Cốm làng Vòng: Thức quà dân dã của Hà Nội

22:58 26/02/2021

Mỗi dịp gió thu về, Hà Nội lại đón trở lại hương cốm làng vòng thơm nồng nàn. Cốm xanh đượm mùi thơm lúa non, gói mình trong lá sen với hương thơm dịu nhẹ khiến bất kể ai chỉ niếm một lần cũng đều xao xuyến.

Theo nhiều người kể lại, cốm làng Vòng có từ thời nhà Lý (1009-1225), đó là vào một mùa thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn, đê vỡ, ruộng lúa cao nhất đồng cũng chìm nghỉm. Người làng Vòng đành mò mẫm cắt những bông lúa còn non ấy đem về rang khô, ăn dần, chống đói. Không ngờ cái sản phẩm bất đắc dĩ ấy lại có hương vị riêng, rất hấp dẫn, khiến người làng Vòng thường hay làm để ăn chơi mỗi khi mùa thu đến. Cứ mỗi lần làm là một lần rút kinh nghiệm, sáng tạo thêm, hạt cốm ngày càng xanh, càng mỏng, càng dẻo, càng thơm… 

  Cổng làng cốm Vòng.

Cốm làng Vòng Hà Nội được làm từ nếp cái hoa vàng, loại nếp hạt tròn căng, bóng, mẩy. Mỗi năm lại có hai vụ nhưng có lẽ ngon nhất phải là khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10, khi tiết trời vào thu. Cách thức làm cốm thì có lẽ ở vùng quê nào cũng biết, nhưng để có được hạt cốm vừa dẻo vừa thơm ngon thì chắc chỉ có làng Vòng mới có được. Người ta cấy lúa nếp, đợi đến khi lúa khum ngọn, còn ngậm hơi sữa là gặt về để làm cốm. Lúa để làm cốm thì không được vò hay đập mà phải tuốt, tuốt rồi lại rang. Cốm rang xong phải mang giã ngay chứ không được để nguội. Trong quá trình giã cũng không được mạnh tay quá kẻo cốm nát. Khi giã phải luôn tay đảo cốm từ trên xuống, dưới lên cho đều. Cốm giã xong phải cho ngay vào trong các thúng con đã rải sẵn lá sen để mang đi bán ở các phố.

Cốm là thứ quà không dành cho người “sống gấp” hay kẻ “ăn thùng uống vại”. Ăn cốm tươi đúng kiểu là phải nhẹ nhàng dùng 5 đầu ngón tay nhón một ít rồi bỏ vào miệng rồi từ từ thưởng thức để cảm nhận cái dẻo dẻo, thơm thơm khi nhai và vị ngọt lan dần trong khoang miệng, lắng đọng nơi cuống họng, như thể ta đang đi trong làn nắng vàng sóng sánh, hóng gió thu. Cứ như vậy, từng chút từng chút một để nhâm nhi thưởng thức hương vị thanh tao của món đặc sản Hà Nội. 

Người Hà thành thường ăn cốm tươi kèm với hai loại quả không thể hợp cạ hơn đó là chuối tiêu trứng cuốc, tức là quả chuối tiêu chín tự nhiên có những chấm đen ở vỏ giống như quả trứng của con Cuốc và hồng ngâm. Hai hương vị ấy hoà nguyện với vị dẻo bùi của cốm và thoảng chút hương dìu dịu của lá sen tạo nên một món quà tao nhã và ngon đến lạ. 

  Cốm thường được ăn kèm chuối tiêu.

Ngoài ra, cốm làng Vòng Hà Nội còn có thể chế biến được rất nhiều món khác đem đến những hương vị riêng khác nhau như cốm xào, chè cốm, xôi cốm, nhưng với người sành ăn thì cốm tươi vẫn là ngon nhất.

Giờ đây, Hà Nội bước vào thời kỳ đổi mới, nghề làm cốm ở làng Vòng đã mai một dần, không còn tiếng chày tiếng cối giã cốm rộn ràng thân quen. Cốm mấy năm nay cũng chẳng được chuộng nhiều như trước. Người mua cốm chủ yếu là các hàng quán chả, quán chè, và đôi người mua để nhớ lại tuổi thơ thu Hà Nội. Giá cốm thì dao động khoảng 20.000đ - 25.000đ/ lạng mà cái công làm ra hạt cốm thủ công thật lắm gian truân.

Vì thế, để ăn cốm ngon và giữ được nét văn hóa đặc sắc, người sành ăn chỉ mua cốm tại những địa chỉ uy tín làng Vòng và một số nơi ở Mễ Trì, và đặc biệt phải ăn đúng mùa mới có thể cảm nhận được hương vị đúng chuẩn của hạt cốm. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì cốm làng Vòng luôn là món quà thiên nhiên ban tặng người nông dân và món quà ấy vẫn giữ nguyên thứ hương của mùa thu Hà Nội xưa mà khiến bất cứ một người con đất Hà Thành nào khi đi thì nhớ, khi về thì thương.

Trung Hiếu