Chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng lo

00:00 12/10/2020

Do tác động của dịch Covid-19, thị trường chứng khoán liên tiếp chứng kiến những phiên bán tháo khiến giá của hầu hết cổ phiếu lao dốc. Trước diễn biến này, nhiều nhà đầu tư đang tỏ ra lo ngại với việc cổ phiếu được sử dụng làm tài sản để thế chấp, phát hành trái phiếu, đặc biệt là khối doanh nghiệp bất động sản.

Thị trường chứng khoán Việt vừa trải qua hơn một tuần giao dịch "đỏ lửa" khi chỉ số Vn-Index ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong lịch sử, “bốc hơi” khoảng 146 điểm, tương ứng giảm khoảng gần 18%. Vốn hóa thị trường ước tính giảm hơn 30 tỷ USD bất chấp các cam kết hỗ trợ từ Chính phủ, những trấn an từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Nhiều cổ phiếu được "cầm cố"

Diễn biến của thị trường cổ phiếu khiến các nhà đầu tư trái phiếu cũng “ngồi trên đồng lửa”. Nguyên nhân là do không ít doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp bất động sản lựa chọn phương án sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo khi phát hành trái phiếu.

Có thể kể đến như đầu năm 2020, ban lãnh đạo CTCP Tổng công ty Tín Nghĩa (mã: TID) đã thông qua việc phát hành riêng lẻ trái phiếu với tổng giá trị lên tới 300 tỷ đồng (300 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu).

Số trái phiếu này thuộc loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo. Mục đích của đợt phát hành lần này nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và/hoặc đầu tư dự án Khu công nghiệp Ông Kèo (Đồng Nai). Trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, kỳ tính lãi là mỗi giai đoạn kéo dài 3 tháng liên tục trong thời hạn trái phiếu. Tài sản đảm bảo cho lượng trái phiếu này là gần 15 triệu cổ phiếu TID (thuộc sở hữu của doanh nghiệp).

Hay như trước đó, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) đã công bố con số nợ vay ngân hàng và qua kênh trái phiếu đạt gần 2.200 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2019), chiếm gần 16% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Một số khoản vay của Phát Đạt áp dụng mức lãi suất khá cao, điển hình như khoản vay 22,5 triệu USD (523 tỷ đồng) từ Vietnam New Urban Centre, lãi suất sẽ cố định ở mức 15%/năm. Tài sản đảm bảo cho khoản vay “khủng” này là 28,5 triệu cổ phiếu PDR.

Phần lớn các khoản vay khác cũng được thế chấp bằng cổ phiếu. Trong đó, đợt phát hành trái phiếu “nổi tiếng” đáo hạn vào tháng 4/2020 áp dụng lãi suất 14,45%/năm cũng được đảm bảo bằng 18 triệu cổ phiếu của cổ đông công ty.

Sau lô trái phiếu này, Phát Đạt đã phát hành thêm 5 đợt trái phiếu khác, trong đó cũng có những đợt sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng Phát Đạt đã sử dụng 60 triệu cổ phiếu do cổ đông sở hữu để làm tài sản đảm bảo phát hành trái phiếu.

Việc sử dụng cổ phiếu để làm tài sản đảm bảo cũng được khá nhiều tổ chức phát hành sử dụng như Văn Phú – Invest (30 triệu cổ phiếu VPI), Đạt Phương (gần 3,5 triệu cổ phiếu DPG), Đất Xanh (toàn bộ gần 63 triệu cổ phiếu LDG do Đất Xanh sở hữu và sở hữu của các công ty con)...

cam-co-co-phieu-de-phat-hanh-t-4339-9597

Một số doanh nghiệp bất động sản thường sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành trái phiếu (Ảnh: Internet)

Rủi ro bất ngờ

Quan sát diễn biến giá cổ phiếu tại một số doanh nghiệp sử dụng cổ phần làm tài sản thế chấp như đã nêu trên, cổ phiếu VPI và PDR ổn định về giá khi chỉ giảm nhẹ 2 - 3% so với thời điểm đầu năm. Mức giảm này thấp hơn đáng kể so với mức giảm 21,2% của thị trường chung.

Tuy nhiên, cổ phiếu DPG của Đạt Phương lại giảm giá đến 39,07% so với cuối năm 2019; cổ phiếu LDG cũng giảm giá đến 27,8%. Mới đây, Đạt Phương đã phải có động thái "đỡ giá" khi đăng ký mua vào tối đa 1,5 triệu cổ phiếu quỹ, thời gian giao dịch từ 18/3 - 17/4 theo phương thức khớp lệnh.

Dưới góc nhìn của nhà phân tích, ông Trần Bá Duy - Chứng khoán VNDirect cho rằng, nhà đầu tư không nên đầu tư trái phiếu của những doanh nghiệp có nợ vay lớn, tiềm năng của dự án chưa rõ ràng, dù lãi suất có lớn tới đâu.

Thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản đồng loạt phát hành trái phiếu với mức lãi suất cao trong tất cả các đợt phát hành, đặc biệt là Công ty Phát Đạt. Phía doanh nghiệp thì cam kết đủ sức trả lãi suất cao như vậy nhưng không có gì để chứng minh.

Ông Duy cho biết, nhiều nhà đầu tư chỉ nhìn vào giá cổ phiếu hiện tại sau khi các doanh nghiệp này phát hành trái phiếu để làm căn cứ đầu tư, nhưng phải hiểu rằng để phát hành trái phiếu ồ ạt như vừa qua thì lượng cổ phiếu mà các doanh nghiệp mang đi “cầm cố” cũng ở mức lớn.

Vị dụ như trường hợp của Phát Đạt, công ty đã dùng tổng cộng hơn 88 triệu cổ phiếu PDR, tương đương 27% lượng cổ phiếu đang niêm yết trên sàn chứng khoán làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

“Khi các ngân hàng, định chế tài chính nắm giữ cổ phiếu PDR thì họ sẽ cố giữ giá cổ phiếu ổn định. Tuy nhiên, họ sẽ nhận định được tiềm năng dự án đó có khả thi hay không, nếu không khả thi thì họ sẽ bán ra lượng cổ phiếu này, dẫn đến có vấn đề về thanh khoản cổ phiếu và phải giải chấp cổ phiếu. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền cũng như gây khó khăn cho doanh nghiệp vì đang phải đi vay với lãi suất cao”, ông Duy phân tích.

Lo ngại như vậy là hoàn toàn có cơ sở khi trong lịch sử từng có những trường hợp các nhà băng phải bán giải chấp cổ phiếu để thu hồi nợ vay. Điển hình như năm 2016, Ngân hàng Bản Việt giải chấp 2,62 triệu cổ phiếu HNG của HAGL Agrico do Hoàng Anh Gia Lai nắm giữ. Cùng với đó, ACB cũng giải chấp 5,82 triệu cổ phiếu HNG.

Nguyên nhân là do thị giá giao dịch của lượng cổ phiếu cầm cố đã sụt giảm đến mức thấp, vùng giá mà các ngân hàng bán giải chấp cổ phiếu HNG là 10.000 đồng/cp, giảm 70% so với mức đỉnh 33.500 đồng/cp (7/2015).

Linh Đan