Chưa thấy “sóng” M&A hậu Covid-19 tại Việt Nam

14:51 16/10/2020

Sau một giai đoạn “án binh bất động” vì đại dịch COVID-19, các công ty trên toàn cầu đang quay trở lại tiến hành các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A). Tuy nhiên tại Việt Nam lại chưa thấy có hiện tượng này, trái ngược với nhận định hoạt động M&A sẽ sớm sôi động trở lại sau khi dịch được kiểm soát.

Xu hướng phục hồi chưa rõ nét

Theo báo cáo mới nhất của hãng thu thập và phân tích dữ liệu Refinitiv, hoạt động M&A đã “bùng nổ” trong quý III/2020, sau khi giới quản lý cấp cao lấy lại được tự tin và xem xét lại các giao dịch bị ngừng trệ trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch. Cụ thể, tổng giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu trong quý vừa qua lên tới hơn 1.000 tỷ USD và tăng hơn 80% so với quý II, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực có khả năng chống chịu qua đại dịch như công nghệ và chăm sóc sức khỏe.

Trong khi đó, diễn biến tại thị trường Việt Nam lại trái ngược. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, vốn FDI đăng ký 9 tháng đầu năm đạt 21,23 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm thấp hơn so với 3 tháng đầu năm (giảm 20,9%) nhưng giảm mạnh hơn so với luỹ kế 6 tháng (giảm 15%), cho thấy diễn biến tổng quan của dòng vốn nước ngoài vẫn lên xuống thất thường và chưa thực sự ổn định. Tổng vốn FDI đăng ký giảm mạnh so với năm 2019 chủ yếu do vốn đăng ký theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chỉ đạt 5,7 tỷ USD, giảm mạnh 44,9%; trong khi vốn đăng ký cấp mới chỉ giảm nhẹ 5,6%, đạt 10,36 tỷ USD; còn vốn đăng ký bổ sung tăng 6,7% so với cùng kỳ, đạt 5,11 tỷ USD. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019 (từ gần 40% trong 9 tháng năm 2019 xuống 27% trong 9 tháng năm 2020).

chua thay song ma hau covid 19 tai viet nam

Việt Nam vẫn được đánh giá có vị thế thuận lợi trên thị trường M&A giai đoạn hậu Covid-19

Về giải ngân, vốn FDI thực hiện sau 9 tháng đạt 13,76 tỷ USD, giảm 3,23% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên đây cũng là mức giảm thấp hơn so với mức giảm của quý I và 6 tháng đầu năm (luỹ kế 3 tháng và 6 tháng năm 2020 lần lượt giảm 6,6% và 5% so với cùng kỳ năm 2019).

Qua kết quả hoạt động thu hút FDI, có thể thấy rõ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến thu hút đầu tư nước ngoài. Tình hình dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, khiến hoạt động thương mại, đầu tư bị đình trệ, mà còn tạo nên tâm lý e ngại, trì hoãn mở rộng đầu tư của nhiều DN nước ngoài. Điều này khiến vốn FDI đăng ký suy giảm, đặc biệt là vốn đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần.

Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng cục Thống kê, hiện tượng sụt giảm chủ yếu xảy ra trong các tháng đầu năm và đã dần phục hồi trong quý III vừa qua, giúp 9 tháng chỉ còn sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ. Đây là kết quả đáng ghi nhận từ các nỗ lực phòng chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế của Chính phủ. Đặc biệt, trong bối cảnh dòng vốn FDI trên thế giới có xu hướng sụt giảm, với mức giảm lên tới 40% trong năm 2020 và có thể tiếp tục giảm 5% tới 10% trong năm 2021 (theo dự báo của UNCTAD) thì kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là đáng khích lệ.

M&A sụt giảm là khá bất ngờ

Bình luận về hiện tượng vốn M&A của NĐT nước ngoài sụt giảm, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài đánh giá là khá bất ngờ. Theo ông Toàn, thông thường hoạt động M&A không quá bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thay vào đó dịch bệnh chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp tới các dự án đầu tư mới có liên quan tới việc xây dựng nhà máy, công xưởng. Vì vậy cũng cần lưu ý và tìm ra nguyên nhân. “Nếu tỷ trọng M&A giảm nằm trong xu thế chung thì không vấn đề gì, còn giảm cao hơn so với đầu tư mới hay tăng vốn thì cũng phải suy nghĩ”, ông Toàn nói.

Bên cạnh đó, vị này cũng cho rằng cần ngoại trừ vấn đề tác động chính sách, bởi chính sách đối với hoạt động M&A tại Việt Nam đang được NĐT nước ngoài đánh giá là khá thông thoáng. Thêm vào đó, có thể nhận định nguyên nhân lớn nhất khiến dòng vốn ngoại qua M&A chững lại là do xu hướng chung của thế giới khiến vốn đầu tư ra nước ngoài giảm đi rất nhiều, các công ty, tập đoàn lớn đều quay trở lại thị trường nội địa.

Theo các chuyên gia, đặt trong bối cảnh chung, kinh tế toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vì vậy cũng chưa kết luận được gì nhiều vì sự dịch chuyển dòng vốn vẫn chưa có xu hướng rõ ràng. Bên cạnh đó, trong giai đoạn trước đây Việt Nam đã có nhiều thương vụ quy mô lớn, đẩy số liệu lên cao. Do đó khi dòng vốn này chững lại thì tốc độ sụt giảm cũng lớn. Do đó nếu chỉ nhìn trong khoảng thời gian ngắn hạn trong 6 tháng hoặc 1 năm, sẽ không thể hiện được xu hướng lớn.

Nhìn trong dài hạn, các công ty tư vấn nước ngoài vẫn đánh giá thị trường Việt Nam rất triển vọng để tiến hành hoạt động M&A. Công ty kiểm toán PwC Việt Nam đánh giá, Việt Nam được biết đến như một môi trường đầu tư an toàn, ổn định ngay cả trong giai đoạn đại dịch đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, do đó sẽ có vị thế thuận lợi trên thị trường M&A giai đoạn hậu Covid-19.

Theo một chuyên gia của PwC, thực tế cho thấy DN thuộc nhóm ngành kinh tế, lĩnh vực kinh doanh, cũng như các vùng lãnh thổ khác nhau sẽ chịu ảnh hưởng khác nhau, do đó tốc độ thực hiện các thương vụ M&A trong từng lĩnh vực cũng khác nhau. Trong 9 tháng đầu năm 2020, vốn M&A đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 1,5 tỷ USD, chiếm 26,6% giá trị góp vốn; hoạt động sản xuất kinh doanh bất động sản đạt gần 1,5 tỷ USD, chiếm 26,1%; các ngành còn lại 2,7 tỷ USD, chiếm 47,3%.

Vị này phân tích, một số nhóm ngành, lĩnh vực sẽ tăng đột biến trong ngắn hạn khi NĐT nắm bắt nhu cầu tăng lên sau khi dịch qua đi, đó là các ngành tiêu dùng, chăm sóc sức khoẻ, bất động sản… Một số ngành khác gia tăng muộn hơn nhưng sẽ nhảy vọt như dịch vụ hỗ trợ sức khoẻ, giáo dục trực tuyến, hội nghị trực tuyến… Một số ngành phục hồi tương đối chậm chạp, do đó hoạt động M&A có thể diễn ra chậm hơn, như hàng không, sản xuất ô tô, trò chơi có thưởng…

Khanh Đoàn