Công ty TNHH MTV HAPACO Đông Bắc: Đem ấm no về bản

14:37 10/12/2021

Đứng chân trên địa bàn xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, Hòa Bình, trong những năm qua, cùng với phát triển sản xuất, kinh doanh, Công ty TNHH MTV HAPACO Đông Bắc (Cty) đã làm tốt trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Mọi công to việc nhỏ của địa phương Cty đều có trách nhiệm như: thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, các hộ nghèo trong dịp lễ, tết; thăm nuôi phụng dưỡng mẹ, vợ liệt sỹ, đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần đưa xã Vạn Mai về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Dù khó khăn do dịch Covid-19, Công ty vẫn duy trì sản xuất, thực hiện “Mục tiêu kép”
Dù khó khăn do dịch Covid-19, Công ty vẫn duy trì sản xuất, thực hiện “Mục tiêu kép”. 

Ông Khà Văn Thị, cựu Chủ tịch UBND xã Vạn Mai nhớ lại: Trong ngày khởi công xây dựng Nhà máy giấy HAPACO Đông Bắc (10/02/2002, nay là Công ty TNHH MTV HAPACO Đông Bắc) cố Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Cư Hòa Vần nói với cán bộ, nhân dân xã Vạn Mai là: “Vận may đã đến với xã Vạn Mai”. Cụ (ông Cư Hòa Vần) nhấn mạnh, nhắc đi nhắc lại mấy lần câu nói trên. Ông Khà Văn Thị dừng lời, ngước nhìn lên rừng luồng, ông tâm đắc nói tiếp: Đúng là vận may không chỉ đến với người dân xã Vạn Mai mà còn đến với nhiều xã khác trong huyện. Nhà máy giấy HAPACO Đông Bắc là doanh nghiệp đầu tiên hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chế biến lâm sản (bương, luồng) lên huyện miền núi vừa cao, xa trung tâm tỉnh lỵ vừa là vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Hòa Bình. Cây bương, cây luồng không còn ế ẩm như trước, thanh niên bản Thái đã trở thành công nhân nhà máy. Bà con đã có của ăn của để.

Làm việc với lãnh đạo Cty HAPACO Đông Bắc, ông Đặng Văn Hậu - Giám đốc Cty cho biết: Cty thường xuyên duy trì từ 80 đến 100 lao động, thời điểm cao nhất lên tới 120 lao động, trong đó 90% là người địa phương, là người dân tộc thiểu số. Ngay từ ngày đầu hoạt động, Nhà máy gặp không ít khó khăn. Đó là, trình độ văn hóa của người lao động không đồng đều, chưa có tay nghề, chưa quen với lao động công nghiệp. Nhất là về thời gian, giờ giấc làm việc, phần lớn vẫn quen với tác phong lao động tự do. Mỗi khi trong xóm có đám cưới hay hội hè, công nhân thường nghỉ việc 2, 3 ngày. Thậm chí có người nghỉ 4, 5 ngày. Vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của nhà máy. Để khắc phục tình trạng trên, Cty đã tổ chức đào tạo nghề cho công nhân với phương thức cầm tay chỉ việc, học ngay trên máy, phân công cho từng cán bộ kỹ thuật kèm mỗi ca từ 2 – 3 công nhân. Sau đó Cty tổ chức sát hạch tay nghề, bố trí công việc phù hợp với năng lực của từng người. Cùng với dạy nghề, Cty tổ chức cho công nhân học tập nôi quy làm việc. Hàng tháng, hàng quý, cuối năm Cty giao cho các phân xưởng bình xét, phân loại lao động, từ đó Cty động viên, khen thưởng kịp thời. Đến nay Cty đã có đội ngũ công nhân vững tay nghề, có tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó với Cty.

Giám đốc Đặng Văn Hậu cho biết: Ngoài việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, Cty HAPACO Đông Bắc luôn quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương và coi đây là trách nhiệm của doanh nghiệp. Hàng năm vào các dịp lễ, tết cổ truyền của dân tộc, ngày thương binh liệt sỹ 27/7, Cty đều thăm hỏi tặng quà cho thương binh, gia đình liệt sỹ, nạn nhân chất độc da cam, hộ nghèo trong xã; phụng dưỡng mẹ liệt sỹ Khà Thị Thư và bà Khà Thị Thầm là vợ liệt sỹ; hỗ trợ 10 triệu đồng làm nhà cho bà Khà Thị Thư, xóm Khán là mẹ liệt sỹ. Trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, Cty hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nông thôn, công trình nước sạch, xây dựng Chi trường mầm non. Năm qua, mặc dù Cty gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do đại dịch Covid-19, nhưng Cty vẫn hỗ trợ xóm Khán 30 triệu đồng, xóm Thanh Mai 20 triệu đồng xây nhà văn hóa, ủng hộ quỹ khuyến học xã, tặng quà cho học sinh trường TH và THCS, trường Mầm non nhân ngày khai giảng năm học mới, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.      

Thay mặt Cty, GĐ Đặng Văn Hậu, trao tiền hỗ trợ làm nhà cho bà Khà Thị Thư, mẹ liệt sỹ
Thay mặt Cty, Giám đốc Đặng Văn Hậu, trao tiền hỗ trợ làm nhà cho bà Khà Thị Thư, mẹ liệt sỹ. 

Nói về quyền lợi, chế độ của người lao động, ông Võ Văn Tính, Phó Giám đốc Cty cho biết: Mọi chế độ cho người lao động như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, Cty đều đảm bảo đầy đủ. Hàng năm công nhân được cấp quần áo bảo hộ lao động, thăm hỏi những công nhân có hoàn cảnh khó khăn hoặc đau ốm. Trong đại dịch Covid-19, Cty thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, đến nay 100% cán bộ, công nhân Cty đã được tiêm đủ 2 mũi  vắc xin phòng Covid-19.  

Nói về sự đóng góp của Cty TNHH MTV HAPACO Đông Bắc với địa phương, ông Vì Văn Truyền, Phó Chủ tịch HĐND xã Vạn Mai cho biết: Xã có hơn 700 hộ, trên 3.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số (Thái, Mường) chiếm 95%. Vào những năm 2000 trở về trước, đời sống của nhân dân trong xã rất khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo lúc đó bình quân hàng năm đều trên 40%, hộ cận nghèo trên dưới 20%. Công tác xóa đói giảm nghèo là bài toán khó giải ở Vạn Mai. Vì, sản phẩm của người dân chủ yếu là tự cung tự cấp, sản phẩm hàng hóa như bương luồng nhiều nhưng chỉ bán được những cây to, đẹp, giá thấp cho các xưởng đũa nhỏ. Phần lớn cây còn lại bà con làm bờ rào, để khô làm củi đốt, bán. Năm 2004, Nhà máy giấy HAPACO Đông Bắc đi vào hoạt động. Đây là cơ hội, là động lực quan trọng tạo đà cho kinh tế xã Vạn Mai và các xã lân cận như Mai Hịch, Mai Hạ, Xoăm Khòe, Piềng Vế (Mai Châu) phát triển, phát triển nhanh bền vững. Vì, phần lớn hộ dân trở đã thành lực lượng lao động gián tiếp, trồng, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy như bương, luồng, trước đây những cây luồng chỉ làm bờ rào, làm củi thì nay cũng “cho” tiền; con em trong xã có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Một tháng lương công nhân bằng cả nương ngô, đồi vụ sắn, nhiều gia đình trước đây kinh tế khó khăn nay đã thoát nghèo.

Đơn cử như gia đình anh Khà Văn Xuyên, xóm Khán, trước thuộc diện nghèo. Anh Xuyên được Cty nhận vào làm công nhân, vợ ở nhà khai thác vườn luồng bán cho Cty, nay đã thoát nghèo, nhà cửa khang trang, trong nhà có ti vi, xe máy, đồ dùng sinh hoạt đầy đủ. Gia đình anh Hà Văn Phung, xóm Cha Lang, xã Mai Hịch, trước là hộ cận nghèo. Từ khi vào làm công nhân Cty đời sống đã khấm khá, xóa được đối tượng hộ cận nghèo. Anh Khà Văn Xuyên tâm sự: Trước chưa có nhà máy giấy, vợ chồng tôi quanh năm đầu tắt mặt tối trên nương, cả năm không tích cóp được đồng nào. Hàng năm đến ngày khai giảng năm học mới, vợ chồng lại phải bán gà, vịt lấy tiền mua sách vở cho con đi học. Nay, một tháng lương 6 triệu đồng, có tháng tăng ca được hơn 7 triệu, trừ chi phí hàng ngày trong gia đình, một tháng cũng dành dụm được 3 – 4 triệu đồng. 

Lãnh đạo Cty trao quà tết cho các gia đình chính sách xã Vạn Mai.
Lãnh đạo Cty trao quà tết cho các gia đình chính sách xã Vạn Mai. 

Theo ông Vì Văn Truyền, hiện nay xã Vạn Mai có hơn 1.200 ha luồng đang cho thu cây, 18 ha luồng trồng mới, đây là nguồn thu chính, là cây xóa nghèo, làm giàu bền vững của người dân xã Vạn Mai. Thu nhập hiện nay bình quân toàn xã đạt 32 triệu đồng/khẩu/năm, năm 2019, Vạn Mai đã về đích xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Cty HAPACO Đông Bắc, như hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình nước sạch, làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xóm, Chi trường mầm non, làm nhà tình nghĩa cho gia đình đối tượng chính sách. Cty kết nghĩa với xóm Kháng nên mọi công to việc nhỏ trong xóm, trong xã Cty đều tham gia. Đã hơn 10 năm nay, Cty HAPACO Đông Bắc đã trở thành một hộ gia đình trong xã, cán bộ nhân viên văn phòng Cty như con cái trong nhà của đồng bào Thái Vạn Mai.   

 Hồng Bài