Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương, không tính Nhật Bản, tăng 0,4% lên cao nhất kể từ tháng 8/2018 vào khoảng 9h00 sáng nay (giờ Hà Nội).
Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Component lần lượt tăng 0,85% và 1,49% ngay trong đầu phiên hôm nay. Các cổ phiếu blue chip tại thị trường này tăng 1,4% lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2018.
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng cũng tăng 0,55%.
Kospi của Hàn Quốc tăng 0,23% sau khi hãng hàng không Korean Air Lines thông báo Chủ tịch Cho Yang-ho vừa qua đời. Cổ phiếu của hai công ty do ông Cho làm chủ tịch, là Korean Air Lines và công ty vận tải Hanjin Transportation, lần lượt tăng hơn 3% và 13%.
Ngoài ra, ASX 200 của Australia cũng tăng 0,55%, với cổ phiếu tại hầu hết lĩnh vực đều tăng điểm.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản trái chiều, với Nikkei 225 tăng chưa tới 0,1% và Topix giảm 0,21%.
Chỉ số NZX 50 của New Zealand và Straits Times của Singapore lần lượt giảm 0,22% và 0,24% vào cùng thời điểm.
Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trước hết là nhờ tín hiệu tích cực từ thị trường việc làm tại Mỹ. Theo báo cáo việc làm được Bộ Lao động Mỹ công bố vào cuối tuần trước, thị trường việc làm Mỹ tạo ra 196.000 việc làm trong tháng 3, với tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 3,8% và mức lương của người lao động tiếp tục tăng 3,2% so với năm ngoái.
Cũng trong cuối tuần trước, theo văn bản được công bố trên trang web chính thức, chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh chính sách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc mục tiêu đối với các ngân hàng, nhằm kích thích hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về sự kiện của tuần này, biên bản họp chính sách tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ được công bố vào ngày 10/4. “Biên bản này sẽ cho thị trường biết mức độ ôn hòa của Fed trong chính sách tiền tệ. Chúng tôi cho rằng có rất ít khả năng Fed sẽ thảo luận về việc hạ lãi suất”, nhóm chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán TD cho biết.
Theo Tổng thống Donald Trump, kinh tế Mỹ sẽ cất cánh như tàu vũ trụ nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất.
Tuần này, giới đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc sau khi hai bên đạt được một số bước tiến nhất định. Trong vòng đàm phán vừa qua, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đàm phán về một loạt vấn đề, như tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ, hàng rào phi thuế quan, nông sản, dịch vụ, hoạt động mua hàng hóa Mỹ và cơ chế thực thi thỏa thuận.
Minh Lan/Theo CNBC, Reuters