Chứng khoán Mỹ lo tới lúc xuống dốc

00:00 12/10/2020

Các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ đang có một mùa hè “ngập nắng” khi mọi chuyện dường như đều tươi sáng: Các chỉ số ở gần mức kỷ lục, Tổng thống Mỹ Donald Trump mở đường cho cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, thị trường việc làm vững vàng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tỏ thái độ quyết đoán trong việc hạ lãi suất…

Thị trường chứng khoán Mỹ đã gia tăng giá trị thêm 5 nghìn tỷ USD kể từ đầu năm 2019 cho tới nay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, các chuyên gia phố Wall lại bắt đầu đưa ra những dự báo không lấy làm tích cực khi cho rằng, thị trường sẽ bắt đầu đi xuống trong nửa sau của năm 2019.

Trong tuần vừa qua, chỉ số S&P 500 đã lần đầu tiên phá vỡ mốc 3.000 điểm. Thị trường chứng khoán Mỹ đã gia tăng giá trị thêm 5 nghìn tỷ USD kể từ đầu năm 2019 cho tới nay. Dù vậy, có nhiều lý do để giới chuyên gia cho rằng, sự lạc quan sẽ không kéo dài cho tới cuối năm 2019 và tháng 6 “kỳ diệu” khi mọi chỉ số chính đều leo dốc sẽ không lặp lại.

“Ða phần đà tăng năm nay đều đã được tính toán. Chỉ số S&P 500 đã tăng 19% trong 6 tháng đầu năm, đây là một khởi đầu tuyệt vời nhất kể từ năm 1997 cho tới nay. Nhưng chắc chắn ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể kỳ vọng đà tăng này sẽ kéo dài cho tới cuối năm”, Arthur Hogan, chiến lược gia trưởng tại National Securities Corp cho biết.

Thực tế, mối lo lắng về tăng trưởng kinh tế Mỹ và cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới không hề biến mất. Các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đã được sắp xếp, nhưng chưa có nhiều tín hiệu cho thấy tình trạng bất đồng có sự cải thiện. Trong ngắn hạn, các thông tin từ những cuộc đàm phán có thể hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư, nhưng xa hơn, khó có thể yên tâm cuộc chiến tranh thương mại sẽ đi đến cái kết tốt đẹp.

“Giới đầu tư đang chầm chậm nhận ra, ngay cả khi đã đi được 90% quãng được, thì khả năng không về tới đích vẫn hiện hữu. Trong bối cảnh này, việc thị trường chứng khoán đạt được mốc cao hơn là ngày càng khó khăn”, Shawn Cruz, người đứng đầu bộ phận chiến lược giao dịch tại TD Ameritrade nhận định.

Ðáng chú ý, đa phần các khảo sát chuyên gia, nhà đầu tư do Bloomberg thực hiện đều có chung kết quả, các thành viên thị trường cho rằng S&P 500 sẽ kết thúc năm 2019 ở mức thấp hơn so với hiện tại. Chẳng hạn, Citigroup dự báo chỉ số này kết thúc năm ở mức 2.850 điểm, trong khi RBC ước tính ở 2.950 điểm và cả 2 tổ chức đều cảnh báo nhà đầu tư rằng đà tăng hiện tại không bền vững. Thậm chí, Credit Suisse khuyến nghị nhà đầu tư nên ở vị thế cẩn trọng, nhìn nhận môi trường đầu tư trong xu hướng đi xuống.

Cùng chung quan điểm, Samantha Azzarello, chiến lược gia thị trường toàn cầu của JPMorgan ETFs cho rằng, đã tới lúc giới đầu tư nên chốt lời hoặc cân nhắc lại danh mục đầu tư của mình. 

Nhìn vào các yếu tố cơ bản, giới đầu tư khó có thể yên tâm với xu hướng tăng của thị trường hiện tại. Các phân tích của Morgan Stanley chỉ ra rằng, chỉ số đo lường sức mạnh của hoạt động sản xuất tại Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016 cho tới nay, trong khi nhiều số liệu kinh tế khác cũng không lấy làm tích cực.

Trong khi đó, dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 khiến các thành viên thị trường không khỏi lo lắng. Hơn 80% số doanh nghiệp này đã công bố ước tính kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh mới với con số lợi nhuận bị hạ xuống so với dự báo trước đó. 

“Theo tính chu kỳ, đây không phải thời điểm tích cực đối với giá cổ phiếu và năm 2019 sẽ không phải ngoại lệ”, chiến lược gia Tobias Levkovich của Citigroup nhận định.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)