Coi chừng "ăn trái đắng" khi mua bánh trung thu rao bán trên mạng!

05:16 10/09/2021

Tết Trung thu đang đến rất gần, trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và mạng xã hội đã xuất hiện tình trạng kinh doanh sản phẩm bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc...

Liên tiếp bắt giữ bánh trung thu nhập lậu

Mới đây nhất, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, thực hiện công tác giám sát và quản lý địa bàn, ngày 8/9, tại thôn La Lâm, xã La Krêl (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), Đội QLTT số 3 đã phát hiện và tiến hành khám đột xuất phương tiện vận tải xe “luồng xanh” BKS: 81L-3345 do ông Vũ Châu Quốc Hoàn (thường trú tại phường Yên Đỗ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) điều khiển.

Lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện số lượng lớn sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện số lượng lớn sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Khám xét xe ô tô, Đội QLTT số 3 phát hiện trên xe đang vận chuyển 139kg sản phẩm bánh trung thu được đóng trong 59 thùng, tổng số hơn 3.000 bánh trung thu các loại (64kg bánh trôi khô nhãn hiệu GANCHI TANGYUAN; 60 kg bánh ngọt nhân lòng đỏ trứng nhãn hiệu Aidebao và 15 kg bánh nhãn hiệu JZYUKANG).

Toàn bộ số hàng hóa trên là bánh trung thu có ghi nhãn tiếng nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Qua làm việc, ông Hoàn (lái xe cũng là chủ của số hàng hóa trên) thừa nhận đã mua số bánh trung thu trên trôi nổi trên thị trường vận chuyển từ TP. Pleiku qua huyện Đức Cơ để xuất qua nước Campuchia (qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh) bán kiếm lời.

Toàn bộ số hàng hóa nêu đã bị Đội QLTT số 3 đã lập biên bản, tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng trong ngày 8/9, đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Tây Ninh thông tin cho biết đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Thanh Hà về hành vi kinh doanh bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong vụ việc này, tang vật bị thu giữ là 1.524 bánh trung thu các loại.

Qua quá trình xác minh, làm việc, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ cũng như tính hợp pháp của số bánh trung thu nói trên và đã thừa nhận hành vi vi phạm.

Trước đó không lâu, cơ quan chức năng tại các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... cũng đã tạm giữ số lượng lớn bánh trung thu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, nhập lậu từ Trung Quốc.

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, do đang bước vào cao điểm tiêu dùng bánh trung thu các loại nên thời gian qua các cơ quan chức năng liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều lô hàng bánh trung thu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu. Cũng theo đại diện Tổng cục QLTT, trong hầu hết các vụ phát hiện và bắt giữ bánh trung thu đều có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc.

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo

Tết Trung thu đang đến rất gần trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, nhiều địa phương vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch. Lợi dụng dịch bệnh, thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng các đối tượng kinh doanh sản phẩm bánh trung thu trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và mạng xã hội.

Bánh trung thu giá rẻ các loại mới nhiều mẫu lòa loẹt, bắt mắt được rao bán trên mạng xã hội

Bánh trung thu giá rẻ các loại mới nhiều mẫu lòa loẹt, bắt mắt được rao bán trên mạng xã hội.

Nhiều cá nhân, hộ kinh doanh thường xuyên rao bán, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán online, cộng đồng các khu dân cư...

Khảo sát thực tế cho thấy, mặt hàng bánh trung thu rất đa dạng về mẫu mã và chủng loại, được rao bán với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, việc mua - bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh Trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm... tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc, mất an toàn.

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng; có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản;

Sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.

Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm, tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

Bảo Ngân