Công nghệ - lĩnh vực 'ăn nên làm ra' của giới nhà giàu trong những năm tới?

00:00 12/10/2020

Công nghệ sẽ là lĩnh vực ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ trong những năm tới, trở thành nguồn tạo ra tài sản đáng kể cho giới siêu giàu.

Công nghệ - lĩnh vực 'ăn nên làm ra' của giới nhà giàu trong những năm tới?

Nếu ngân hàng, dịch vụ kinh doanh và tiêu dùng là những ngành giúp tạo ra nhiều tài sản nhất cho giới nhà giàu trong thập niên vừa qua (2010-2019), thì công nghệ sẽ là lĩnh vực ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ vào những năm tới.

Nhận định trên trích từ báo cáo A Decade of Wealth, vừa được công ty nghiên cứu, tư vấn thị trường Wealth-X công bố. Theo báo cáo, đại dịch viêm phổi bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã chấm dứt chuỗi ngày tăng trưởng kinh tế vượt bậc, cùng đà leo dốc của nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới trong suốt 10 năm qua.

Và, các tác động tiêu cực của Covid-19 không loại trừ bất cứ ai, kể cả giới nhà giàu - những cá nhân được Wealth-X định nghĩa là sở hữu tổng giá trị tài sản từ 1 triệu USD trở lên.

"Sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 trên toàn thế giới trong nửa đầu năm 2020, kết hợp với sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng kinh tế và những chuyển biến khó lường trên nhiều thị trường tài chính, đã gây ảnh hưởng đáng kể đến giới nhà giàu. Không chỉ khiến xu hướng tăng trưởng không ngừng trên toàn cầu trong thập niên qua dừng lại ngay lập tức, đại dịch còn đe doạ sẽ gây ra sự điều chỉnh mạnh mẽ giá các thị trường tài sản thế giới và làm tăng rủi ro cạnh tranh", báo cáo viết.

Trích dẫn dự báo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), A Decade of Wealth cho biết, nền kinh tế toàn cầu có khả năng suy giảm 3% trong năm nay - mức giảm sâu nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái gần một thế kỷ trước. Và, sự suy giảm này bắt đầu khi chính phủ các nước ban bố lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Trong khi đó, báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa công bố cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ xóa sạch tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong 4 năm qua, tức khoảng 8.500 tỷ USD về mặt giá trị, tương đương hơn ⅓ GDP của Mỹ. Đồng thời, LHQ cũng dự báo mức suy giảm 3,2% GDP toàn cầu vào năm nay.

Công nghệ - mỏ vàng mới của người giàu

Cổ phiếu - một trong những loại tài sản yêu thích của giới đầu tư, nhiều khả năng sẽ ít được chọn làm công cụ sinh lời trong thời gian tới. Tuần qua, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cũng dự báo chỉ số S&P 500 có thể sẽ giảm 18% trong 3 tháng tới. Trước diễn biến khó lường của các thị trường chứng khoán, và sự điều chỉnh giá của bất động sản cùng nhiều mặt hàng xa xỉ khác, Wealth-X cho rằng, giới nhà giàu sẽ có nhiều điều phải lo lắng về tình hình tài chính và kinh doanh.

"Phần lớn người giàu đều sở hữu và/hoặc điều hành một doanh nghiệp. Do đó, với tốc độ và quy mô của lần suy thoái này, khá nhiều doanh nghiệp sẽ gặp phải khó khăn, dù là về khả năng thanh toán, tính thanh khoản và/hoặc phương diện hoạt động", Wealth-X cho biết.

Theo dự báo của Wealth-X, tỷ trọng của ngành công nghệ với tư cách là nguồn tạo ra tài sản cho giới nhà giàu sẽ tăng lên đáng kể trong những năm tới.

Theo dự báo của Wealth-X, tỷ trọng của ngành công nghệ với tư cách là nguồn tạo ra tài sản cho giới nhà giàu sẽ tăng lên đáng kể trong những năm tới.

Đồng thời, A Decade of Wealth cũng nhận định, nếu ngân hàng, dịch vụ kinh doanh và tiêu dùng là những ngành giúp tạo ra nhiều tài sản nhất cho giới nhà giàu trong thập niên vừa qua (2010-2019), thì công nghệ sẽ là lĩnh vực ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ vào những năm tới, trở thành nguồn tạo ra tài sản đáng kể cho người giàu.

Theo báo cáo, tỷ trọng của ngành công nghệ với tư cách là nguồn tạo ra tài sản sẽ tăng lên đáng kể, mà lý do là vì "các doanh nghiệp công nghệ có thể dễ dàng vượt qua những trở ngại về mặt không gian, đối mặt với ít rào cản trong việc thâm nhập thị trường và có thể mở rộng quy mô nhanh hơn so với các ngành công nghiệp truyền thống".

Châu Á vươn lên mạnh mẽ

Trong một diễn biến khác, báo cáo từ Wealth-X cho biết, tài sản của giới nhà giàu tại phần lớn các quốc gia châu Á cũng gia tăng mạnh mẽ trong 10 năm qua, với động lực thúc đẩy chủ yếu đến từ Trung Quốc. Được biết, số người châu Á sở hữu từ 5 triệu USD giá trị tài sản trở lên đã tăng gấp 3 lần.

Tỷ lệ tăng trưởng số người sở hữu giá trị tài sản từ 5 triệu USD trở lên bình quân hằng năm tại 10 thị trường có số người giàu

 

Tỷ lệ tăng trưởng bình quân số người sở hữu 5 triệu USD giá trị tài sản ròng trở lên hằng năm tại 10 thị trường tài sản phát triển nhanh nhất giai đoạn 2010-2019. Ảnh: SCMP

Bên cạnh Trung Quốc, các nước châu Á khác như Bangladesh, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Pakistan đều nằm trong số 10 thị trường có số lượng người giàu tăng nhanh nhất từ ​​năm 2010 đến 2019.

Thập niên qua, số người giàu trên thế giới đã tăng hơn một nửa, với số triệu phú toàn cầu tăng gấp đôi, lên hơn 25 triệu người trong giai đoạn 2005-2019. Cả số người rất giàu (sở hữu giá trị tài sản từ 5 triệu USD trở lên), lẫn người siêu giàu (sở hữu giá trị tài sản từ 30 triệu USD trở lên), cũng tăng hơn gấp đôi trong cùng kỳ.

Theo đó, con số 25,2 triệu triệu phú này, tương đương 3,23% dân số thế giới, nắm giữ tổng lượng tài sản lên tới 104.000 tỷ USD, tức khoảng ⅓ tổng tài sản cá nhân trên toàn cầu vào năm 2019. Đây là mức tăng hơn gấp đôi so với con số 50.000 tỷ USD vào năm 2005.

Khởi Vũ