Chứng khoán Việt liệu có đang lạc quan quá đà?

00:00 12/10/2020

Thị trường chứng khoán hôm nay 5.8 tiếp tục giao dịch khởi sắc, kết phiên tăng hơn 10 điểm. Tính trong tuần đầu tiên của tháng 8, VN-Index vẫn giữ vững đà tăng bất chấp tình hình dịch bệnh căng thẳng trở lại và giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Liệu thị trường có đang lạc quan quá đà?

Chờ đợi bước tiến về tư duy chứng khoán | Chứng khoán | Đầu tư ...

Ảnh minh họa

Mở cửa phiên hôm nay, VN-Index diễn biến tiêu cực trong 30 phút đầu khi giảm xuống 820 điểm. Tuy nhiên đà tăng trở lại sau đó và duy trì đến cuối phiên, đóng cửa ở mức cao nhất 837,8 điểm - tăng 10,23 điểm, tương đương 1,24%.

Đà tăng nhờ hỗ trợ đắc lực của nhóm VN30 với 27/30 mã tăng, đưa VN30-Index tăng 12,49 điểm - tương đương 1,63%. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 1,35%, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,3%. Các hợp đồng phái sinh cũng đồng loạt tăng.

Theo công ty chứng khoán BSC, VN-Index dần trở lại mốc trước khi đợt dịch Covid-19 thứ hai bùng phát cuối tháng 7. VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 825 điểm cho thấy tâm lý giao dịch của thị trường được củng cố, tuy nhiên nhiều khả năng thị trường sẽ kiểm tra lại mức này trong những phiên tới.

Như vậy chỉ trong ba phiên đầu tiên của tháng 8, VN-Index đã tăng gần 40 điểm, xấp xỉ 3%. Đáng nói đà tăng diễn ra trong bối cảnh thị trường đón nhận những tin tức kém khả quan về tình hình dịch bệnh trở lại, tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Điều này dấy lên lo ngại liệu thị trường có đang lạc quan quá đà?

Chia sẻ với Forbes Việt Nam, ông Hoàng Thạch Lân, trưởng phòng tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng "chưa thể gọi quá đà nhưng có vẻ nhà đầu tư đang khá lạc quan với thị trường trong ngắn hạn."

 

Chứng khoán Việt liệu có đang lạc quan quá đà? - ảnh 1

Tăng trưởng lợi nhuận theo quý so với cùng kỳ. Nguồn: VNDirect 

Điều này có thể xuất phát từ việc Chính phủ cho biết sẽ không thực hiện giãn cách xã hội như trong đợt bùng phát dịch đầu tiên. Ngoài ra, thông tin về khả năng sớm thương mại hóa vắc-xin Covid-19 và diễn biến trên sàn chứng khoán Mỹ đã hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Ông Lân nhấn mạnh, nhà đầu tư đang có “chỗ dựa” để phản ứng tích cực trong ngắn hạn, trong khi các tác động cụ thể từ số liệu kinh tế vĩ mô và doanh nghiệp cần thêm thời gian mới "ngấm".  

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy trong nửa đầu năm GDP cả nước tăng trưởng 1,81%, thấp nhất trong hai thập niên qua. Tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến gần như toàn bộ nền kinh tế, bao gồm khối SMEs vốn chiếm đông đảo trong nền kinh tế và là nhóm chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất.

Các doanh nghiệp niêm yết cũng không ngoại lệ. Công ty chứng khoán VNDirect dẫn số liệu Fiingroup cho thấy trong quý II tổng lợi nhuận của 826 doanh nghiệp trên ba sàn, chiếm 94% vốn hóa toàn thị trường đã giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó dầu khí, du lịch và bán lẻ là những nhóm ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch.

Ông Lân cũng dẫn số liệu Rồng Việt cho biết hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết báo lãi quý II giảm so với cùng kỳ. Mức suy giảm lợi nhuận không chỉ trong lĩnh vực hàng không, du lịch, bán lẻ, bất động sản… mà ở rất nhiều nhóm ngành.

“Nhiều doanh nghiệp lớn báo lãi tăng nhưng tôi nghĩ là họ đang “gồng lãi”, tức là lỗ nếu loại bỏ các khoản lợi nhuận bất thường, hay thậm chí thủ thuật kế toán. Để phục hồi, doanh nghiệp cần không ít hơn 5 tháng,” ông Lân đánh giá.

Chuyên gia này cũng nhận định rằng “thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm không thể là câu chuyện ngắn hạn, nhà đầu tư có thể lướt sóng nhưng rủi ro luôn hiển hiện”.

Tại thời điểm cuối tháng 7, VN-Index giao dịch ở mức định giá khoảng 12,3 lần, thấp hơn so với giai đoạn trước dịch (cuối tháng 1.2020) nhưng nay đã tăng hơn 23% so với mức thấp nhất hồi cuối tháng 3.

Theo BSC, vận động của thị trường trong ngắn hạn không chỉ phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch mà còn liên quan đến đầu tư công và các hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Trong kịch bản khả quan, VN-Index dao động trên 800 điểm với thanh khoản và xu hướng hồi phục; ngược lại có thể xuống dưới 750 điểm khi thế giới có những diễn biến tiêu cực và tình hình dịch bệnh nghiêm trọng cùng với làn sóng rút vốn mạnh của khối ngoại.  

Theo ông Lân, "rủi ro lớn nhất vẫn là các diễn biến liên quan đến dịch Covid-19, nó có thể xóa tan mọi thành quả đầu tư (lướt sóng) hoặc thậm chí khiến nhà đầu tư có thể 'cháy' tài khoản nếu sử dụng đòn bẩy và không quyết đoán cắt lỗ.”

Vị chuyên gia từ chứng khoán Rồng Việt cho rằng thị trường khó giảm sâu như giai đoạn tháng 3, tuy nhiên với đặc trưng là thị trường non trẻ, đầu tư cá nhân đông và thích lướt sóng, sử dụng vốn đòn bẩy… nên sẽ rất dễ có những phiên "gãy" xu hướng trong thời gian tới.

Trong khi đó dự báo lợi nhuận doanh nghiệp trong rố VN-Index năm 2020 sẽ giảm 5-6% so với mức tăng 7,1% của năm 2019, công ty chứng khoán VNDirect cho rằng thị trường có thể dao động trong khoảng 840-920 điểm về cuối năm, với dự phóng P/E toàn thị trường khoảng 14-15 lần.   

Trong khi chứng khoán biến động khó lường thì vàng vẫn được giới đầu tư lựa chọn như một kênh trú ẩn tài sản. Giá vàng thế giới tiếp tục chinh phục đỉnh mới và vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce. Tại thời điểm 17h30 hôm nay vàng thế giới giao dịch ở mức 2.040 USD/ounce, tăng 40 USD/ouce, tương đương 2% so với đầu phiên.

Vàng trong nước cũng bật tăng mạnh và liên tục vượt đỉnh mới. Tại công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn, giá vàng tại thời điểm 16h30 đạt 59,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán, tăng hơn 1,12 triệu đồng so với đầu phiên và chênh lệch 1,2 triệu đồng/lượng so với giá mua vào.

Tính từ đầu năm, giá vàng trong nước đã tăng hơn 38%, tính theo chiều bán ra trong khi đó VN-Index giảm 6% so với thời điểm đầu năm.

Kỳ Ngọc