Công ty khởi nghiệp giao hàng Getir của Thổ Nhĩ Kỳ hướng đích đến châu Âu và châu Á

14:56 15/03/2021

Một công ty khởi nghiệp giao hàng của Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng vươn mình ra quốc tế với việc ngày càng mở rộng ra các thị trường châu Âu và cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ mang quy mô toàn cầu như Instacart và Deliveroo.

Getir tiên phong trong việc giao nhanh kem, khoai tây chiên và các món ăn khác cho khách hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ứng dụng Getir tiên phong trong việc giao hàng nhanh các mặt hàng như kem, khoai tây chiên và các món ăn khác cho khách hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Getir, hoạt động tại 21 thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ - bao gồm trung tâm thương mại Istanbul, thủ đô Ankara và thành phố biển Izmir của Aegean - vào tháng 1 đã khởi động hoạt động ở nước ngoài đầu tiên tại thành phố London, nơi có 5 chi nhánh thực hiện.

"Chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa, ra các vùng ngoại ô và đạt 25 chi nhánh trong những tháng tới và sau đó tiến đến các thành phố khác ở Vương quốc Anh", người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nazim Salur nói với Nikkei Asia.

Ông cũng cho biết công ty khởi nghiệp có kế hoạch mở rộng thêm hai thành phố ở châu Âu vào tháng Sáu. Các nguồn tin nói rằng Paris và Amsterdam là những nơi tiếp theo dành cho Getir. Công ty cũng sẽ xâm nhập thêm cả các thị trường châu Á.

Getir chi tiêu cho việc mở rộng của mình bằng khoản tiền huy động được trong vòng tài trợ Series B, vòng tài trợ mang về 128 triệu đô la từ các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Brazil với mức định giá công ty là 850 triệu đô la hoặc có thể hơn vậy. 

Công ty cũng được hỗ trợ bởi tỷ phú người xứ Wales, Michael Moritz thông qua quỹ cá nhân của ông, Crankstart Investments.

Getir, có nghĩa là "mang theo" trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và được thành lập vào năm 2015, đi tiên phong trong việc giao kem, khoai tây chiên và các món ăn hàng ngày khác ở Thổ Nhĩ Kỳ, điều đặc biệt là chỉ tiêu tốn khoảng thời gian vỏn vẹn 10 phút. Mô hình kinh doanh của hãng đi kèm với việc tăng giá bán lên khoảng 10% và thêm phí giao hàng cho các đơn đặt hàng.

 Giám đốc điều hành Getir, Nazim Salur.

Có những đối thủ từ nước ngoài như công ty khởi nghiệp Instacart của Mỹ, Deliveroo của Anh do Amazon hậu thuẫn và goPuff ở Mỹ. Các công ty khởi nghiệp khổng lồ này cam kết cung cấp trong khung thời gian từ "trung bình 30 phút" đến "ít nhất là 2 giờ" trên các nền tảng trang web của họ.

Với họ "30 là nhanh. Còn với chúng tôi tốn khoảng 10 phút", Salur chia sẻ. 

10 phút giao hàng chính là thế mạnh của startup, công ty quản lý giao hàng bằng đội xe máy do chính công ty kiểm soát. Ngoài việc giao hàng, công ty khởi nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ còn thu mua hàng hóa với số lượng lớn và dự trữ chúng tại các trung tâm thực hiện gần với người tiêu dùng, do đó có thể giảm nguy cơ hết hàng và tiết kiệm được khoảng thời gian giao hàng. 

“Chúng tôi là một công ty công nghệ nhưng lại hoạt động giống như một công ty bán lẻ,” Salur nói. "Nếu không kết hợp giữa công nghệ và bán lẻ một cách hiệu quả thì đương nhiên không nhà đầu tư nào đánh giá cao chúng tôi".

Ứng dụng Getir đã đạt được số lượt tải xuống gần 15 triệu lần và có 3,5 triệu người dùng đang hoạt động. “Đại dịch Covid-19 đã mở rộng đối tượng khách hàng của chúng tôi đến nhóm người trên 40 tuổi, họ mua đa dạng các loại mặt hàng, bao gồm vật liệu làm sạch, trái cây và rau củ quả,” Salur nói.

Trí tuệ nhân tạo là một vũ khí khác tạo nên sức mạnh của ứng dụng. Salur nhấn mạnh rằng "với công nghệ AI mà chúng tôi đã xây dựng, đơn vị lưu kho của chúng tôi luôn là loại phù hợp cho quốc gia, thành phố hoặc vùng lân cận mà chúng tôi hoạt động."

Salur nói rằng mô hình kinh doanh hoạt động tốt nhất ở "các thành phố đông đúc dân cư với giao thông hỗn loạn, nơi mọi người không có thời gian để mua sắm." Salur đang xem xét việc sao chép mô hình đó sang các nước ở thị trường châu Á cũng như châu Âu.

Theo Salur, Getir có thể bắt đầu hoạt động ở châu Á sớm nhất là vào tháng 7 năm nay.

"Chúng tôi sẽ tìm kiếm các đối tác địa phương ở châu Á vì tôi không quen với văn hóa kinh doanh châu Á, tại đó khác với văn hóa ở phương Tây", Salur nói.

Liệu mô hình đó có thể hoạt động ngay cả ở những quốc gia như Nhật Bản với mạng lưới cửa hàng tiện lợi rộng khắp ở các thành phố lớn? Salur trả lời, "Sự lười biếng của mọi người là một cơ hội kinh doanh" bởi vì các dịch vụ của Getir có thể cho phép khách hàng không phải ra ngoài mua sắm.

"Chúng tôi chắc chắn sẽ vào Nhật Bản vào một lúc nào đó," ông nói.

Tuy nhiên, các kế hoạch mở rộng của Getir không bao gồm Trung Quốc, nơi các dịch vụ giao hàng đỡ trở nên cạnh tranh quá gay gắt. 

Salur cho biết, "Getir sẽ tìm cách gây quỹ nhiều hơn nữa để mở rộng ra quốc tế" và anh cũng thể hiện sự tự tin rằng công ty sẽ đạt đến mức độ kỳ lân (thuật ngữ dành cho các công ty khởi nghiệp vượt quá mức định giá 1 tỷ đô la). Salur đang lên kế hoạch cho vòng tài trợ Series C để thúc đẩy quá trình mở rộng toàn cầu của Getir trong năm nay.

Bảo Bảo (Theo Nikkei Asia)