.

Điều này vừa hợp tình về mặt đạo đức, vừa hợp lý về mặt kinh tế. Nó sẽ thúc đẩy hiệu năng kinh tế và giảm thiểu những tác động tiêu cực của sự bất ổn xã hội lên đầu tư và năng suất lao động.

 Bốn khía cạnh Việt Nam có thể tập trung để phát triển

Khi nhận được câu hỏi của tiến sĩ kinh tế học Vũ Thành Tự Anh về các cách mà Việt Nam có thể phát triển, GS Oded Galor đã trả lời rằng có 4 yếu tố Việt Nam nên tập trung cải thiện: giáo dục, tỷ lệ sinh, bình đẳng giới và đa dạng xã hội.

Việt Nam nên đầu tư vào giáo dục, sự đầu tư này nên hướng đến một nền giáo dục linh hoạt, một nền giáo dục cho phép người lao động linh hoạt chuyển đổi từ ngành này sang ngành khác, không nhấn mạnh vào đào tạo nghề cứng nhắc mà phải đào tạo nguồn nhân lực nói chung.

Điều này sẽ nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực trong môi trường công nghệ thay đổi nhanh chóng này. Nhờ đó, người lao động có thể dễ thích nghi hơn để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp khác nhau và trở nên kiên cường trước một môi trường đầy biến động.

Điểm thứ hai liên quan đến việc duy trì tỷ lệ sinh thấp. “Tôi nhận ra thời gian qua tỷ lệ sinh ở Việt Nam đã giảm một cách đáng kinh ngạc”, GS Oded Galor nói. Tuy nhiên, ông cho rằng một số tiến bộ đạt được về công nghệ vẫn đang bị kìm hãm lại bởi sự gia tăng dân số. Đây lại là một yếu tố quan trọng khác trong quá trình phát triển.

Yếu tố thứ ba cũng là một yếu tố quan trọng không kém, đó là thúc đẩy bình đẳng giới. Bình đẳng giới có hai khía cạnh quan trọng. Đầu tiên là cho phép phụ nữ tham gia lực lượng lao động sẽ nâng cao năng suất một cách tự nhiên và nâng cao tính đa dạng của các ý tưởng đột phá trong lực lượng lao động. Ngoài ra điều này cũng giúp giảm thiểu cơ hội có con, giúp giảm thiểu tỷ lệ sinh nở xuống sâu hơn nữa.

Cuối cùng, ông cho rằng với một xã hội có tính đồng đều cao như Việt Nam, điều quan trọng là thiết kế một chương trình giáo dục thúc đẩy sự đa dạng trong xã hội. Khi không có sự đa dạng và linh hoạt văn hóa, các xã hội sẽ không thể phát triển thịnh vượng trong thời kỳ kinh tế hiện nay. Môi trường đang thay đổi đòi hỏi sự thích nghi ở cả cấp độ cá nhân đến toàn xã hội. Chỉ khi một xã hội cung cấp cho các cá nhân quyền tự do để thách thức hiện trạng, thách thức những lẽ thường, xã hội đó mới có thể thịnh vượng về lâu về dài.

 D.A (Tổng hợp)