Cơn "khát" trái cây nhiệt đới của các quốc gia Đông Á

10:03 28/12/2021

Cơn "khát" trái cây nhiệt đới của thị trường đông dân nhất thế giới phản ánh nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm nhập khẩu từ khắp châu Á.

Một quầy bán sầu riêng ở Bắc Kinh
Một quầy bán sầu riêng ở Bắc Kinh. (Ảnh: AFP)

Cơn "khát" trái cây nhiệt đới 

Nhập khẩu xoài hàng năm của Trung Quốc cả mặt hàng tươi và chế biến tăng đều đặn trong thời gian qua, đặc biệt tăng đột biến gấp 5 lần từ năm 2019 đến năm 2020. Theo tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, năm ngoái Trung Quốc nhập 84.000 tấn xoài, 80% số này đến từ Việt Nam. Jinwoo Cheon, nhà phân tích thị trường Công ty thương mại toàn cầu Tridge chỉ ra: "Nhu cầu tiêu thị trái cây nhiệt đới của Trung Quốc rất cao trong vài năm qua vì thị trường của họ không có sản phẩm thay thế vượt trội hơn. Ví dụ như sầu riêng là sản phẩm không thể thiếu".

Cơn "khát" trái cây nhiệt đới của thị trường đông dân nhất thế giới phản ánh nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm nhập khẩu từ khắp châu Á. Nền tảng tìm kiếm cung ứng nông sản thuộc Công ty Tridge thống kê nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mua 172,45 tỷ đô la Mỹ trái cây từ nước ngoài trong sáu tháng đầu năm 2021, tăng 26% so với năm trước. Con số này được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm tới. 

Trong số các quốc gia châu Á, Thái Lan dẫn đầu với tư cách là nhà xuất khẩu trái cây và sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc năm 2021. Đây là thành công mà chính phủ Thái Lan gặt hái được sau nhiều lần đàm phán, đi đến Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như hiệp ước khác giữa Trung Quốc và khối 10 thành viên ASEAN. Tuy nhiên, các nhà tư vấn dịch vụ chuyên nghiệp của Thái Lan, Mahanakorn Partners Group cho biết FTA ảnh hưởng đến các nông dân trồng tỏi, nhãn và các sản phẩm tươi sống khác tại đây do các sản phẩm thay thế rẻ hơn của Trung Quốc tràn ngập thị trường. Mặt khác, Malaysia cũng đang cố gắng gia nhập thị trường sầu riêng, trong khi xuất khẩu trái cây bao gồm nhãn và chuối sang Trung Quốc của Việt Nam, Philippines và Indonesia tăng 20% ​​so với cùng kỳ năm 2020.

Tridge chỉ ra nhu cầu đã bùng nổ ở các thị trường chính trong khu vực: "Chúng tôi thấy hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà còn ở Hàn Quốc và Nhật Bản khi thu nhập tăng lên". Trung Quốc là nhà nhập khẩu xoài, măng cụt và ổi lớn thứ hai toàn cầu sau Mỹ, mua tổng cộng khoảng 380.000 tấn vào năm 2020. Trong một báo cáo năm 2019, Trung tâm SME của EU có trụ sở tại Bắc Kinh đã nhấn mạnh với các nhà xuất khẩu rằng người tiêu dùng giàu có của Trung Quốc rất háo hức dùng thử các sản phẩm mới: "Tầng lớp trung lưu này đang dần hướng tới lối sống phương Tây dẫn đến nhu cầu cao hơn đối với các sản phẩm tốt cho sức khỏe".

Công ty tư vấn McKinsey cho biết trong báo cáo người tiêu dùng Trung Quốc năm nay, đơn đặt hàng trực tuyến đối với thực phẩm tươi và lành mạnh đã tăng vọt trong thời gian đại dịch, bất chấp chuỗi cung ứng không ít lần đứt gãy do dịch bệnh. Tương lai xuất khẩu trái cây của châu Á dường như sáng sủa hơn sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp trị giá 150 tỷ đô la Mỹ từ các thành viên ASEAN trong 5 năm tới như một biện pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa Bắc Kinh và khối chung.

Sithanoxay Suvannaphakdy, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện nghiên cứu Iseas-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, cho biết, FTA đã giúp thúc đẩy xuất khẩu trái cây của ASEAN sang Trung Quốc. Con số này tăng 117% mỗi năm trong thập kỷ qua, đạt 6,49 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019. Bà nói: "Năm 2019, xuất khẩu trái cây của ASEAN sang Trung Quốc lớn hơn nhập khẩu, dẫn đến thặng dư thương mại là 4,62 tỷ đô. Điều này cho thấy quy mô thị trường lớn của Trung Quốc tạo cơ hội cho các nước ASEAN tăng cường sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc". Hiệp định FTA giữa ASEAN và Trung Quốc có hiệu lực từ năm 2003 và thực hiện đầy đủ vào năm ngoái, mang lại khả năng tự do hóa thuế quan cao hơn so với các thỏa thuận song phương khác. 

Cái khó của trái cây Đông Nam Á từ góc nhìn của xoài Campuchia 

Công nhân phân loại xoài ở Campuchia
Công nhân phân loại xoài ở Campuchia. (Ảnh: Yon Sineat)

Mặc dù tiềm năng xuất khẩu trái cây của các nước Đông Nam Á được đánh giá cao nhưng không thể tránh khỏi tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Chẳng hạn, khối lượng nhập khẩu xoài Campuchia của Trung Quốc trong năm nay đã giảm xuống chỉ còn hơn 10.000 tấn trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11. Các nhà nhập khẩu xoài cho biết, thỏa thuận thương mại của Campuchia với Trung Quốc không thể đảm bảo ổn định tình hình hàng hóa giữa hai nước một sớm một chiều. 

Một nhà nhập khẩu Hồng Kông đã mua xoài Campuchia trong nhiều năm nhận định: "thị trường xám" kinh doanh xoài ở biên giới tỉnh Quảng Tây sẽ làm giảm giá cả và số lượng xoài thu mua. Thương nhân giấu tên cho hay: "Ở Quảng Tây, họ có những khu vực bán buôn trái cây khổng lồ nhưng không báo cáo và không thông quan từ Việt Nam". Ông nói thêm, các loại trái cây tương tự ở Quảng Tây cũng sẽ được phân phối khắp Trung Quốc bằng đường bộ.

Ngoài ra, thị trường trái cây xuất hiện tình trạng cạnh tranh giá khốc liệt. Chamm, Chamm, người trồng xoài ở tỉnh Kampong Speu nổi tiếng chia sẻ: "Thương nhân Trung Quốc chào giá 1.300 riel Campuchia (0,32 đô la Mỹ) mỗi kg. Chúng tôi không thể kiếm được lợi nhuận với mức giá này. Thế nhưng khi thương lái Việt hoặc Thái Lan chào giá cao hơn, phía Trung Quốc bắt đầu cạnh tranh ở mức 1.900 riel một kg khi họ biết tôi đã đồng ý 1.750 riel một kg với thương lái Việt Nam".

Một nông dân khác, Lach Leab, 52 tuổi, có khoảng 40 ha trồng xoài, cho hay, anh đã có một trải nghiệm tồi tệ khi giao dịch thương mại với một người mua Trung Quốc. Anh than thở: "Họ mới chỉ đặt cọc 30% rồi nói với tôi rằng trễ hẹn một vài ngày vì dòng tiền chưa về nhưng họ vẫn chất hàng tấn xoài lên xe tải và biến mất. Tôi mất trắng gần 70% giá trị hàng". Mặc dù từng bị lừa một lần nhưng Leab cho biết, anh vẫn sẽ giao dịch nếu đầu kia đưa ra các điều khoản tốt hơn như giá cả công bằng hoặc hợp đồng cung cấp nhiều năm. Nhiều năm kinh nghiệm buôn bán hàng xuất khẩu, ông Chamm khẳng định các điều khoản đóng vai trò rất quan trọng bởi chi phí sản xuất tăng lên từng ngày, ví dụ như giá phân bón. 

Phía Hồng Kông bày tỏ quan điểm trái chiều rằng, không thể tạo lợi thế riêng cho người xuất khẩu ở Campuchia chỉ để giúp họ thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Người trồng trọt muốn bán hàng trực tiếp sẽ cần tính đến phí thuê container vận chuyển xoài qua các con sông để cập cảng Sihanoukville phía Tây Nam, nơi trái cây sẽ được chuyển đến Trung Quốc. Trên thực tế, nhiều container đi đường sông không có máy lạnh và cần phải có điện tại cảng mới có thể bảo quản xoài trước khi chúng lên đường sang Trung Quốc. Tại Campuchia, đây vẫn là một điểm nghẽn lớn. Do đó, xoài Campuchia dù được ưa chuộng nhưng vẫn nằm lại ở phân khúc giá rẻ và không đạt được trạng thái "cao cấp" như các loại trái cây như Úc, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.

TL