Có phải K-pop là “khách không mời mà đến” của Trung Quốc?

15:26 23/09/2021

Quay trở lại đầu những năm 2010, Trung Quốc được coi là một thị trường tiềm năng chưa được khai thác, là “mỏ vàng” của ngành công nghiệp K-pop.

Rất nhiều ca sĩ dựa vào lượng fan hâm mộ khổng lồ tại Trung Quốc đại lục đã kiếm được số lợi nhuận đáng kinh ngạc. Những gương mặt nổi tiếng như nhóm nhạc EXO có tới bốn thành viên người Trung Quốc lúc bấy giờ là tâm điểm thu hút sự chú ý. Các nam ca sĩ trẻ tổ chức hàng loạt các buổi biểu diễn ở nhiều thành phố, xuất hiện trên những chương trình truyền hình nổi tiếng cùng với người nổi tiếng ở địa phương. Ngay cả những ngôi sao K-pop “mới chớm” cũng có thể dễ dàng thâm nhập thị trường.

Tuy nhiên, tất cả những điều này đã nhanh chóng đi vào lịch sử vào năm 2016, sau khi Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên đất liền bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Kể từ đó, các ca sĩ Hàn Quốc đã bị cấm biểu diễn trên đất Trung và các công ty chủ quản, các hãng đĩa Hàn Quốc đã đánh mất một trong những thị trường béo bở nhất chiếm tới 20% tổng doanh thu vào năm 2016.

Gần đây, giới K-pop đối mặt với một thách thức khác: Chính quyền Trung Quốc tăng cường các quy định đối với lĩnh vực giải trí và các ngôi sao K-pop là một trong những mục tiêu. Đầu tháng này, mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đã áp dụng lệnh tạm ngừng 60 ngày đối với tài khoản người hâm mộ dành riêng cho Jimin, thành viên của nhóm nhạc nổi tiếng K-pop BTS, sau khi nhóm người hâm mộ của anh chàng thông báo kêu gọi được khoảng 490 triệu won (350.000 đô la) để chúc mừng sinh nhật sắp tới của nam thần tượng bằng cách thuê máy bay trang trí đầy hình ảnh của idol. Kể từ lúc những bức ảnh về chiếc máy bay được lan truyền, Weibo đã cấm tài khoản vì liên quan đến “gây quỹ bất hợp pháp” và đình chỉ một tháng đối với khoảng 20 tài khoản người hâm mộ K-pop khác vì “hành vi tôn thờ thần tượng đến mất lý trí”. Lệnh cấm được đưa ra vài ngày sau khi Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đưa ra một tuyên bố vào ngày 27 tháng 8, cho biết sẽ bắt đầu thực hiện các biện pháp kiên quyết để xử lý "các fandom hỗn loạn". Theo thông cáo, chính phủ Trung Quốc không chỉ cấm các fandom thu tiền ủng hộ các ngôi sao mà còn cấm tất cả người hâm mộ tranh cãi hoặc chửi bới trên mạng. 

HÌnh ảnh chiếc máy bay có in hình nam thần tượng của nhóm nhạc BTS
HÌnh ảnh chiếc máy bay có in hình nam thần tượng của nhóm nhạc BTS. (Ảnh: Yonhap)

Động cơ tiềm ẩn của Bắc Kinh

Một số người cho rằng những vụ ồn ào mới nhất liên quan đến những người nổi tiếng đã thúc đẩy Đảng Cộng sản Trung Quốc “thanh lọc” ngành giải trí. Tháng trước, Kris Wu, cựu thành viên người Canada gốc Hoa của EXO, đã bị bắt tại Trung Quốc vì nhiều tội danh cưỡng hiếp các cô gái chưa đủ tuổi thành niên. Vào tháng 5, một số người hâm mộ Trung Quốc chỉ vì bình chọn cho thí sinh yêu thích trong một chương trình tuyển chọn idol mà đã lãng phí 270 nghìn chai sữa sau khi quét hết mã QR trên chai. Nhưng theo các chuyên gia, phía Bắc Kinh có động cơ tiềm ẩn đằng sau đó. Đối với Bắc Kinh, K-pop là một vị khách không mời mà đến. Lee Gyu-tag, giáo sư nhân chủng học văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên Korea Times: “K-pop thực chất là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản… đánh giá cao những ý tưởng như tự do tư tưởng và biểu đạt đi ngược lại các giá trị xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, khiến đất nước áp đặt các hạn chế đối với thể loại này”.

Tác động của quy định của Bắc Kinh đối với ngành công nghiệp K-pop

Nhiều người trong ngành tin rằng những yêu sách mới của Bắc kinh sẽ không giáng đòn chí mạng vào K-pop bởi trong những năm qua, ngành này đã mở rộng khắp thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,… Trên thực tế, theo công ty theo dõi doanh số album Hàn Quốc Gaon, khoảng 50 triệu CD K-pop dự kiến ​​sẽ được bán trên toàn cầu trong năm nay, ngay cả khi doanh số bán ở Trung Quốc giảm từ 1 triệu đến 2 triệu do cuộc đàn áp.

Sau xung đột THAAD, các nhãn hiệu Hàn Quốc đã giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và cố gắng đa dạng hóa danh mục đầu tư nhưng không loại trừ quy định sẽ đem lại “những tác động lâu dài”. Theo Lee: “Một album không chỉ là một tổng hợp các bài hát… Đó là một công cụ quan trọng để quảng bá ca sĩ ở Trung Quốc, nơi các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến như YouTube và Facebook không thể được sử dụng một cách tự do. Vì vậy, chúng tôi phải theo dõi tình hình của Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi phải chuyển mình để phù hợp với thị hiếu của quốc gia này. Thay vào đó, chúng tôi cần tập trung vào các thị trường khác nhau ở Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu”.

TL (theo Korea Times)