Chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời phụ thuộc vào lao động từ Trung Quốc

11:10 15/05/2021

Pin năng lượng mặt trời là chìa khóa cho kế hoạch năng lượng của Tổng thống Biden nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu có thể phụ thuộc vào tình hình lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.

Trong hai thập kỷ qua, khu vực Tân Cương đã phát triển thành một trong những trung tâm sản xuất chính các bộ phận cấu thành tấm pin năng lượng mặt trời cho nhiều công ty trên thế giới. Nghiên cứu mới cho thấy phần lớn công việc dựa vào khai thác nhân công trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác. Trong báo cáo “In Broad Daylight: Uyghur Forced Labor and Global Solar Supply Chains” đưa ra bằng chứng về một thực tế đáng lo ngại: các thành phần tạo nên năng lượng sạch có khả năng được tạo bằng than bẩn và lao động cưỡng bức.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Phía Trung Quốc nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Khi được hỏi vào hôm thứ Tư về những cáo buộc lao động cưỡng bức làm ô nhiễm cung ứng tấm pin năng lượng mặt trời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này gọi đây là “một lời nói dối thái quá”. Báo cáo trên được viết bởi Laura Murphy, Giáo sư nhân quyền và nô lệ đương thời tại Trung tâm Công lý Quốc tế Helena Kennedy tại Đại học Sheffield Hallam và nhà phân tích chuỗi cung ứng Nyrola Elimä, người đã sống ở vùng Uyghur trong 19 năm. Trong đó nêu rõ: “Nhu cầu năng lượng mặt trời trên toàn cầu đã khuyến khích các công ty Trung Quốc nỗ lực hết sức để làm tròn trách nhiệm cung cấp thành phẩm càng rẻ càng tốt nhưng chúng ta phải trả một cái giá rất lớn cho những áp bức lao động xuất phát từ đầu nguồn cung ứng”. Bên cạnh đó, báo cáo còn trích dẫn hàng trăm tiết lộ công khai của các công ty, tuyên bố của chính phủ, bài báo trên phương tiện truyền thông nhà nước, bài đăng trên mạng xã hội, báo cáo ngành và hình ảnh vệ tinh, đồng thời nêu chi tiết cuộc điều tra về hơn 30 công ty sản xuất sản phẩm năng lượng mặt trời để xác định sự việc. 

Chính phủ các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền đã cáo buộc rằng nhóm lao động thiểu số đã bị lạm dụng thể chất và tinh thần. Nhiều ngành công nghiệp, bao gồm công nghệ, nông nghiệp và thương mại cũng phải đối mặt với những tuyên bố vi phạm. Trong khi đó, Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận các hành vi vi phạm nhân quyền và nói rằng các cơ sở trên có "trung tâm dạy nghề", nơi mọi người học các kỹ năng việc làm, ngôn ngữ Trung Quốc và luật pháp. 

Hiệp hội người Mỹ Duy Ngô Nhĩ biểu tình trước Nhà Trắng
Hiệp hội người Mỹ Uyghur biểu tình trước Nhà Trắng. (Ảnh: internet)

Báo cáo còn cho thấy sự hiện diện quá lớn mạnh của Trung Quốc trong ngành năng lượng mặt trời toàn cầu. Theo công ty nghiên cứu thị trường Bernreuter Research, quốc gia chiếm công suất sản xuất 71% đến 97% thành phần các tấm pin năng lượng mặt trời. Chỉ riêng Tân Cương đã sản xuất gần một nửa lượng polysilicon trên thế giới. Trong khi đó, nhiều quốc gia đang đặt cược vào năng lượng mặt trời như một dạng năng lượng tái tạo quan trọng hoạt động chuyển đổi các nguồn điện gây ô nhiễm. Theo một báo cáo hồi tháng 10 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năng lượng tái tạo, dẫn đầu là năng lượng mặt trời, có thể chiếm 80% mức tăng trưởng sản xuất điện trong thập kỷ tới.

Một công ty ở Tân Cương là Hoshine Silicon Industry được nhắc đến như một “nghiên cứu điển hình” trong báo cáo về tác động nhỏ giọt của lao động cưỡng bức đối với toàn bộ chuỗi cung ứng tấm pin mặt trời. Hoshine là nhà sản xuất silicon cấp luyện kim lớn nhất thế giới, một thành phần được tạo ra từ thạch anh được khai thác và nghiền nhỏ, sau đó được bán cho các nhà sản xuất polysilicon hàng đầu.

Báo cáo nêu rõ, chính phủ Trung Quốc bố trí lao động nông thôn "dư thừa" tại các nhà máy của Hoshine. Công ty này đã nhận tiền từ Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) - một tập đoàn bán quân sự do nhà nước điều hành trong khu vực hoạt động tương tự như chính quyền cấp tỉnh để đào tạo cho “những người lao động thặng dư ở nông thôn”. Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ năm ngoái đã ban hành các lệnh trừng phạt đối với XPCC liên quan đến các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người dân tộc thiểu số ở Tân Cương. Báo cáo cho biết, những người lao động thủ công tại cơ sở ở Tân Cương của Hoshine được trả công để nghiền silicon theo cách thủ công với mức 42 nhân dân tệ Trung Quốc (khoảng 6,50 USD) / tấn. Đây là mức lương thấp đến đáng báo động so với mức trung bình tại Trung Quốc và trên thế giới.

TL (theo CNN)