“Con tàu” xuất khẩu vào EVFTA

00:00 12/10/2020

Dù đến nay đã có 27 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng chủ lực vẫn chưa ngang tầm năm ngoái. Trong bối cảnh trên, Hiệp định EVFTA có thể xem là lực xúc tác mới cho xuất khẩu.

“Con tàu” xuất khẩu vào EVFTA

Ảnh minh họa

Đáng mừng nhưng cũng đáng lo

Tháng 8 xuất khẩu đạt cao nhất, chấm dứt chuỗi tháng ngày ì ạch từ đầu năm, đưa kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt hơn 174 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2019. Kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đạt 162,2  tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ 2019; xuất siêu 11,9 tỷ USD so với 9,9 tỷ USD năm 2019.

Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng khi kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, tăng cao hơn mức tăng trưởng chung. 

Song nếu không muốn chỉnh mục tiêu cả năm 2020 - xuất khẩu tăng 7% so với 2019 - 4 tháng cuối năm sẽ phải “gánh” 108 tỷ USD, tức mỗi tháng phải được 27 tỷ USD, đây là áp lực rất lớn. Còn nếu muốn lên 300 tỷ USD phải cố 126 tỷ USD, nghĩa là mỗi tháng phải đạt 31,5 tỷ USD, trong khi 8 tháng qua bình quân chỉ 21,5 tỷ USD/tháng, như vậy đây là điều rất khó.

Thực tế, dù đến cuối tháng 8 đã có 27 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD và thêm 3 mặt hàng so với 7 tháng, nhưng đáng tiếc nhiều mặt hàng “đinh” chưa ngang tầm năm ngoái. Đó là thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, dệt may, xơ sợi, da giày, nguyên phụ liệu da giày, túi xách - vali - ô dù, điện thoại, máy ảnh…

Sự sa sút của từng mặt hàng do nhiều rắc rối, có lý do chẳng to tát nhưng khó gỡ. Chẳng hạn ta sẵn rau ngon, trái ngọt, nhưng muốn chiều được khách phải đợi… chiếu xạ. Vừa qua, vì kỹ thuật viên chiếu xạ người Mỹ vướng dịch sang chậm, thế là ách tắc.

Cho rằng hàm lượng piperine có trong “hạt tiêu đen nhẹ” nhập khẩu từ Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn, phía Ấn Độ  sẽ siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu mặt hàng này.

Do vậy ngoài việc giá xuất khẩu hạt điều giảm tới 14%, số vụ tranh chấp gia tăng, nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về. Hiệp hội Điều Việt Nam quyết định hạ chỉ tiêu xuất khẩu hạt điều 2020 từ 4 tỷ USD xuống 3,2 tỷ USD. 

Trong khi đó, dệt may, da giày, túi sách… máy móc sẵn sàng, đủ thợ, nguyên vật liệu không thiếu, chỉ thiếu… đơn hàng, thậm chí hàng đến hạn giao lại bị khách hoãn, hủy. Đơn cử, nhóm ngành dệt may, da giày, túi sách… tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu dệt may vào các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu (chiếm 70-80% xuất khẩu của Việt Nam) gần như tê liệt, đơn hàng khu vực châu Á nhỏ giọt.

Nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may chưa có đơn hàng giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp, trong khi khẩu trang, đồ bảo hộ được coi là “cứu cánh” cho nhiều DN giá giảm mạnh do thừa nguồn cung trên toàn thế giới. Theo dự báo, nếu tình hình không sớm cải thiện, sẽ có khoảng 60-70% DN siêu nhỏ và vừa đứng trước nguy cơ khó lường. 

Về xuất khẩu dệt may vào EU, sẽ có khoảng 77% kim ngạch xuất khẩu giảm thuế về 0% sau 5 năm, trong đó khoảng 20% giảm ngay khi EVFTA có hiệu lực, còn lại khoảng 23% giảm thuế về 0% sau 7 năm. Trong ngắn hạn, để hưởng miễn thuế của EVFTA phải đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu 2 công đoạn từ vải trở đi.

Khi vải sản xuất trong nước mới đủ đáp ứng 25-30% nhu cầu, do đó phải cộng gộp vải của Hàn Quốc và Nhật Bản - 2 quốc gia có cùng FTA với EU và Việt Nam, chiếm 23% kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam. 

Chắt chiu cơ hội 

Điểm sáng xuất khẩu vừa qua là mặt hàng gạo. Giá gạo hiện tăng khoảng 11%, có loại vượt Thái Lan, cao nhất thế giới, do chất lượng gạo Việt Nam cải thiện, đồng thời nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới, đặc biệt các nước Đông Nam Á tương đối lớn, trong khi nguồn cung từ các nước xuất khẩu chính giảm.

Hơn nữa, việc xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay chủ yếu bằng các hợp đồng nhỏ, chưa có hợp đồng lớn. Và giá gạo Việt Nam cao nhất cũng chỉ ở những loại gạo cùng chủng loại với Thái Lan,  Ấn Độ, 2 nước có các loại gạo đặc sản, hàm lượng dinh dưỡng cao, hợp với khẩu vị nhà giàu, bất chấp giá rất cao. 

Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ phải đối diện với nguy cơ bị áp dụng phòng vệ thương mại (PVTM). EU hiện là 1 trong 3 thị trường áp dụng PVTM nhiều nhất, tập trung và nhằm vào các nhóm hàng xuất khẩu trọng điểm của ta như điện thoại, điện tử, da giày, dệt may, đồ gỗ… 

Kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, các đơn hàng thủy sản xuất khẩu vào EU tháng 8 tăng khoảng 10% so với tháng 7. Mới đây, Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh Ninh Thuận và phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức lễ xuất khẩu lô sản phẩm tôm đông lạnh đầu tiên của Việt Nam sang một số nước châu Âu.

Riêng Công ty Thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), 8 tháng đã xuất khẩu 3.000 tấn tôm và các sản phẩm chế biến từ tôm sang EU, đạt khoảng 31 triệu USD (tăng 8% về số lượng và 6% về kim ngạch so với cùng kỳ 2019), góp phần để xuất khẩu tôm vào EU  tháng 8 tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện EU là 1 trong 4 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất và ổn định ở mức hơn 1,3 tỷ USD/năm, chiếm 15-17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. 

Mới đây, Chính phủ đã kịp thời có Nghị định 103/2020/NĐ-CP, quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương công bố 7.200 bộ C/O được cấp trong tháng 8, với tổng kim ngạch 277 triệu USD xuất khẩu sang 27 nước thuộc EU.

Đồng thời, bộ này phối hợp với các bộ ngành, địa phương mở nhiều lớp tập huấn, chuẩn bị “hành trang” cho DN rảo bước trên hành trình mới.

Hỗ trợ DN đầu tư, khôi phục sản xuất, khuyến khích DN dùng công nghệ tiên tiến, tăng năng suất, giảm ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh tái phát, tập trung vào sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao, bắt kịp nhu cầu của thị trường, tạo niềm tin đối với khách hàng… là những việc cơ quan quản lý cũng như DN Việt cần phải làm lúc này. 

Nguyễn Duy Nghĩa