Có một Quan Hóa vẫn “Xanh” trong đại dịch

16:42 21/08/2021

Sự bùng nổ của dịch bệnh trong nước và toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến huyện miền núi Quan Hóa. Thế nhưng khắc phục những khó khăn đó, Quan Hóa đang chuyển mình, “thay da đổi thịt” từng ngày, lấy lại vẻ đẹp “oai hùng” của một trung tâm chính trị- xã hội trong lộ trình Tây tiến một thời.

Là một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, với hơn 95% diện tích là đồi núi cùng với sự góp mặt của 3 con sông lớn (Sôn Luồng, sông Lô, Sông Mã) chảy qua địa bàn tạo nên một địa hình tương đối phức tạp đã khiến điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Quan Hóa gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Vốn là một trong 60 huyện khó khăn nhất cả nước, trước đây, nhắc đến huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) là nhắc đến những thiếu thốn, những gian nan, những thách thức mà ai sắp đến gần như phải xác định trước tư tưởng, bởi đến đây rồi, sẽ khó, sẽ khổ, sẽ thiếu… Thế nhưng, đó chỉ là câu chuyện của nhiều năm về trước. Quan Hóa bây giờ đang từng bước “hồi Xuân”.

Cơ quan HĐND - UBND huyện Quan Hóa
Cơ quan HĐND - UBND huyện Quan Hóa.

“Hồi Xuân” từ cây luồng

Từ thành phố Thanh Hóa, ngược lên phía Tây, theo hướng quốc lộ 15A và quốc lộ 127, Quan Hóa dần lộ ra sự hùng vĩ, thơ mộng với ngút ngàn màu xanh của rừng luồng nương theo hai triền sông Mã. Đó cũng chính là gam màu chủ đạo của Quan Hóa- gam màu của những cánh rừng luồng.

Ngoài giá trị giữ đất, giữ nước, điều hòa khí hậu, hạn chế xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn huyện và các vùng hạ lưu, cây luồng trên địa bàn huyện còn là nguồn thu nhập chính được xem như là cây xóa đói giảm nghèo, mang lại cơm no, áo ấm cho bà con nơi thượng nguồn sông Mã. Tuy nhiên, những năm trước, do chạy theo lợi nhuận, người ta đã “hạ tuổi” của rừng luồng, nhưng từ khi Quan Hóa vận động bà con trồng luồng theo tiêu chuẩn FSC, giá trị kinh tế từ cây luồng dang được cải thiện rõ rệt.

Cây Luồng - một lâm sản mang lại giá trị cao cho người dân Quan Hóa
Cây Luồng - một lâm sản mang lại giá trị cao cho người dân Quan Hóa.

Hiện Quan Hóa có hơn 27.500 ha rừng luồng. Để ngăn chặn rừng luồng suy thoái, huyện Quan Hóa đã hỗ trợ người dân các thôn, bản phân bón, chuyển giao khoa học kĩ thuật mới trong thâm canh, phục tráng rừng luồng. Đến nay, huyện đã thâm canh, phục tráng được 4.100 ha rừng luồng, khối lượng luồng sau khi trồng phục tráng đã tăng nhiều hơn trước, sản phẩm măng luồng đạt chất lượng, sản lượng tốt hơn so với lúc chưa thực hiện đề án. Qua đó, đời sống của bà con ngày càng được cải thiện, nâng cao nhờ phát triển kinh tế rừng luồng. Người dân cũng thay đổi từ tập quán canh tác quảng canh, không bón phân chăm sóc cho rừng luồng sang tập quán canh tác thâm canh, bón phân chăm sóc cho rừng luồng.

Từ hướng đi đúng đó, Quan Hóa đã khai thác được thế mạnh của địa phương, cùng với các lĩnh vực khác, từng bước cơ cấu, ổn định và  thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát và diễn biến phức tạp.

Để khẳng định lại tính thực tế của những kết quả đó, chúng tôi ngược về xã Phú Nghiêm và ghi nhận được đời sống của bà con nơi đây đã thực sự đổi mới. Từng nếp nhà được xây mới khang trang, bản làng ấm no sung túc, từng dải đường bê tông phẳng lì dẫn vào tận từng góc bản. nhìn bốn bề, đâu đâu cũng thấy sự hiện hữu của cây luồng trong đời sống lao động của bà con.

Trao đổi với phóng viên về cơ cấu kinh tế địa phương, ông Phạm Bá Trọng- Chủ tịch UBND xã Phú Nghiêm khẳng định: Kinh tế mũi nhọn của địa phương là trồng luồng, đây cũng là lợi thế và là cây trồng đặc trưng, đặc sản của Quan Hóa nói chung và Phú Nghiêm nói riêng. Vì thế, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư, chú trọng phát triển rừng luồng theo tiêu chuẩn FSC, đồng thời tích cực tìm đầu ra cho cây luồng, nhằm ổn định thu nhập cho bà con, hướng tới thực hiện thành công chương trình nông thôn mới nâng cao trong thời gian sớm nhất.

Ngọn núi
Ngọn núi "Pha Poọng" đường về xã Phú Nghiêm.

 Từ những giá trị thực tế mà cây luồng đã đem lại đối với việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho địa phương, trong thời gian tới, huyện Quan Hóa sẽ tiếp tục ưu tiên cho phát triển rừng luồng với việc tập trung thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách của tỉnh cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có việc phục tráng rừng luồng; tập trung bảo vệ, khai thác rừng luồng bền vững và chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm; tiếp tục mở rộng diện tích cấp chứng chỉ rừng luồng FSC cho nhóm hộ trồng luồng, nhằm tiếp tục mở rộng diện tích rừng luồng, tạo công ăn việc làm ổn định, tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân trong huyện.

Quan Hóa “Xanh” giữa đại dịch toàn cầu

Đến Quan Hóa hôm nay, chúng tôi cảm nhận rõ một sự chuyển mình mới mẻ. Đó là sự chuyển mình xứng đáng được ghi nhận, bởi Quan Hóa đã bắt đầu từ xuất phát điểm của một trong những huyện khó khăn nhất cả nước. Sự chuyển mình đó thể hiện trong tư duy nhận thức của người dân không chỉ về phát triển kinh tế mà còn cả trong mọi mặt cả đời sống xã hội, làm nên một Quan Hóa rất đỗi “xanh” trong bối cảnh CoVid toàn cầu.

Giữa cơn đại dịch, chúng tôi nhận ra một Quan Hóa kiên cường trong từng đợt dich bùng phát, trở thành “thành trì xanh” giũa đại dịch toàn cầu. Có được thành trì đó là sự nỗ lực và đồng lòng của lãnh đạo và nhân dân Quan Hóa, sự sát sao của BCĐ phòng chống dịch. 

Là một địa bàn phức tạp với 4,8km đường biên giới Việt Lào, BCĐ phòng chống dịch Quan Hóa thường xuyên đôn đốc, giám sát, công tác phòng chống dịch, bố trí thời gian để giám sát định kỳ, yêu cầu các xã, thị trấn báo cáo rõ hàng ngày “số người đến, đi tại địa phương; nắm chắc các đối tượng trở về từ vùng có dịch theo thông báo của Bộ Y tế, không bỏ sót đối tượng” dự kiến người có nguyện vọng về địa phương; chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng; thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lực lượng tuyến đầu trên địa bàn.

Khi có thông tin về ca dương tính BCĐ phối hợp với tổ giám sát khẩn trương, truy vết thần tốc, khoanh vùng, cách ly ngay đối với những người là F1, F2của ca dương tính Covid-19, rà soát trường hợp ở các tỉnh, thành phố có dịch, ổ dịch, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp đang có dịch nếu trở về địa phương, phải truy vết thần tốc, xét nghiệm nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly triệt để.

Cùng với đó, Quan Hóa cũng tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền, thường xuyên cập nhật chính xác các bản tin thông báo về tình hình dịch; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chú trọng truyền thông về thực hiện thông điệp 5K; kịp thời định hướng dư luận, không để người dân hoang mang, lo lắng. Đồng thời, xử lý nghiêm trường hợp thông tin sai lệch, không chính xác về tình hình dịch Covid-19. Hệ thống truyền xã liên tục cập nhật, thông báo diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; kịp thời đưa tin, phát sóng về tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, mục đích làm cho nhân dân thấm nhuần về công tác phòng chống dịch, từ đó, có ý thức tự giác trong sinh hoạt, hành vi, đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Từ sự nỗ lực và  quyết liệt đó, Quan Hóa đã vượt qua các đợt dịch bùng phát một cách an toàn, chưa ghi nhận F0 trên địa  bàn, xác lập một “thành trì xanh”, giữa diễn biến phức tạp của đại dịch.

Dòng sông Mã cuộn chảy về xuôi qua cầu
Dòng sông Mã cuộn chảy về xuôi qua cầu Na Sài.

Chia tay Quan Hóa một chiều hoàng hôn nhạt nắng, cái cảm giác âm u hoang giã của núi rừng không còn nữa, mà chỉ còn bình yên trên mỗi nếp nhà và hiền hòa trên từng con suối nhỏ, mang theo cảm giác bình an sau một chuyến tác nghiệp, chúng tôi thầm ngưỡng mộ ý chí, sự kiên cường, bền bỉ của đất và người nơi vùng núi cao nơi đây. Họ đã phủ “xanh” quê hương của mình bằng trách nhiệm, bằng tình yêu, sự cầu tiến và sức vươn lên mãnh liệt như chính dòng sông Mã đang chuyển mình trên hành trình “tây tiến”. Hẹn gặp lại Quan Hóa kiên cường hùng vĩ nơi đại ngàn dòng sông Mã với ngày về rực rỡ và vui tươi khi đất nước không còn bóng quân thù đại dịch.

Ngọc Lâm