"Chúng tôi không thể chống lại chủ trương của PVN"

06:13 09/03/2021

Bị cáo Lê Thành Thái - nguyên Trưởng phòng Kinh doanh PVB khai biết rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ tiêu chuẩn dựa theo tiêu chí lựa chọn nhà thầu của Dự án, nhưng do sức ép từ cấp trên, bị cáo không thể gạt liên danh này ra.

Bị cáo Đinh La Thăng bị cho là người chỉ đạo quyết liệt

Chiều 8/3, phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” tại Dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ (Dự án Ethanol Phú Thọ) tại TAND TP. Hà Nội diễn ra với phần xét hỏi.

Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm
Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm. (Ảnh: T. Cường)

Bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) được yêu cầu cách ly để Hội đồng xét xử (HĐXX) lấy lời khai của các bị cáo khác.

Trả lời các câu hỏi của HĐXX, lời khai của hầu hết các bị cáo đều cho rằng bị cáo Đinh La Thăng là người chỉ đạo quyết liệt để chỉ định thầu cho liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T, dù liên danh này không đủ tiêu chuẩn để thực hiện Dự án Ethanol Phú Thọ.

Nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN Trần Thị Bình khai, thời điểm đó, bị cáo chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn đối với các dự án, không được trực tiếp chỉ đạo. "Bị cáo ký các công văn theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng. Trên thực tế, bị cáo không có chỉ đạo gì. Bị cáo chỉ hướng dẫn các đơn vị về hồ sơ, tiêu chuẩn đủ để thực hiện gói thầu, chứ không chỉ đạo, cũng không làm thay công việc của họ", bị cáo Bình khai trước tòa.

"Chúng tôi không thể chống lại chủ trương của PVN", bị cáo Lê Thành Thái - nguyên Trưởng phòng Kinh doanh PVB khai. Bị cáo này còn khẳng định thêm rằng dù biết rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ tiêu chuẩn dựa theo tiêu chí lựa chọn nhà thầu của Dự án, nhưng do sức ép từ cấp trên, bị cáo không thể gạt liên danh này ra.

Thậm chí, bị cáo này còn nhấn mạnh thêm: "Tôi mà nêu liên danh PVC không đủ tiêu chuẩn thì xin nghỉ việc luôn".

Bị cáo Vũ Thanh Hà - nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bọc ống dầu khí Việt Nam (PVB) khai nhận, năm 2009, để thực hiện Dự án Ethanol Phú Thọ, PVB đã tiến hành mời thầu rộng rãi. Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo giao cho PVC và cho liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T. Mặt khác, bị cáo đã tiếp cận nghị quyết của PVN ưu tiên giao việc cho PVC nên khi đó bị cáo nghĩ rằng, chỉ định thầu cho PVC là trách nhiệm.

HĐXX đã cho gọi các bị cáo khác liên quan để đối chất. Bị cáo Vũ Thanh Hà khai: tại cuộc họp với ông Đinh La Thăng, bị cáo đã từng báo cáo các vấn đề liên quan đến Dự án cũng như năng lực của PVC.

Khi Chủ tọa hỏi “ai là người quyết định dự án này thực hiện chỉ định thầu, thay vì đấu thầu?", bị cáo Hà khai:“Bị cáo là người ký quyết định chỉ định thầu, cũng bởi sức ép là do ông Thăng chỉ đạo thực hiện Dự án trước ngày 20/5/2009”.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh - cựu Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PVC, cũng khai ngay từ đầu, PVC không muốn tham gia dự án Ehanol Phú Thọ với mức giá hơn 59 triệu USD, mà theo tính toán của đơn vị này là hơn 85 triệu USD. Tuy nhiên, vì có chỉ đạo từ PVN nên PVC phải tham gia.

Bị cáo Đinh La Thăng phủ nhận vai trò

Sau khi đã thẩm vấn các bị cáo tại Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) và Công ty cổ phần hóa dầu nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), để làm rõ việc vì sao PVC được chỉ định thầu thực hiện Dự án Ethanol Phú Thọ, HĐXX cho gọi bị cáo Đinh La Thăng.

Bị cáo Đinh La Thăng trả lời HĐXX

Bị cáo Đinh La Thăng trả lời HĐXX. (Ảnh: T. Sơn)

Trả lời câu hỏi của HĐXX “bị cáo có chỉ đạo nào liên quan đến việc triển khai xây dựng gói thầu TK05 của Nhà máy nhiên liệu Ethanol Phú Thọ không?", bị cáo Đinh La Thăng khai: “Việc đó không phải trách nhiệm của tôi cho nên tôi không có bất kỳ một chỉ đạo nào. Trách nhiệm đó là của chủ đầu tư”.

HĐXX truy về việc tại một số cuộc họp, bị cáo Đinh La Thăng, với vai trò là Trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, đã nghe PVB, PVC báo cáo về việc triển khai Dự án, năng lực của PVC, thì bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, có rất nhiều cuộc họp nên không nhớ nội dung cụ thể. “Theo quy chế làm việc của Ban chỉ đạo, tôi chỉ đôn đốc về mặt tiến độ, còn quyết định các vấn đề của Dự án Ethanol Phú Thọ là trách nhiệm của chủ đầu tư”, bị cáo Thăng quả quyết.

Bị cáo Đinh La Thăng còn khai PVN không có bất kỳ một văn bản nào giới thiệu, hoặc ra nghị quyết nào là PVB phải giao Dự án cho Liên danh nhà thầu, có PVC tham gia.

Đề cập đến bút phê ngày 25/9/2009 giao Phó Tổng giám đốc Trần Thị Bình chỉ đạo 2 đơn vị “nếu PVC không ký hợp đồng trọn gói với giá là 59,177 triệu USD (không phát sinh) thì để PVB đàm phán với nhà thầu khác”, ông Đinh La Thăng thừa nhận có bút phê chỉ đạo với nội dung trên, nhưng cho rằng quyền quyết định là của chủ đầu tư, tức PVB.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cáo buộc, năm 2009, PVB quyết định đầu tư Dự án Ethanol Phú Thọ với tổng mức đầu tư hơn 1.317 tỉ đồng, công suất 100.000m3/năm. Ông Đinh La Thăng khi đó với vai trò là Chủ tịch HĐQT PVN, Trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, dù biết PVC không đủ năng lực để thực hiện gói thầu dự án, nhưng mục đích chỉ định thầu cho PVC nên ông Thăng đã ban hành chủ trương, chủ trì nhiều cuộc họp để kết luận chỉ đạo quyết liệt PVB và PVC hoàn tất các thủ tục chỉ định thầu liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu trái quy định, dẫn đến thiệt hại cho PVB tính từ ngày ngừng thi công đến khi khởi tố vụ án là hơn 543 tỉ đồng.

Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc hưởng lợi 3 tỷ đồng

Dự án Ethanol Phú Thọ được thực hiện trong thời gian dài, đầu tư lớn nhưng đến nay không thu được bất kì hiệu quả nào. Dự án Ethanol Phú Thọ đã ngừng thi công và đang trong tình trạng "đắp chiếu". Trong những vấn đề nguồn tiền, một chi tiết được đại diện Viện kiểm sát nêu ra tại tòa là Trịnh Xuân Thanh đã sử dụng tiền tạm ứng của Dự án để mua 3.400m2 đất Tam Đảo (Vĩnh Phúc) trái quy định của pháp luật.

Ông Trịnh Xuân Thanh đề nghị Hội đồng xét xử cho phép gia đình và báo chí tham dự phiên tòa

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị HĐXX cho phép gia đình và báo chí tham dự.

Trong phần thủ tục, bị cáo Trịnh Xuân Thanh - cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC), đề nghị Hội đồng xét xử cho phép gia đình mình tới dự tòa. Ngoài ra, bị cáo này cũng thắc mắc phiên tòa diễn ra công khai nhưng không thấy báo chí, nên cần có báo chí dự, đưa tin.

Với đề nghị của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Chủ tọa cho rằng phiên tòa diễn ra trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên không thể triệu tập đông người, nhưng tòa đã triệu tập ông Trịnh Xuân Giới (bố bị cáo Thanh) tới tham dự. Ông Giới lại ủy quyền cho anh Trịnh Hùng Cường (con bị cáo Thanh) tới dự.

Tại phần trình bày cáo trạng, đại diện Viện Kiểm sát nêu rõ: "Bị can Trịnh Xuân Thanh đã bàn bạc với bị can Đỗ Văn Hồng (nguyên Chủ tịch PVC Kinh Bắc) về việc mua 3.400m2 đất Tam Đảo (Vĩnh Phúc) bằng tiền tạm ứng cho Dự án, số tiền là 25 tỷ đồng".

Hành vi này gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng. Để hợp thức hóa, năm 2014 bị can Trịnh Xuân Thanh thành lập Công ty Mai Phương, yêu cầu Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty Mai Phương với giá hơn 20 tỷ đồng, để bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên. Viện Kiểm sát xác định Trịnh Xuân Thanh đã hưởng lợi 3 tỷ đồng trong vụ việc này.

Trần Linh (T/h)